Ngày 22 và 23 tháng 12, hai Viện sĩ của Đại học Thanh Hoa qua đời. Do có nhiều giảng viên và cựu giảng viên đã qua đời, Đại học Thanh Hoa ngày 9/12 đã chính thức thành lập nhóm điều phối công tác đặc biệt để phòng chống dịch bệnh cho các giảng viên và nhân viên đã nghỉ hưu.
Ông Long Ngự Cầu (Long Yuqiu), Viện sĩ của Viện hàn lâm Công trình Trung Quốc (CAE) và là Giáo sư Khoa công trình thổ mộc của trường Đại học Thanh Hoa, đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 22/12 do “mắc bệnh nhưng điều trị y tế không hiệu quả”.
Ngày hôm sau, ông Lư Cường (Lu Qiang), viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), cũng là Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, qua đời tại Bắc Kinh với cùng lý do trên.
Báo cáo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không đề cập đến nguyên nhân cụ thể về cái chết của hai viện sĩ. Tuy nhiên, vào ngày 9/12, Đại học Thanh Hoa đã chính thức thành lập một nhóm điều phối công tác đặc biệt dành cho các giảng viên và nhân viên đã nghỉ hưu. Công việc của nhóm này có liên quan tới phòng chống dịch bệnh.
Kể từ tháng 11 tới nay, Đại học Thanh Hoa đã thông báo nhiều cáo phó hơn trước. Từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 đã có tổng cộng 18 cáo phó. Trong số đó, có tới 11 cáo phó từ ngày 1 đến ngày 10/12, bao gồm cả Viện sĩ Hoàng Khắc Trí (Huang Kezhi), người qua đời vào ngày 8/12 và là Giáo sư Khoa Lực học Công trình thuộc Trường Hàng không Vũ trụ của Đại học Thanh Hoa.
Vào ngày 18/12, ông Lật Đức Tường (Li Dexiang), Giáo sư tại Trường Kiến trúc của Đại học Thanh Hoa, đã qua đời. Cáo phó nói rằng ông là một đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ.
Vào ngày 20/12, ông Ngô Quán Anh (Wu Guanying), một nhà thiết kế nổi tiếng, Giáo sư của Đại học Thanh Hoa, qua đời vì bệnh tật. Ông Ngô là nhà thiết kế linh vật “Phúc Ngưu Lạc Lạc” (Fu Niu LeLe) cho thế vận hội Paralympic mùa hè Bắc Kinh năm 2008 và cũng là một trong những nhà thiết kế linh vật “Bé Phúc” (Fuwa) cho Olympic Bắc Kinh 2008.
Cả Đại học Thanh Hoa và các báo cáo chính thức của ĐCSTQ đều không nêu rõ nguyên nhân cái chết của họ.
Đại học Thanh Hoa không chỉ là một tổ chức giáo dục đại học
Chi bộ đảng đầu tiên của ĐCSTQ tại Đại học Thanh Hoa được thành lập vào tháng 11/1926. Đại học Thanh Hoa là trường đại học đầu tiên bị ĐCSTQ kiểm soát vào năm 1949.
Ông Dương Tư (Yang Si), cựu viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), nói với The Epoch Times vào ngày 24/12: “Sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các trường đại học là rất nghiêm ngặt, có thể nói chỉ đứng sau quân đội và công an. Các cấp đều thiết lập tổ chức đảng, ĐCSTQ đi lên từ các cuộc vận động trong sinh viên. ĐCSTQ cũng biết rằng, các giáo sư có ảnh hưởng đối với sinh viên hơn nhiều so với các bí thư chi bộ đảng, vì ĐCSTQ cũng kiểm soát các giáo sư rất nghiêm ngặt”.
“Hệ thống giáo dục của Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Nó theo sát tình hình chính trị của ĐCSTQ và hợp tác chặt chẽ với các hành động của ĐCSTQ. Ví dụ, trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các trường đại học, trung học và tiểu học đều tham gia”.
“Các trường đại học ở Trung Quốc hoàn toàn bị ĐCSTQ thâu tóm. Nhìn bề ngoài, các trường đại học là để đào tạo sinh viên, nhưng xét cho cùng, đây là ‘lò’ đào tạo ra những người được gọi là ‘vừa đỏ vừa chuyên’ cho ĐCSTQ”. ‘Đỏ’ nghĩa là một lòng trung thành với ĐCSTQ, còn ‘chuyên’ là đề cập đến kỹ năng chuyên nghiệp.
Năm 1999, chính quyền ĐCSTQ đã trao tặng Huân chương Bằng khen “Hai quả bom, Một vệ tinh” cho 23 chuyên gia khoa học và công nghệ, 14 người trong số họ là cựu sinh viên Thanh Hoa. “Hai quả bom, Một vệ tinh” là một dự án hạt nhân và vũ trụ được khởi xướng vào thời Mao Trạch Đông đang nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ có tham vọng cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Nhà bình luận thời sự chính trị Lý Yên Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times vào ngày 24/12: “Đại học Thanh Hoa là trường đại học khoa học và kỹ thuật trọng điểm hàng đầu của Trung Quốc được ĐCSTQ hỗ trợ trong một thời gian dài. Đại học Thanh Hoa cũng là nơi đào tạo ra nhiều tài năng công nghệ cao nhất cho ĐCSTQ, dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ cao của ĐCSTQ như vũ khí hạt nhân và công nghiệp quân sự”.
Ngoài ra, Đại học Thanh Hoa cũng tham gia vào việc tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài cho ĐCSTQ. Ví dụ, vào tháng 11 năm ngoái, Đại học Thanh Hoa đã tham gia thành lập “Viện nghiên cứu eo biển Thanh Hoa”. Họ không cần sự cho phép của chính phủ Đài Loan, đã cùng với Hiệp hội sinh viên Đại học Thanh Hoa Đài Loan thành lập “Văn phòng Hsinchu của Viện nghiên cứu eo biển Thanh Hoa” tại Tân Trúc, Đài Loan.
Vào thời điểm đó, văn phòng này đã mua chuộc và lôi kéo các nhân tài về bán dẫn ở Đài Loan về cho ĐCSTQ. Cục An ninh Quốc gia Đài Loan khi đó tuyên bố rằng, ĐCSTQ thiếu hụt tới 600.000 nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn.
Phương tiện truyền thông Đài Loan Newtalk News đã đề cập trong một bài báo vào tháng 12/2021: ĐCSTQ có kế hoạch thâm nhập vào các trường học của Đài Loan dưới danh nghĩa trao đổi giao lưu, qua đó thu hút nhân tài công nghệ khoa học ở Đài Loan về Trung Quốc; Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh do Bí thư Đảng ủy ĐCSTQ kiểm soát, đứng sau “Viện nghiên cứu eo biển Thanh Hoa” là Chính quyền thành phố Hạ Môn. Viện nghiên cứu này được thiết kế để phục vụ chính trị chứ không phải trao đổi học thuật thuần túy.
Đại học Thanh Hoa là nơi đào tạo ra các quan chức cấp cao của ĐCSTQ
Đại học Thanh Hoa cũng là cái nôi của các quan chức cấp cao trong Trung Nam Hải. Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ từng nói: “Trong chính trường Trung Quốc, không có trường đại học nào có thể gây ảnh hưởng đến chính trị cấp cao như Đại học Thanh Hoa”.
Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 20 có 24 thành viên, 5 trong số đó đến từ Đại học Thanh Hoa, bao gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Cán Kiệt, Trương Quốc Thanh, Trần Cát Ninh, Hoàng Khôn Minh.
Người tiền nhiệm của ông Tập, ông Hồ Cẩm Đào, cũng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa. Ngoài ra, các cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ như Ngô Quan Chính, Chu Dung Cơ, Diêu Y Lâm, Tống Bình, Hồ Khải Lập và Hoàng Cúc cũng đều tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa.
Nhà bình luận Lý Yên Minh cho rằng: “Đại học Thanh Hoa có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống điều hành của ĐCSTQ. Trường đại học này sản sinh ra các quan chức cao cấp ở Trung Nam Hải. Hàng chục quan chức cấp cao của ĐCSTQ ở cấp quốc gia và cấp phó quốc gia, cũng như một số lượng lớn ở cấp tỉnh và cấp bộ đều đến từ Đại học Thanh Hoa. Nó đóng một vai trò lớn trong bộ máy hành chính của ĐCSTQ”.
“Sau cái chết của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, dịch bệnh bùng phát tập trung ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác, và cũng gây thiệt hại nặng nề cho Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa – nơi đào tạo ra các quan chức cấp cao ở Trung Nam Hải”.
“Các vụ việc nhạy cảm và ‘bí ẩn’ đang xảy ra hàng loạt đều có liên quan tới tổ chức ĐCSTQ. Điều này cho thấy khẩu hiệu ‘Trời diệt ĐCSTQ’ có thể là thật”.
Khẩu hiệu “Trời diệt ĐCSTQ” đã xuất hiện ở nhiều nơi trong phong trào biểu tình ‘Cách mạng Thời đại’ đòi dân chủ tại Hong Kong, hay cả trong các cuộc biểu tình ôn hòa trước cửa đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài.
Ngày 2/8/2004, chuyên mục ‘Tiếp cận Khoa học’ của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin về một tảng đá bí ẩn khổng lồ, được phát hiện ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, có chiều rộng khoảng 7 mét, cao 3 mét. Trên mặt tảng đá có sáu chữ Hán được khắc nổi rõ ràng: ‘Trung Quốc Cộng sản Đảng vong’. Riêng chữ ‘vong’ trông đặc biệt lớn và nổi bật. Các chuyên gia nhất trí rằng các chữ Hán trên ‘tàng tự thạch’ thuộc kỷ địa chất Permi, cách đây khoảng 270 triệu năm. Liệu có phải virus SARS-CoV-2 quay lại Trung Quốc là để tiêu diệt tổ chức ĐCSTQ? Báo hiệu thời khắc sụp đổ của nó. Thiên cơ tàng tự thạch tiết lộ: ‘Trung Quốc Cộng sản đảng vong’ liệu đã bắt đầu ứng nghiệm?
Ông Lý Yên Minh cho rằng: “Điều này đặc biệt đáng báo động đối với ông Tập Cận Bình, nhà cầm quyền đương nhiệm của ĐCSTQ cũng tốt nghiệp từ trường Đại học Thanh Hoa. Nếu ông Tập Cận Bình không nắm bắt cơ hội, chủ động thay đổi thể chế và dẫn dắt Trung Hoa bước sang trang sử mới, có thể ông ta cũng sẽ không thoát khỏi số phận bị chôn vùi cùng với sự sụp đổ của hệ thống ĐCSTQ”.
T.P