Tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, phát biểu của ông Praveen Pathak, giám đốc phụ trách marketing và xuất khẩu thuộc tập đoàn quốc phòng BrahMos Aerospace của Ấn Độ đã và đang khiến dư luận quan tâm.
Quan tâm là phải thôi, khi trong phát biểu, cùng với việc ca ngợi “BrahMos là một trong những tên lửa hành trình tốt nhất thế giới”, ông Pathak đã nói rằng “BrahMos Aerospace mong muốn xây dựng quan hệ với Bộ Quốc phòng Việt Nam…Việt Nam đang vận hành nhiều tiêm kích Su-30, nên phiên bản BrahMos phóng từ máy bay có thể là một lựa chọn phù hợp…”
Thế là chính thức, chẳng còn úp mở gì nữa việc bán, mua tên lửa BrahMos giữa Ấn Độ và Việt Nam vốn lâu nay như câu chuyện mờ mờ, tỏ tỏ.
Bán hay mua vũ khí là quyền của mỗi quốc gia độc lập phục vụ cho nhu cầu quốc phòng. Vậy mà đầu năm 2017, mới nghe hơi nồi chõ thông tin Ân Độ có thể bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không Akash cùng loại ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra do nước này sản xuất, Trung Quốc đã làm ầm làm ĩ. Còn nhớ, các tờ báo lớn, nhất là tờ Hoàn Cầu – ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo – đã gây gổ và lớn tiếng đe nẹt cả bên bán và bên mua, cảnh báo rằng: hãy dừng lại, nếu không muốn câu chuyện thành nghiêm trọng.
Những người theo sát câu chuyện còn biết, trong một thời điểm nhạy cảm liên quan tranh chấp Biển Đông, đoán trước phản ứng của Trung Quốc, thay vì đàm phán bán cho Việt Nam tên lửa BrahMos mà giới chuyên gia quân sự ví như “sát thủ diệt hạm” do khả năng tàng hình và “lướt trên mặt biển”, thời điểm đó, New Delhi và Hà Nội đã chỉ đề cập tên lửa Akash. Akash dù cũng thuộc loại tối tân, nhưng chỉ là “em” của BrahMos, và chỉ là tên lửa phòng không.
Tới tháng 8 cùng năm, chẳng biết từ đâu bỗng tòi ra cái tin Việt Nam nhận lô tên lửa BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ. Báo chí nước ngoài lập tức làm loạn lên trong thời điểm diễn biến Biển Đông nhiều căng thẳng. Chẳng chối mà cũng chẳng gật, trong cuộc họp báo quốc tế thường kỳ, trả lời câu hỏi “xoáy” của cánh báo chí quốc tế, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng đã nói rằng: “Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ và là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước”.
Câu trả lời của bà Hằng quá chuẩn và y như …sách. Tuy nhiên, nội dung của nó lại quá ư lửng lơ. Lửng lơ nên chẳng thể nào thỏa mãn được tính thóc mách của cánh báo chí. Chỉ có điều, từ đận đó, BrahMos bỗng thành thành một loại vũ khí được quan tâm nhiều hơn, nhất là khi câu chuyện có dính tới Việt Nam. Đến mức tới ngày 18/08/2017, nghĩa là chỉ sau trả lời của bà Lê Thu Hằng nhõn một ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ phải hớt hải lên tiếng cải chính qua hãng tin Ấn Độ PTI, rằng những thông tin về thương vụ đó “không chính xác”.
Chẳng ai thẩm tra, xác minh câu “không chính xác” của PTI chính xác tới đâu. Mà có muốn, cũng chẳng thể làm nổi điều đó. Chỉ biết không ít thì nhiều, thời điểm này, BrahMos là thứ vũ khí Việt Nam đang quan tâm; và nó hẳn phải là một phần trong câu chuyện bang giao Việt Nam – Ấn Độ vốn đã thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016.
Tận tới đầu năm 2022, việc mua bán tên lửa BrahMos như mới chính thức được xác nhận khi báo chí báo chí Ấn Độ đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ – ông Singh. Chuyến thăm được gắn với sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ và ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030 và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng 2 nước…
Từ đó, câu chuyện mua bán BrahMos, các loại khí tài khác giữa Việt Nam – Ấn Độ hanh thông hơn; các thỏa thuận, hợp đồng, hợp tác như đang băng băng về đích, “đơm hoa kết trái” – như câu ví von của ông Rajat Manchanda, tổng giám đốc phụ trách kế hoạch sản phẩm của Tập đoàn đóng tàu và kỹ thuật Garden Reach (GRSE), tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam, ngày 10/12 vừa qua.
Điều quan trọng hơn nữa là, công việc này được hai bên đối tác triển khai một cách tự tin, công khai, chẳng cần e dè nghe ngóng thái độ, phản ứng của Trung Quốc như trước kia nữa.
Trung Quốc thì hẳn rồi: không cay cú, hậm hực sao được!
T.V