Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững con số "biết nói" về việc thu hồi tài sản ở...

Những con số “biết nói” về việc thu hồi tài sản ở vụ án tham nhũng

Năm 2022, theo Bộ Tư pháp, việc thu hồi thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gấp khoảng 4 lần so với năm 2021.

Năm 2022, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Thi hành về tiền đạt hơn 64% so với năm ngoái

Thông tin từ Bộ Tư pháp, thực hiện phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, năm 2022, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành. Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Bộ Tư pháp, năm qua, hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.

Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về uỷ thác, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, công tác thi hành án hành chính có nhiều khởi sắc. Các vụ việc thi hành án hành chính đều được theo dõi, đôn đốc kịp thời. Trong năm, có 429 vụ việc đã được thi hành xong.

Tại buổi họp báo chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thông tin, bên cạnh kết quả đạt được, tại một số vụ việc, công tác thi hành án cũng đang gặp khó khăn (vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn).

Trong năm 2023, dự kiến tiếp tục có những vụ việc nhất là các vụ án lớn sẽ có vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án.

Bổ trợ tư pháp đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội

Theo Bộ Tư pháp, liên quan công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, nhất là lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản.

Bộ đã chỉ đạo Hiệp hội công chứng viên Việt Nam tổ chức thành công Đại hội công chứng viên toàn quốc lần thứ II. Quản lý nhà nước về luật sư được tăng cường.

Hoạt động bổ trợ tư pháp đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với gần 8,9 triệu hợp đồng, giao dịch được công chứng, trên 24.000 cuộc bán đấu giá thành và các luật sư đã thực hiện hơn 115.000 vụ việc (tăng 65,6% so với năm 2021), qua đó giúp bảo đảm an toàn pháp lý, trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Cả nước có hơn 301.000 vụ việc giám định đã được thực hiện kịp thời, khách quan, trong đó có nhiều vụ việc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và để phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý đạt nhiều kết quả nổi bật khi lần đầu tiên nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia và lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I.

Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao được ký kết và tổ chức triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm việc tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong hoạt động tố tụng. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng đạt mốc cao nhất từ trước đến nay với khoảng 38.500 vụ việc (tăng gần 17% so với năm 2021).

Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quan tâm, trong đó tập trung đối thoại trực tiếp, lắng nghe và cùng tháo gỡ vướng mắc pháp lý; hàng chục chương trình phát thanh và truyền hình đã được sản xuất, phát sóng để hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới