Thursday, December 26, 2024
Trang chủNước Việt đẹpQuảng Bình cần những 'sếu đầu đàn' để phát triển du lịch

Quảng Bình cần những ‘sếu đầu đàn’ để phát triển du lịch

Nhiều chuyên gia kinh tế – du lịch, chuyên gia quy hoạch đã nhấn mạnh như vậy tại tại hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”.
Chiều 2.12, tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), Sở KH-ĐT và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Báo Công thương tổ chức hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tập thể, nhà đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng cho biết, tỉnh Quảng Bình có lợi thế nổi bật, giàu tài nguyên để phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển, nơi giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa.

Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa thuộc lĩnh vực du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch và cơ sở lưu trú cao cấp còn ít, hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng tăng trưởng nóng về du lịch sẽ khiến Quảng Bình đối mặt với các sức ép về cơ sở hạ tầng lưu trú, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Để giải bài toán này, địa phương cần thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, chú trọng về liên kết không gian và kết nối hạ tầng liên vùng, phát triển đồng bộ hạ tầng “mềm” và chuyển đổi số trong ngành du lịch.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, bổ sung thêm, Quảng Bình cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đồng Hới, có tính đến quy hoạch đô thị sân bay; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch.

Theo ông, để quy hoạch xây dựng hạ tầng bền vững, Quảng Bình cần tạo thế phát triển đa chiều kết nối liền mạch với các địa phương lân cận, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh các trục hạ tầng quan trọng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới