Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTiếc cho một châu Âu không còn hòa bình

Tiếc cho một châu Âu không còn hòa bình

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh châu Âu chia làm hai phe, phe các nước tư bản và phe các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy có đối kháng nhưng thời kỳ này không xảy ra bất cứ cuộc chiến nóng nào.

Liên minh châu Âu (EU) khởi động chương trình thúc đẩy hòa bình và ổn định ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Liên bang Xô Viết sụp đổ và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, người ta càng hy vọng có một châu Âu hòa bình. Dầu mỏ, khí đốt, than đá dồi dào và giá rẻ của nước Nga chẩy đến hầu hết các nước châu Âu, góp phần làm cho kinh tế của Tây và Đông Âu mau chóng phát triển.

Liên minh châu Âu (EU) đã tiến tới có đồng tiền chung, biên giới các nước chỉ còn là giải phân cách mà không bị ngăn trở. Khách du lịch toàn thế giới chỉ cần xin visa ở một nước trong khối có thể đến hầu hết các nước EU. Tàu, xe chạy từ nước này sang nước khác không còn phải dừng lại làm thủ tục nhập cảnh ở biên giới. Một châu Âu thống nhất và hòa bình, người ta đã mơ tưởng đến một mô hình của EU cho toàn thế giới.

Ngược lại với sự thống nhất hòa đồng về kinh tế – xã hội, về quân sự châu Âu lại không giải thể liên minh quân sự NATO mà lại tìm cách mở rộng và tăng cường sức mạnh, tăng cường liên kết.

Nước Nga bắt đầu nhận thấy an ninh bị đe dọa khi nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã ào ạt gia nhập NATO. Tên lửa tầm xa của NATO đã áp sát và bao vây nước Nga. Nước Nga đã kêu gọi và đặt điều kiện để NATO không kết nạp Ukraina là nước có chung đường biên giới với Nga và EU và NATO. Ít năm trước đây Đức, Pháp và một số nước cũng đã cân nhắc trước yêu cầu về an ninh của Nga nên không mặn mà việc xem xét kết nạp Ukraina.

Nhưng gần đây trước mong muốn và sự thúc dục mạnh mẽ của Ukraina, một số nước NATO, EU đã tính đến yêu cầu này.

Tuy vậy, chỉ cách đây một năm chưa ai dám đoán là Nga có thể mở rộng cuộc chiến ở Ukraina. Bây giờ thì chiến tranh đã bùng nổ ở châu Âu. Các nước EU, NATO tuy không trực tiếp nhưng đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh này.

Không chỉ Ukraina bị tàn phá mà nền kinh tế châu Âu đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và phải cưu mang hàng triệu người Ukraina di tản.

Hai nước bị tổn thất nhiều nhất là Ukraina và Nga. Nước Mỹ tuy chi viện nhiều tỷ USD nhưng lại hưởng lợi từ việc bán dầu mỏ, khí đốt giá cao cho châu Âu. Vũ khí Nga sử dụng trong cuộc chiến đang bộc lộ cả ưu điểm và hạn chế. Một số nước trước đây là bạn hàng vũ khí của Nga đang phải tính toán lại. Nước Pháp đang tìm cách để Ấn Độ chuyển từ mua vũ khí của Nga sang mua vũ khí của Pháp.

Một châu Âu bình yên không còn nữa, cuộc chiến đã bùng nổ và ngày càng gia tăng, nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân đang dần hiện hữu ở châu Âu.

H.B

RELATED ARTICLES

Tin mới