Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ vật lộn với Covid trong khi chuỗi chỉ huy gây bối...

TQ vật lộn với Covid trong khi chuỗi chỉ huy gây bối rối

Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhân vật số 2 mới Lý Cường đều đang ở đằng sau tay lái.

Ảnh minh họa.

Sau khi dần dỡ bỏ chính sách zero-COVID hà khắc vào tháng 11, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng ca nhiễm virus. Tốc độ lây lan nhanh hơn dự đoán, khiến cho hệ thống chăm sóc y tế và các chức năng quan trọng khác gần như bị tê liệt.

Bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Những bệnh nhân cao tuổi bị sốt gần 400C chỉ có hai lựa chọn: đợi sáu giờ bên ngoài bệnh viện, hoặc về nhà. Nhiều người đã quyết định về nhà.

“Cứ hai nhân viên thì có một người bị nhiễm bệnh và không thể đi làm”, đại diện của một công ty Nhật Bản có chi nhánh tại Bắc Kinh và Thượng Hải cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đã không còn công bố số liệu chi tiết về các ca nhiễm. Nhưng đánh giá từ thông tin trên thực tế, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên đến hơn 50% ở khu vực xung quanh Bắc Kinh. Thật khó để tìm thấy một gia đình có ba hoặc bốn người chưa từng nhiễm virus. Một số người nói rằng tỷ lệ vượt quá 70% ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Một người đàn ông ngoài 50 tuổi sống ở thành phố Thẩm Dương phía đông bắc cho biết ông và gia đình hiện đang phải vật lộn với những ca nhiễm COVID nghiêm trọng và tất cả đều đã sốt 390C suốt nhiều ngày. Nhưng các hiệu thuốc gần đó đã hết sạch thuốc hạ sốt do người dân đổ xô đi mua. Họ cũng chẳng thể gặp bác sĩ tại các cơ sở y tế quá tải.

Tại tỉnh Quảng Đông ở phía nam, các khu phố đều chìm trong im lặng, các cửa hiệu và nhà hàng không còn nhân viên nào có thể làm việc và không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa.

Làm sao lại đến nỗi này? Một nguồn tin Trung Quốc hiểu rõ tình hình đã trả lời bằng một phép so sánh thú vị.

Trong chiến tranh, khi một đội quân rút lui, một đơn vị bảo vệ phía sau sẽ ở lại để ngăn chặn kẻ thù đang truy đuổi. “Trung Quốc hiện đã từ bỏ chính sách zero-COVID mà không thực hiện bất kỳ biện pháp bảo vệ nào giống như vậy”, nguồn tin cho biết. “Ngay lập tức, mọi người bắt đầu chạy trốn, mà không có kế hoạch rõ ràng.”

Việc từ bỏ chính sách zero-COVID được đưa ra sau các cuộc biểu tình “giấy trắng” ở nhiều thành phố khác nhau. Tuy nhiên, một số người nói rằng các trường hợp nhiễm COVID, đặc biệt là những trường hợp không có triệu chứng, đã bắt đầu lan rộng ngay từ trước khi nổ ra biểu tình.

Có một số vấn đề liên quan đến vaccine. Loại vaccine bất hoạt mà người Trung Quốc đang được khuyến khích sử dụng ban đầu được phát triển để đối phó với chủng virus được tìm thấy ở Vũ Hán. Chúng ít hiệu quả với biến thể omicron hiện đang thịnh hành.

Tiếp đến là vấn đề tỷ lệ tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi, những người có nhiều khả năng mắc bệnh nặng, là đặc biệt thấp, bởi vì người Trung Quốc ở độ tuổi 60 trở lên không tin tưởng vào chính phủ của họ.

Khi các hạn chế zero-COVID được nới lỏng hơn nữa vào đầu tháng này, người trẻ bắt đầu đổ xô đến các cửa hàng và địa điểm công cộng. Lây nhiễm theo cụm vì thế đã bùng phát ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, trong các trung tâm chăm sóc người già và nhiều nơi khác. Virus sau đó đã theo chân người dân về tận nhà.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), người từ lâu đã ủng hộ chính sách zero-COVID và đã được Chủ tịch Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Cộng hòa, danh hiệu cao quý nhất của đất nước, vì những đóng góp của ông trong việc chống lại đại dịch, giờ đây tuyên bố omicron “không khác gì cúm mùa” và “có thể được gọi là bệnh cảm lạnh coronavirus mới.”

Phát biểu của Chung đã khiến nhiều người mất cảnh giác. Sự thiếu nhất quán của ông lẽ ra phải gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Một vấn đề lớn khác là chuỗi chỉ huy đối với chính sách COVID của Trung Quốc.

Những mệnh lệnh khó hiểu đã được gửi đến các chính quyền địa phương trên cả nước, khiến các quan chức hoang mang, không biết phải nghe ai và phải làm gì. Một số khu vực vẫn chưa nới lỏng triệt để các hạn chế theo lệnh của chính quyền trung ương.

Trong tháng này, một doanh nhân đã bay từ một vùng nông thôn đến một thành phố lớn sau khi nghe tin về việc nới phong tỏa.

Tuy nhiên, khi đến nơi, ông được thông báo rằng mình sẽ không được phép vào thành phố, dù ông không mắc COVID và cũng chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân nào. Ông đã được đưa đi cách ly tại một điểm du lịch vắng vẻ trên núi, cách xa hàng trăm kilomet.

Các nguồn thạo tin về hoạt động bên trong Trung Nam Hải, nơi ở của dàn lãnh đạo Trung Quốc ở trung tâm Bắc Kinh, đã bắt đầu phân tích lý do của sự hỗn loạn, dù là trong âm thầm.

Một người chỉ ra những tác động tiêu cực của việc có “hai trung tâm chỉ huy” tồn tại trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Một người khác nói rằng Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 15-16 tháng 12, để thảo luận về cách quản lý nền kinh tế trong năm tới, “đáng lẽ nên dành hầu hết các cuộc thảo luận về các biện pháp chống coronavirus khác nhau.”

Giọng nói của họ thể hiện một sự tức giận thầm lặng. Đó là sự tức giận khi chứng kiến tình huống được xử lý quá bất cẩn.

Một ví dụ điển hình là các tài liệu được đọc tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương. Chúng chỉ ghi nhận sự cần thiết phải “phối hợp công tác phòng chống dịch với phát triển kinh tế và xã hội một cách tốt hơn” và kêu gọi các nỗ lực tối ưu hóa việc ứng phó với dịch bệnh, tập trung vào người già và người mắc bệnh nền.

Đây gần như là một lời thừa nhận rằng đã không có gì được quyết định về COVID.

Việc thiếu các gợi ý chính sách nhất quán cho thấy thực tế là chính sách zero-COVID đã nhanh chóng bị từ bỏ theo lệnh của Tập. Những lời từ miệng nhà lãnh đạo, người đã giành được quyền lực tối cao tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10, đã thay đổi mọi thứ. Nhưng nó cũng đang gieo rắc sự bối rối.

Cứ mỗi 5 đến 10 năm, sau khi bộ máy lãnh đạo chính của Trung Quốc thay đổi, những biến động lớn có thể nảy sinh trong khoảng trống chính trị. Có vẻ như điều đó đã xảy ra một lần nữa.

Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, trong đó bà Tôn là người phụ trách kế hoạch ứng phó COVID của chính phủ, đã không còn là thành viên Ban Chấp hành Trung ương đầy quyền lực của Đảng Cộng sản. Sau khi bị loại tại đại hội toàn quốc vừa qua, họ sẽ thôi giữ các chức vụ hiện tại vào mùa xuân tới.

Trong điều kiện bình thường, Lý Khắc Cường sẽ đã là một chính trị gia “vịt què”. Nhưng vì nhân vật số 2 mới, Lý Cường, một phụ tá thân cận của Tập, không có kinh nghiệm trong chính quyền trung ương và không biết cách vận hành bộ máy hành chính, nên Lý Khắc Cường vẫn tiếp tục cầm lái.

Hồi tháng 10, Lý Cường đã trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và nhiều khả năng sẽ được chọn làm người kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường vào mùa xuân.

Ông đã từng làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, và Tỉnh trưởng Chiết Giang. Tuy nhiên, bộ máy hành chính ở những khu vực này, và cả ở các vùng khác của đất nước, khác rất nhiều so với bộ máy ở Bắc Kinh. Ông có lẽ đã bối rối trước sự khác biệt đó.

Cấu trúc chỉ huy này đã trở thành bi kịch đối với những người dân Trung Quốc đang bị nhiễm coronavirus.

Về mặt biểu tượng, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu khai mạc. Trong khi đó, Lý Cường đã phát biểu tổng kết hội nghị.

Các quan chức địa phương nhận mệnh lệnh từ chính quyền trung ương đã không thể triển khai hành động, vì có hai trung tâm chỉ huy ở Bắc Kinh – một do Lý Khắc Cường lãnh đạo và một do Lý Cường lãnh đạo.

Vì không rõ họ phải tuân theo mệnh lệnh của ai, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình là không làm gì cả – một chiến lược sinh tồn điển hình của các quan chức Trung Quốc.

Những người lạc quan hy vọng rằng có thể sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vì số ca mắc COVID ở Trung Quốc đang tăng quá nhanh.

Đúng là có khả năng các ca nhiễm COVID-19 ở Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc, và các khu vực lân cận sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong năm nay, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, bắt đầu vào nửa cuối tháng 1/2023.

Nhưng đó chỉ là một kỳ vọng.

Trung Quốc phải cảnh giác với những gì các nước khác đã trải qua. Kết thúc một đợt bùng dịch không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc; nó chỉ có nghĩa là một làn sóng đã tan. Sau khi Trung Quốc thoát khỏi đợt khủng hoảng này, việc làn sóng tiếp theo ập đến chỉ còn là vấn đề thời gian.

Điều đáng sợ nhất là khả năng virus biến chủng nếu có hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh, khi đó một biến thể mới sẽ xuất hiện và bắt đầu quá trình hủy diệt của chính nó.

Rất khó để dự đoán tác động của một cuộc khủng hoảng như vậy đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Theo những dự đoán gây sốc mới mà Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington công bố vào tuần trước, số lượng ca nhiễm COVID-19 có thể tăng rất mạnh ở Trung Quốc trong suốt năm tới, dẫn đến hơn 1 triệu ca tử vong.

Các dự đoán cũng cho thấy, tính đến mùa xuân, một phần ba trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh.

Hôm thứ Hai, cơ quan y tế Trung Quốc chỉ công bố thêm hai trường hợp tử vong. Tuy nhiên, không ai ở Trung Quốc tin con số tử vong lại thấp như vậy, bởi nhiều người đã tận mắt chứng kiến cái chết của những người lớn tuổi trong gia đình hoặc hàng xóm.

Trên thực tế, có thông tin cho rằng tại một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh, hơn 10 người đã chết kể từ đầu tháng 12, bao gồm một cựu giáo sư lớn tuổi, một số giảng viên, viên chức đại học, và người nhà của họ.

Thông tin này chỉ được chia sẻ bí mật giữa những người có liên quan ở Bắc Kinh.

Đúng là có tương đối ít người nhiễm omicron thiệt mạng. Nhưng biến thể này sẽ giáng một đòn nặng nề hơn dự kiến vào Trung Quốc do nước này có dân số lớn tuổi rất đông.

Người ta nói rằng các lò hỏa táng ở Bắc Kinh và khu vực lân cận đang hoạt động hết công suất, nhưng vẫn có những thi thể phải chờ để được hỏa táng. Tình hình quả thật nghiêm trọng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới