Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựXung đột Nga-Ukraine chứng kiến cuộc chiến trí tuệ nhân tạo đầu...

Xung đột Nga-Ukraine chứng kiến cuộc chiến trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới?

Những khí tài quân sự có tuổi đời hàng chục năm và công nghệ tiên tiến, được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đã biến cuộc xung đột tại Ukraine thành nơi thử nghiệm về sự kết hợp giữa vũ khí mới và vũ khí cũ.

Máy bay không người lái Lancet Kamikaze của Nga.

Sự xuất hiện của máy bay không người lái tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trên chiến trường, xe tăng thời Liên Xô cùng các trận pháo kích dữ dội đã tạo nên phần lớn bức tranh toàn cảnh xung đột Nga-Ukraine. Nga được cho là đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) Kalashnikov Kub và Lancet Kamikaze của nước này kết hợp với UAV Geran-2 (phương Tây nghi là Shahed-136 do Iran sản xuất, có giá thành chỉ 20.000 USD mỗi chiếc). Những UAV này đã cung cấp cho Moscow một giải pháp tiết kiệm nhưng hiệu quả để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và mục tiêu quân sự của Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine chủ yếu dựa vào UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ mang bom dẫn đường bằng laser, đồng thời tiếp nhận máy bay không người lái cảm tử Switchblade và “Phoenix Ghosts” do Mỹ chuyển giao, sử dụng cảm biến và công nghệ GPS để phát hiện và tấn công mục tiêu.

Ông David Cipoletta, đồng sáng lập kiêm giám đốc kỹ thuật của công ty Pison, hiện đang phát triển bộ dụng cụ sử dụng công nghệ Neural Control cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang trải qua cuộc chiến trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới”.

Pison dự định cung cấp công nghệ Neural Control cho Lực lượng Vũ trang Ukraine vào đầu năm 2023, trong khuôn khổ gói viện trợ an ninh mới của Mỹ và Anh dành cho nước này. Bộ dụng cụ của Pison sẽ cho phép các binh sỹ Ukraine tương tác nhanh hơn với máy bay không người lái, sử dụng cử chỉ, hành vi để hướng dẫn chúng đến mục tiêu.

“Trong vài tháng qua, chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều sự đổi mới về mặt công nghệ. Cứ hai tuần một lần, các kỹ sư sẽ đưa ra những thiết kế mới cho các thiết bị đi kèm với máy bay không người lái. Đây là lần đầu tiên, máy bay không người lái được sử dụng phổ biến cho các mục đích quân sự”, ông Cipoletta lưu ý.

Còn Cameron Chell, Giám đốc điều hành Draganfly – một công ty công nghệ máy bay không người lái được thành lập năm 1998 cho rằng, cuộc xung đột Ukraine đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trên chiến trường với mức độ chưa từng có kể từ khi xe tăng ra đời trong Thế chiến thứ nhất. Công ty của ông đã cung cấp cho Ukraine UAV cứu trợ nhân đạo để vận chuyển thuốc men, phát hiện bom mìn và UAV trinh sát.

Theo ông Cameron Chell, việc triển khai công nghệ quân sự mới thường phải mất đến vài năm, nhưng sự cấp bách trên chiến trường đã đẩy nhanh quá trình áp dụng. “Khi đặt vào tình huống của Ukraine, chúng ta có thể thấy họ sẵn sàng thử nghiệm vì họ không có lựa chọn nào khác và cũng không có lựa chọn nào tốt hơn”.

Công nghệ mới đang cách mạng hóa chiến trường?

Chuyên gia Cameron Chell nhấn mạnh, công nghệ đã bổ sung cho những yếu tố truyền thống trong cuộc cạnh tranh về ưu thế trên không vốn đóng vai trò quan trọng nhằm xác định kết quả của một cuộc xung đột.

“Trong cuộc chiến tại Ukraine, những phương tiện không người lái nhỏ (UAS) đang chiếm ưu thế trên không, tính từ độ cao 3.000m trở xuống. Điều này đã khiến các bên phải thay đổi chiến lược và chiến thuật sau giai đoạn đầu xung đột”. Công ty Milrem Robotics của Estonia và công ty quốc phòng Đức Krauss-Maffei Wegmann (KMW) cho biết họ sẽ cung cấp 14 phương tiện mặt đất không người lái (UGV) THeMIS cho Ukraine. Còn công ty chế tạo robot Temerland của Ukraine đã cho ra mắt robot trinh sát trang bị vũ khí có tên gọi GNOM, được thiết kế như một phương tiện chống mìn.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng châu Âu ở Bỉ – Daniel Fiott cho rằng, “phần lớn thời gian, các lực lượng vũ trang Ukraine phải đối phó với các phương tiện bọc thép, bùn lầy và pháo binh hơn là những vũ khí dành cho các chiến trường tương lai lấy cảm hứng từ AI giống trong phim hành động”. Dù vậy, không thể phủ nhận khả năng thích ứng của quân đội Ukraine với công nghệ mới, chẳng hạn như việc họ sử dụng máy bay không người lái thương mại sẵn có và cài đặt phần mềm giám sát để xác định các vị trí của đối phương.

Chuyên gia Fiott – thành viên của Viện Real Elcano ở Madrid nhận định, những công nghệ được tích hợp AI đã giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine, nhưng ở mức độ hạn chế. “Chúng ta có thể thấy một số tính năng công nghệ mới xuất hiện trong cuộc chiến này, nhưng theo quan điểm của tôi, nó không mang tính cách mạng”.

Triển vọng về một thế hệ vũ khí mới, thường được gọi là “robot sát thủ” cũng có thể thay đổi bộ mặt của các cuộc xung đột hiện đại, song lại làm dấy lên những lo ngại mới. Mark Gubrud – một nhà vật lý học cho rằng những vũ khí như vậy cần phải có sự giám sát của con người.

“Cần có những quy định nghiêm ngặt để con người chịu trách nhiệm kiểm soát tất cả các loại vũ khí, chẳng hạn như máy bay không người lái, các hệ thống điều khiển từ xa hay những vũ khí có cơ chế hoạt động tự động. Mối nguy hiểm với những vũ khí tự động là chúng có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh nằm ngoài tầm kiểm soát của con người”, ông Mark Gubrud nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới