Lee Lockwood, một nhiếp ảnh gia tự do người Mỹ, đã thực hiện một phóng sự độc đáo về cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam của không quân Mỹ đăng trên Tạp chí Life, số ra ngày 7/4/1967. Là người Mỹ đầu tiên được cấp phép vào miền Bắc Việt Nam kể từ năm 1954, Lockwood được Hà Nội trao cho đặc quyền này bởi đơn xin thị thực của ông được Chính phủ Cuba ủng hộ. Lockwood đã viết và xuất bản sách về Fidel Castro và Cuba.
Lockwood đã di chuyển khoảng 1000 dặm trong 28 ngày ở miền Bắc Việt Nam. Ông đã kể rất chân thực về những hạn chế của chuyến thăm. Ông chỉ được phép thăm quan và chụp ảnh những địa điểm do Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam sắp xếp. Ông luôn có một quan chức Việt Nam ở bên mỗi khi chụp ảnh. Ông không được phép chụp các căn cứ quân sự – ngoại trừ một số khẩu pháo phòng không đơn lẻ. Ông không được phép vào Khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17, nơi những thành viên của khoảng 3 sư đoàn Bắc Việt đã xâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Ông không thể chụp ảnh những khẩu pháo phòng không và tên lửa SAM của Liên Xô với thành tích bắn hạ 479 (theo số liệu từ phía Mỹ) hay hơn 1.700 máy bay Mỹ (theo số liệu của Hà Nội); và cảng Hải Phòng nơi những con tàu Nga, Trung Quốc, Ba Lan và những nơi khác chở hàng tiếp viện tới. Ông không được phép thấy bất cứ tù binh Mỹ nào – ngoại trừ trong một cuộc gặp gỡ gây sốc.
Tóm lại, Lockwood đã được trao cho một chuyến thăm vô cùng đặc biệt nhưng cũng rất hạn chế. Từ trải nghiệm này, ông tin rằng người dân Bắc Việt, mặc dù phải chịu thiệt hại nặng nề vì bom Mỹ, nhưng vẫn rất kỷ luật và kiên cường. Phóng sự ảnh của Lockwood không phản ánh toàn bộ sự thật về cuộc chiến ở miền Bắc Việt Nam, nhưng đã đem lại một bức tranh độc đáo và giá trị về một thế giới mà ở thời điểm đó ít ai biết tới.
Tạp chí Phương Đông xin trích giới thiệu phóng sự ảnh của Lee Lockwood.
Hà Nội: Vẻ thanh bình bên ngoài của một thành phố đầy lo âu
Hà Nội thời chiến là thành phố của những nét tương phản. Trong suốt 3 giờ nghỉ trưa – mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy định như một điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của thể chất và tinh thần – mọi người chợp mắt, đọc báo hoặc đi dạo quanh hồ. Vị Thủ tướng bận rộn của Bắc Việt đã dành thời gian cuối buổi phỏng vấn 3 tiếng đồng hồ để hái hoa tặng cho Lockwood. Nhưng đằng sau vẻ ngoài thanh bình đó, người Hà Nội luôn nơm nớp nỗi lo máy bay Mỹ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Trên hầu khắp các con phố trung tâm, cứ cách gần 2 mét lại có một hố tránh bom cá nhân. Hà Nội đã nỗ lực hết sức để tránh tập trung đông dân trong một thành phố có dân số năm 1965 là 500.000 người. Hàng chục nghìn trẻ em đã sơ tán về quê. Cửa hàng bách hóa tổng hợp chính của thành phố chỉ mở cửa 2 giờ mỗi ngày, từ 5:30 đến 7:30 sáng. Chợ trung tâm đã được sơ tán, thay thế bằng những chợ nhỏ rải rác khắp nơi. Ngay cả những sự kiện như đám cưới cũng bị ảnh hưởng. “Vào một Chủ nhật”, Lockwood kể, “có hai người bạn của một người Việt mà tôi quen tổ chức đám cưới. Chỉ họ hàng gần mới được tham dự lễ cưới, và sau đó họ có một bữa cỗ ở nhà. Vì không được phép tụ tập quá 12 người trong cùng một nhà vào bất cứ thời điểm nào, nên mỗi vị khách chỉ được tham gia trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Bữa tiệc kéo dài suốt cả ngày”.
Vết thương nơi làng quê
Âm thanh đầu tiên là tiếng tên lửa SAM vang lên như sấm, liền sau là tiếng còi báo động rít lên. Đường phố lúc trước còn đầy những khách bộ hành và đạp xe bỗng chốc vắng tanh bởi mọi người đã nhanh chân xuống hầm trú ẩn, trong khi trên mái nhà, những dân quân đã cầm chắc tay súng. Một lúc sau, khi nguy hiểm đã qua, cuộc sống lập tức trở lại bình thường. Chứng kiến cảnh tượng này ở Hà Nội, nhiếp ảnh gia Lockwood bất ngờ trước nhịp sống gai góc của nó – “như thể tôi đang xem phim vậy”, ông nói, “nó tạm dừng, rồi lại bắt đầu”.
Bằng cách này hay cách khác, sự xuất hiện của máy bay Mỹ, bắt đầu vào tháng 2 năm 1965, đã làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết tất cả người dân miền Bắc. Ở phía Nam Hà Nội, Lockwood trông thấy cảnh hoang tàn ở khắp mọi nơi ông được phép tới – những thị trấn đổ nát không một bóng người, những nhà máy đã sơ tán, những cây cầu gãy, những con đường và đường tàu đầy hố sâu. Một lần, trên con đường chính, ông nhìn thấy 200 người đang lấp một hố bom sâu 12 mét. Con đường này bị trúng bom lúc 8 giờ tối, và đến 2 giờ sáng, nó đã được lấp đầy. Những cây cầu tạm được dựng lúc hoàng hôn, để rồi lại dỡ ra vào sáng hôm sau. Những hố cá nhân được đào bên lề đường và điểm xuyết trên bờ ruộng. Ở một ngôi trường nọ, học sinh đã đào hào ngay bên dưới bàn học. “Phụ nữ chuyện trò rôm rả trên đồng lúa”, Lockwood kể, “một số người cấy mạ thẳng tắp, trong khi những người khác tát nước nhịp nhàng từ một con mương. Khi bom bắt đầu rơi cách đó hai dặm làm rung chuyển cả mặt đất, họ vẫn tiếp tục công việc, dường như chẳng mảy may quan tâm”.
NHỚ LẠI 4 TUẦN Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM
Tôi tới Havana để xin thị thực, vì đó là thủ đô duy nhất ở Tây bán cầu có Đại sứ quán Bắc Việt Nam. Nếu Chí tuyến Bắc là một đường ray xe lửa, anh có thể lên tàu từ phía Bắc Havana rồi đi nửa vòng trái đất tới một điểm cách không xa phía Bắc của Hà Nội. Nhưng hành trình của tôi lòng vòng hơn: Mexico City, San Francisco, Tokyo, Hong Kong, Phnom Penh, Hà Nội. Tại Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, tôi đón chuyến bay của Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (International Control Commission), cất cánh vào thứ Sáu hàng tuần và thứ Ba cách tuần, để tới Hà Nội. Đây là cách duy nhất để tôi đến được Bắc Việt Nam. Trung Quốc có 2 chuyến bay mỗi tuần khởi hành từ Bắc Kinh, Quảng Châu và Nam Ninh, nhưng hầu như không dành cho du khách Mỹ. Phi cơ của ICC, do 3 phi công người Pháp điều khiển, là một chiếc Boeing 307 bốn động cơ cũ kỹ. Chúng tôi có một chặng dừng ở Vientiane, Lào. Từ đây, phi cơ sẽ tiếp tục di chuyển tới Hà Nội theo đúng lịch trình, và chỉ được bay trong hành lang 20 dặm. Bất kỳ thay đổi nào trong kế hoạch bay đều phải được phê duyệt trước đó vài ngày bởi Bắc Việt Nam, Không quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoa Kỳ, Quân đội Hoàng gia Lào, và bộ tư lệnh các lực lượng du kích Pathet Lào – tất cả đều ở trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào những chiếc máy bay đi lạc.
7:05 tối, đúng theo lịch trình, chúng tôi rẽ xuyên qua một màn mây nặng nề và thấy Hà Nội lấp lánh phía dưới, trông sáng sủa hơn tôi nghĩ. Chỉ một lát sau, chúng tôi đã đáp xuống đường băng của sân bay Gia Lâm. Một ánh sáng hồ quang khổng lồ rọi vào phi cơ của chúng tôi rồi lại tắt ngay lập tức. Chiếc phi cơ lăn về sân đỗ trong bóng tối gần như tuyệt đối. Tại nhà ga, một máy bay Trung Quốc hai động cơ đang trả khách. Chiếc máy bay này đã chở kín khách, không như phi cơ của chúng tôi.
Một người Việt thấp lùn mặc trang phục màu xanh da trời và đeo kính gọng thép tới đón tôi. “Ông Lee Lockwood phải không? Chào mừng ông đến với đất nước chúng tôi”, anh ta nói và bất ngờ dúi một bó hoa lớn vào tay tôi vốn đang lỉnh kỉnh hành lý. Tự giới thiệu mình tên là Lang đến từ Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao, anh ta giúp tôi làm thủ tục y tế, nhập cảnh và hải quan. Tôi được thông báo rằng ở đây không được sử dụng phim màu, nhưng “vì tình hữu nghị”, tôi sẽ được phép mang về khách sạn miễn là tôi hứa sẽ không sử dụng nó. Tôi có thể làm đơn xin phép chụp ảnh màu, nhưng nhiều khả năng là sẽ không được chấp nhận. Tất cả phim đã sử dụng đều phải được phía Việt Nam xử lý và kiểm tra; mà ở Bắc Việt Nam không có cơ sở nào tráng rửa phim màu. Việc này thật bất ngờ khi mà tôi đã được đại sứ quán ở Havana hứa hẹn rằng tôi có thể chụp ảnh màu ở đây.
Tôi là người cuối cùng rời nhà ga. Chúng tôi vào thành phố trên một chiếc xe hơi Moskvich màu đen, băng qua cây cầu Doumer cũ kỹ (nay gọi là cầu Long Biên) vắt ngang sông Hồng và nối Hà Nội với cảng chính của nó – Hải Phòng. Một đường xe lửa hẹp chạy giữa cầu, chừa lại ở hai bên một lối đi hẹp nhung nhúc xe cộ.
Người Hà Nội vẫn gọi Khách sạn Thống Nhất do Pháp xây bằng tên gọi cũ của nó: Khách sạn Metropole. Nơi đây có thể làm bối cảnh cho bất cứ bộ phim điệp viên nào. Phòng ăn cung cấp thực đơn kiểu Việt và kiểu Âu, còn quầy bar nhỏ – do một cô gái Việt xinh xắn nói được 3 thứ tiếng điều hành – có rượu Cointreau của Pháp, rượu gin Beefeater, rượu Scotch Johnnie Walker, và xì gà Havana. Tối nào cũng vậy, sảnh khách sạn nhộn nhịp những khách người Ba Lan, Cu Ba, Pháp, Đông Đức, Nga, Anh, Canada, Romania, Mông Cổ, Triều Tiên, châu Phi, sĩ quan quân đội người Việt, người Ấn, và thỉnh thoảng còn có người Trung Quốc. Vào buổi tối hôm tôi đến, chẳng có vẻ gì là chiến tranh đang hiện hữu nơi đây. Đâu thấy tiếng bom dội, ta chỉ nghe tiếng pháo nổ bởi Tết đang đến rất gần.
6:30 sáng là lúc thành phố sôi động nhất với những dòng xe đạp tuôn trào trong giờ cao điểm. Bách Hóa Tổng Hợp đã mở cửa được một tiếng đồng hồ, bên trong chật kín những người đứng chờ đến lượt mua dép, quần áo, đồ chơi và kẹo, những mặt hàng mà nhà nước dành riêng cho dịp Tết. Trong đám đông trên phố, có lẽ cứ 6 người thì lại có 1 người mặc đồng phục.
Tôi ở Bắc Việt 4 tuần, thì mất đến khoảng 2 tuần cho những chuyện quan liêu và lễ lạt – những sự chậm trễ trong việc lên lịch trình hoặc cung cấp phiên dịch, những cuộc họp và chào hỏi dài dòng, chưa kể hôm nào cũng mất 3 giờ nghỉ trưa. Tôi không phải là vị khách duy nhất phải chịu đựng cảnh này, mà nó xảy ra đối với tất cả các nhà báo nước ngoài, kể cả những người Cộng sản. Bởi tôi là một người Mỹ đang ở trong lòng địch, việc họ kiểm soát chặt chẽ từng hoạt động của tôi cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi không những phải tránh xa các cơ sở quân sự, mà còn không được phép chụp ảnh bất cứ cây cầu (trừ một cây) hay đường ray xe lửa nào, những nhà máy đã sơ tán hay những cảnh điêu tàn thể hiện sự đói nghèo cùng cực mà tôi có thể nhìn thấy. Luôn luôn có một phiên dịch đi cùng khi tôi chụp ảnh ở Hà Nội, còn ở ngoại ô thì tôi có ít nhất 2 cán bộ địa phương hộ tống. Trong 10 ngày đầu tiên, tất cả phim của tôi đều được nhà chức trách rửa và kiểm tra. Tình trạng này chấm dứt khi tôi được cấp phép chụp ảnh màu. Ở Hà Nội, tôi được tự do đi lại bất cứ lúc nào miễn là không mang theo máy ảnh.
Mặc dù đã đọc phóng sự của các nhà báo khác – như Harrison Salisbury của tờ Thời báo New York và William Baggs của Tin tức Miami – tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi mức độ tàn phá của bom Mỹ mà tôi chứng kiến.
Chỉ riêng ở Hà Nội, các đống đổ nát nằm rải rác do những cuộc không kích ngày 13 và 14 tháng 12 vừa qua vẫn còn nguyên đó. Ngoài các kho xăng dầu (mà tôi không được thấy) và một bãi đỗ xe tải, hầu hết các địa điểm bị bắn phá khác, cho dù chủ ý là gì, đều thuộc khu dân cư. Tôi đã thăm 5 điểm như vậy ở các khu vực khác nhau của thành phố, nơi bị nặng nhất là Phố Nguyễn Thiếp ở trung tâm Hà Nội, cách khách sạn tôi ở chỉ 3 phút lái xe. Con phố này nằm song song với một cầu vượt đường sắt, một phần của tuyến nối Hà Nội với Hải Phòng. Giả sử đây là mục tiêu, bom Mỹ chỉ thả chệch 30 feet (9 mét) thôi, nhưng đã phá hủy hơn 50 căn nhà.
Quốc lộ 1, con đường chính chạy thẳng xuống phương Nam tới Sài Gòn, là một chuỗi bất tận những hố bom ngập nước và những cây cầu tạm. Khu vực bị phá hủy nặng nề nhất bắt đầu từ ngoại ô Hà Nội; từ đó đi tiếp 15 dặm, gần như bất cứ ngôi nhà nào nằm bên đường đều chỉ còn là đống đổ nát. Cứ cách vài trăm feet lại thấy đá răm chất đống dùng để xây sửa, bởi con đường này liên tục bị ném bom. Mỗi cây cầu, dù nhỏ nhất, đều từng bị phá hủy ít nhất một lần; những cầu lớn đã được thay thế bằng cầu phao hoặc phà. Dọc theo tuyến đường sắt chính chạy xuống phương Nam, từng đống thanh ray, tà vẹt và các vật liệu khác nằm rải rác khắp nơi, trong khi từng nhóm thanh niên nam nữ đang cần mẫn sửa sang đường tàu. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những đoàn tàu bị trúng bom nằm lặng như xác thú trên những cánh đồng nơi chúng được đẩy ra.
Đêm xuống, khi hầu như không còn ai qua lại nữa, con đường bị tắc nghẽn cả hai hướng với xe tải hạng nặng của Liên Xô và Trung Quốc, xe Jeep Nga, và một dòng bất tận những xe đạp thồ hàng nặng trĩu (có chiếc thồ tới 150 pound – khoảng gần 70 kg) do người đạp hoặc đẩy.
Quốc lộ 1, rộng lắm cũng chỉ vừa bằng một con đường quê ở Mỹ, liên tiếp bị thu hẹp còn một làn chật chội hoặc xiên xẹo gồ ghề ở những chỗ chưa sửa xong. Nhưng cầu và phà mới là những nút thắt cổ chai tệ nhất. Một đêm khi đang trên đường từ Nam Định xuống đến Thanh Hóa, chúng tôi đi ngang qua một đoàn 47 chiếc xe tải hạng nặng, tất cả đều chở đầy hàng, đang đứng chờ để qua cầu phao. Người lái chiếc xe đứng đầu đã chờ ở đó được 2 tiếng. Chiếc xe Liên Xô nhỏ bé của chúng tôi – giống như xe Jeep – được ưu tiên qua cầu ngay lập tức. Ở bờ bên kia là 52 xe tải đang chờ để sang phía Bắc, tất cả đều rỗng không.
Như những nhà báo Hoa Kỳ khác đã đưa tin, thành phố Phủ Lý gần như đã bị xóa khỏi bản đồ sau những trận bom điên cuồng. Đây là nút giao thông đường bộ và đường sắt quan trọng đầu tiên ở phía Nam Hà Nội. Phần lớn dân số 7.700 người đã được sơ tán từ lâu. Theo các cán bộ địa phương, nơi này đã bị tấn công hơn 40 lần trong vòng 4 ngày trước khi tôi đến. Đường phố của nó hoang tàn như một nghĩa trang. Hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, trường học, nhà thờ và trạm xá cũng ở trong tình trạng tương tự. Ngoại trừ một số ít người còn sót lại, thành phố này không còn sự sống.
Nam Định từng là thành phố lớn thứ ba của Bắc Việt Nam, nay đã đổ nát hơn nửa sau những trận không kích liên tục của các máy bay thuộc Hạm đội 7 đóng tại Vịnh Bắc Bộ. Ở bờ phía Nam của con sông, những túp lều bằng bùn của Phong Lạc, một ngôi làng công giáo, cũng bị tàn phá sau cuộc tấn công hôm 31 tháng 12 vừa qua, làm 11 người thiệt mạng và 16 người bị thương. Nhà máy dệt Nam Định, lớn nhất Bắc Việt Nam, cũng bị ném bom mấy lần. Một phần nhà máy vẫn đang hoạt động. Các đoàn tàu đang di chuyển qua lại trên bãi đường sắt, đây có lẽ là một mục tiêu quan trọng.
Vào buổi tối đặt chân tới khu vực Nam Định, tôi nghỉ trong một khách sạn sơ tán ở một ngôi làng nằm giữa ruộng lúa. Ngay trước lúc đồng hồ điểm 10 giờ tối, tôi gần như bị hút ra khỏi giường bởi tiếng bom nổ gần đó. Từ lúc ấy đến trưa hôm sau còn có 5 cuộc tấn công nữa, hầu như đều mạnh đến mức làm rung chuyển cả tường và mặt đất. Tôi đề nghị được đến thăm một địa điểm bị ném bom nhưng họ cho biết có quá ít thời gian để thực hiện các thủ tục xin phép cần thiết.
Đêm trăng sáng đó, khi chúng tôi đang di chuyển xuống phía Nam, một chiếc máy bay hai động cơ sà xuống qua làn mây xốp nhẹ, gào thét ở độ cao chỉ tầm ngọn cây cách xe chúng tôi khoảng 50 feet (hơn 15 mét – ND) và bắt đầu xả đạn bằng pháo, tên lửa và một chuỗi liên tiếp 6 quả bom nổ như sấm trên cánh đồng phía bên phải. Kinh hoàng tột độ, tôi nhảy khỏi xe và lao xuống một hố cá nhân ở bên lề đường. Người phiên dịch đã nấp sẵn trong đó. Không rõ đâu là mục tiêu của cuộc tấn công. Tất cả những gì tôi thấy chỉ là vài túp nhà bằng đất, mà chúng đâu bị trúng đạn.
Ở Thanh Hóa, một thành phố lớn khác, mấy khu dân cư gần trung tâm cũng đã bị san phẳng. Tôi được cho biết cuộc ném bom mới nhất xảy ra vào ngày 29 tháng 1. Hầu hết những ngôi nhà còn đang trụ vững đều khóa cửa và vắng bóng chủ nhân. “Chúng tôi thấy thành phố này dường như không còn tồn tại nữa”, ông tỉnh trưởng buồn rầu vừa nói vừa đá vào đám gạch vụn. Trong ngày đầu tiên tôi ở khu vực này, tiết trời rất đẹp và có tới 19 cuộc tấn công vào các mục tiêu gần đó, tôi có thể quan sát một phần. Tôi thấy một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ, một quả cầu lửa màu da cam rơi xuống theo góc 45 độ vọt qua thảm lúa xanh rờn. Viên phi công kịp thoát ra và bị bắt, tôi không được phép gặp anh ta.
Phát Diệm là một vùng nông nghiệp nằm cách biển 5 dặm, với dân số 5.500 người. Tôi được cho biết thị trấn này đã bị không kích hơn 60 lần. 5 trong số 6 nhà thờ Công giáo ở đây đã bị hư hại nặng nề vì bom. Phần còn lại của thị trấn, chủ yếu là những túp lều mái tranh vách đất hoặc những ngôi nhà cấp 4, giờ chỉ còn là những đống hoang tàn.
Tôi tới thăm thôn Antiem nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, vựa lúa của miền Bắc Việt Nam. Không có con đường nào dẫn tới đây; tôi phải đi bộ gần 2 dặm qua những bờ ruộng hẹp để đến được thôn này. Đối với người dân Bắc Việt, Antiem gần như một biểu tượng. Dân làng kể rằng vào một ngày tháng 10, lúc 10:30 sáng, xuất hiện hai máy bay Mỹ, mỗi chiếc thả xuống thôn 2 quả bom, không rõ lý do. Hai quả rơi xuống cách đồng bên rìa thôn và không để lại hậu quả gì. Một quả rơi xuống trường trung học, cướp đi sinh mạng của 30 học sinh và 1 giáo viên. Quả thứ 4 rơi xuống hào, làm 9 người thiệt mạng. Tôi hỏi liệu ở quanh đó có hệ thống phòng không nào hay không. “Phòng không ư!”, một lão nông tức giận thốt lên, “chúng tôi còn chẳng có súng!”
Phần lớn sự phẫn nộ đối với các cuộc ném bom xuất phát từ việc Mỹ sử dụng bom sát thương – đặc biệt là CBU (bom chùm), loại bom nổ trên không, mỗi quả bom mẹ bắn ra 300 bom con cỡ quả bóng chày. Bom con phát nổ khi va chạm, mỗi quả sẽ bắn ra trên diện rộng hàng trăm viên đạn thép cỡ hạt đậu với vận tốc cao. Các viên đạn được phủ napalm, chạm vào đâu thì dính chặt tại đó.
Tôi được chứng kiến bằng chứng thuyết phục nhất về CBU ở gần Việt Trì, phía Tây Bắc Hà Nội. Những bức tường nhà máy ở đây lỗ chỗ những vết sẹo rỗ đối xứng đặc trưng. Tôi đến thăm bệnh viện Việt Trì, vừa mới được di chuyển từ thành phố ra một ngôi làng cách đó mấy dặm. Hôm 18 tháng 1, theo lời kể của bác sĩ Le Hau Suu, ngay cả ngôi làng này cũng bị trúng bom CBU. Bàn, ghế, tủ, tủ khử khuẩn và các thiết bị khác đều đầy những vết đạn. Bên ngoài, một mảnh vỏ bom méo mó nằm vắt ngang một bờ ruộng hẹp trên cánh đồng lỗ chỗ những hố nhỏ như cái cốc. Bác sĩ gọi một số người bị thương vì bom tới. Một cô gái 18 tuổi bị một viên đạn xuyên qua cánh tay trái, một viên găm vào ruột, một viên xuyên qua ngón tay và môi dưới, và một viên còn găm trong lòng bàn tay cô, mà tôi có thể sờ thấy được.
Với những người Bắc Việt mà tôi gặp, chiến tranh là bom, bom là chiến tranh. Họ tin rằng Mỹ đơn phương tấn công đất nước họ vì mục tiêu đế quốc. Họ sẽ hoang mang hoặc khinh ghét nếu có ai cố gắng giải thích rằng Mỹ ném bom là để ngăn chặn miền Bắc tiếp viện cho miền Nam.
Những cuộc ném bom của Mỹ hẳn đã buộc kinh tế miền Bắc Việt Nam phải thực hiện những điều chỉnh quan trọng. Các nhà máy được chia thành những đơn vị nhỏ và chuyển ra ngoại ô. Người dân đô thị phải chuyển chỗ ở nhiều nhất. Trẻ em, người già và những người không phải làm việc thiết yếu hầu hết đều sơ tán về nông thôn. Hàng nghìn giáo viên đã sơ tán theo học sinh của mình.
Tôi thấy nơi đây không phải chịu sự thiếu thốn nghiêm trọng nào. Thịt, cá và gạo được phân phối rất chặt chẽ ở các thành phố, tùy vào lượng cung theo mùa. Chế độ phân phối không được áp dụng ở nông thôn.
Thật đáng kinh ngạc bởi người dân Bắc Việt dường như bình thản đón nhận tất cả những điều này. Họ kiên nhẫn như một đàn kiến. Nếu hôm nay chưa xong việc, thì ngày mai họ sẽ làm tiếp. Nếu có một đoàn xe tải dài bất tận đang trên đường vào Nam, thì hẳn cũng sẽ có một đoàn xe bất tận đến được điểm đích, cho dù họ đi chậm đến mấy. Người dân chẳng tỏ ra giận dữ hay hiếu chiến – họ chỉ bình thản như thể họ có thể tiếp tục sống như thế này mãi mãi. Lạ ở chỗ, tất cả những người tôi đã trò chuyện cùng, dù ở làng quê hay thành thị, dường như đều phân biệt tôi như một người Mỹ bình thường với những gì mà máy bay Mỹ đã gây ra cho họ. Với vẻ lạc quan ngây thơ, họ nói về “phong trào hòa bình tuyệt vời” đang nổi lên ở Mỹ, và rằng việc chính quyền Johnson phải lùi bước trước công luận chỉ còn là vấn đề thời gian. Rõ ràng thông tin về nước Mỹ đã được chọn lọc kỹ càng trước khi đến tai họ. Ví dụ, một con phố ở Hà Nội đã được đặt tên là Norman Morrison. Trong khi đó, bao nhiêu người Mỹ biết Morrison là người đã tự thiêu trước Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh Việt Nam? Ở Hải Phòng, một cán bộ địa phương khi nâng ly đã nói không chút mỉa mai: “Hãy cảm ơn người dân Mỹ vì đã anh dũng đấu tranh chống lại chính sách đế quốc của chính quyền Johnson!” Tôi thường xuyên được nghe câu nói này, ở bất cứ nơi nào tôi đặt chân tới.
Khi tôi rời Hà Nội ra sân bay để về Mỹ, xe tôi đi ngang qua một trong những nhà máy của thành phố chuyên sản xuất ống xi măng để làm hố tránh bom cá nhân. Sân nhà máy không còn chỗ chứa, vì vậy hàng trăm chiếc ống được xếp trên vỉa hè dọc theo cả một dãy phố, chờ được chuyển đi và lắp đặt trên các con phố khác. Tôi tự hỏi họ sẽ mất bao lâu để đào chừng ấy hố cá nhân, chưa kể số lượng được sản xuất đều đặn hàng ngày. Từ những gì tôi đã chứng kiến trong 4 tuần qua, dù mất bao nhiêu thời gian và công sức đi chăng nữa, người dân Bắc Việt Nam dường như luôn sẵn sàng đào hầm và xuống đó trú ẩn khi cần thiết.
T.P