Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTop 10 sự kiện quốc tế 2022: Những dấu ấn một năm...

Top 10 sự kiện quốc tế 2022: Những dấu ấn một năm biến động

Năm 2022 đang trôi qua với rất nhiều sự kiện quốc tế đáng nhớ. Tuy nhiên, gây ấn tượng mạnh nhất, và cũng có tác động lớn nhất cho tới nay, không thể không đề cập tới chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Ảnh minh họa.

Xin điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm vừa qua:

1. Chiến sự Nga – Ukraine

Mặc dù căng thẳng giữa 2 quốc gia Đông Âu đã gia tăng nhanh chóng trong nhiều năm qua và đặc biệt vào cuối năm 2021, nhưng phải đến năm 2022, mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa 2 nước này mới bước sang một chương hoàn toàn mới.

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đưa quân vào miền Đông Ukraine với mục đích đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực ly khai là Donesk và Luhansk.

Các cuộc tấn công của lực lượng Nga đã được báo cáo tại các thành phố lớn trên khắp Ukraine, bao gồm Berdyansk, Chernihiv, Kharkiv, Odesa, Sumy và Thủ đô Kiev. Các quan chức phương Tây tuyên bố rằng xét về phạm vi, cuộc chiến có thể là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.

Các cuộc tấn công của quân đội và vũ khí tầm xa của Moscow đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các tài sản quân sự, khu dân cư đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc của Ukraine. Các bệnh viện và khu dân cư cũng hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo kích và ném bom.

Cuối tháng 3, Nga tuyên bố sẽ “giảm hoạt động quân sự ” gần Kyiv và Chernihiv, sau đó phát động một cuộc tấn công lớn mới ở miền đông Ukraine. Đến tháng 5, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát Mariupol, một thành phố cảng lớn và có tính chiến lược cao ở phía đông nam

Kể từ mùa hè năm 2022, hầu hết các cuộc giao tranh chủ yếu diễn ra ở phía đông và nam của Ukraine, với tên lửa hành trình, bom, đạn chùm và vũ khí nhiệt áp của Nga tàn phá các thành phố cảng dọc theo Biển Đen và Biển Azov.

Tháng 7, Nga và Ukraine ký thỏa thuận để giải phóng hơn hai mươi triệu tấn ngũ cốc khỏi các cảng Ukraine do Nga kiểm soát. Các chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên rời Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga khởi hành từ Odesa vào ngày 1/8.

Kể từ đầu tháng 9, các lực lượng Ukraine đã có thể đạt được những bước tiến mạnh mẽ ở phía đông bắc và tiến hành một cuộc phản công hồi sinh ở phía nam. Mặc dù Nga tiếp tục nắm giữ phần lớn lãnh thổ phía đông nam Ukraine, Ukraine tuyên bố đã chiếm lại phần lãnh thổ quan trọng ở khu vực Kharkiv, gây bất ngờ cho các lực lượng Nga và cắt đứt các tuyến tiếp tế quan trọng.

Cuối tháng 9, Nga đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia sau một cuộc trưng cầu dân ý. Kể từ đó tới nay, Moscow vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine. Hai quốc gia hiện cũng chưa thể tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán về một hiệp định ngừng bắn.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã xác minh hơn 6,8 nghìn thường dân thiệt mạng ở Ukraine trong chiến tranh tính đến tháng 12 năm 2022. Ngoài ra, hàng triệu người đã phải sơ tán khỏi đất nước, gây sức ép về người nhập cư lên các quốc gia châu Âu lân cận.

2. Biến động nhân sự tại Vương quốc Anh

Châu Âu đã trở nên thực sự bất ổn trong năm 2022, với những biến động trải dài suốt từ phía đông sang tới phía tây của khu vực. Vương quốc Anh, quốc gia nằm phía tây bắc lục địa, đã trải qua một năm 2022 không mấy suôn sẻ với những biến động nhân sự đặc biệt.

Sự kiện đáng chú ý nhất phải kể tới là việc Nữ hoàng Elizabeth qua đời vào chiều 8/9, hưởng thọ 96 tuổi.

Với tư cách là Nữ hoàng của Vương quốc Anh và 15 vương quốc khác, đồng thời là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung 54 quốc gia, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia nổi tiếng nhất thế giới trong thời gian trị vì. Nữ hoàng lên ngôi sau cái chết của cha bà là Vua George VI vào ngày 6/2/1952, khi bà mới 25 tuổi, và là người giữ ngai vàng Vương quốc Anh lâu nhất trong lịch sử khi trị vì 76 năm.

Con trai cả của nữ hoàng Elizabeth là Thái tử Charles, 73 tuổi, sẽ trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh và là nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác trong khối Thịnh vượng chung. Vợ của ông, bà Camilla sẽ trở thành Hoàng hậu Consort.

Không chỉ có Hoàng gia Anh có sự xáo trộn nhân sự, mà bắt đầu từ cuối tháng 8, vị trí Thủ tướng Anh cũng liên tục chứng kiến những sự thay đổi đầy chớp nhoáng.

Đầu tiên là việc cựu Thủ tướng Boris Johnson từ chức do vướng phải nhiều bê bối liên quan tới đời tư và vi phạm quy tắc phòng dịch Covid-19. Việc ông Johnson từ chức đã mở đường cho bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh tiếp theo vào ngày 7/9.

Nhưng cũng chỉ sau 45 ngày cầm quyền, sau khi công bố một chương trình kinh tế gặp phải sự phản đối kịch liệt từ công chúng, bà Truss cũng tuyên bố từ chức vào ngày 20/10. Người hiện giữ chức Thủ tướng Anh là ông Rishi Sunak, thành viên đảng bảo thủ cầm quyền, tuyên bố nhậm chức hôm 24/10.

Bên cạnh những chức vụ quan trọng, Anh Quốc cũng có sự thay đổi liên tục ở các vị trí Bộ trưởng, đặc biệt là vị trí Bộ trưởng Tài chính, hiện đang nắm giữ bởi ông Jeremy Hunt.

3. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát

Vào khoảng 11h30 ngày 8/7 (theo giờ địa phương), cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bất ngờ ngã gục khi đang có bài phát biểu vận động ở thành phố Nara trước các cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.

Theo đài NHK, các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng và ông Abe ngã gục ngay tại chỗ sau khi bị bắn hai phát đạn từ phía sau vào vùng ngực trái và vùng cổ. Ông đã ngã xuống sau phát súng thứ hai.

Nghi phạm đã bị bắt giữ ngay tại chỗ, là một người đàn ông 41 tuổi có tên Tetsuya Yamagami, cựu quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) trong giai đoạn 2002-2005.

Cảnh sát đã lập tức có mặt tại hiện trường, vị cựu thủ tướng đã lập tức được đưa tới bệnh viện, nhưng ông đã không qua khỏi và mất vào chiều cùng ngày.

Nghi phạm đã bị bắt giữ ngay tại chỗ, là một người đàn ông 41 tuổi có tên Tetsuya Yamagami, cựu quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) trong giai đoạn 2002-2005.

Lễ quốc tang cho cố Thủ tướng Shinzo Abe được tổ chức vào ngày 27/9 tại hội trường nhà thi đấu Nippon Budokan, Tokyo, với tổng chi phí lên tới 12 triệu USD.

Ông Abe Shinzo, sinh năm 1954, là Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, chia thành hai giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020. Ông đã chính thức từ chức thủ tướng từ tháng 9/2020 vì lý do sức khỏe và không muốn bệnh tật ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng.

Ông Abe được đánh giá là đã tạo thế cầm quyền vững chắc, tăng cường vai trò và năng lực của quốc phòng Nhật Bản, cũng như quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông cũng được cho là đã có công vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau hàng thập kỷ trì trệ và nâng cao giáo dục về lòng yêu nước tại các trường học và làm tăng uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế.

4. Trung Quốc từ bỏ “zero-Covid” sau 3 năm

Bắt đầu từ đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc bắt đầu phức tạp trở lại khi số ca nhiễm trong nước bắt đầu tăng dần và khiến chính quyền phải thực hiện phong tỏa tại nhiều thành phố, gây thiệt hại lớn tới nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Trong năm 2022, Trung Quốc đã trải qua 2 đợt bùng dịch nghiêm trọng vào tháng 4 và tháng 11. Trong phần lớn thời gian của năm, chính quyền Bắc Kinh vẫn kiên định với chính sách “zero-Covid” đã được đặt ra vào 3 năm trước, theo đó thực hiện nghiêm ngặt việc phong tỏa, cách ly, xét nghiệm diện rộng.

Chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã giữ cho số người tử vong ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác và các quan chức nước này nói rằng chính sách này phải được duy trì để cứu mạng sống, đặc biệt là ở những người cao tuổi do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tuy nhiên, các biện pháp này khiến Trung Quốc gần như “đóng cửa” hoàn toàn với thế giới, đè nặng nên nền kinh tế trong nước và toàn cầu, thậm chí gây bất bình cho người dân.

Ngày 7/12, Trung Quốc đã công bố những thay đổi sâu rộng nhất đối với chính sách phòng dịch Covid-19 cứng rắn bao gồm 10 biện pháp mới. Các biện pháp này bao gồm cho phép cách ly những người nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà và bỏ xét nghiệm đối với những người đi du lịch trong nước. Chính quyền Trung Quốc cũng cho biết, trừ khi một khu vực được chỉ định là có rủi ro cao, công việc và sản xuất tại địa phương không thể bị dừng lại.

Cũng theo các biện pháp được công bố, ngoài các cơ sở như nhà hưu trí, trường tiểu học và trung học cơ sở và phòng khám sức khỏe, các địa điểm khác không được yêu cầu xét nghiệm virus âm tính hoặc kiểm tra mã sức khỏe (mã QR).

Đến ngày 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo sẽ hạ cấp quản lý Covid-19 từ hạng A xuống hạng B từ ngày 8/1/2023. Theo đó, Bắc Kinh sẽ không áp dụng biện pháp kiểm dịch đối với nhân viên và hàng hóa nhập cảnh vào nước này, đồng thời sẽ không yêu cầu cách ly đối với hành khách nhập cảnh. Đây được coi như dấu chấm hết cho chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc.

5. Dân số thế giới đạt 8 tỷ người

Ngày 15/11, theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố, dân số thế giới đã chính thức cán mốc 8 tỷ người.
Công dân thứ 8 tỷ của thế giới là bé gái Venice Mabansag chào đời lúc 1h29 phút ngày 15/11 tại Tondo, Manila, Philipines.

Qũy Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, thời điểm thế giới chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.

UNFPA nêu rõ những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách như: các vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột, và Covid-19.

Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem nhận định: “Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.

“Ngay khi thế giới chạm đến cột mốc quan trọng 8 tỷ người, UNFPA sẽ phối hợp với các đối tác và cộng đồng khắp nơi trên thế giới để khai thác sức mạnh của 8 tỷ người – một phần trong sứ mệnh của chúng tôi nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994”, giám đốc UNFPA cho biết.

6. Đậu mùa khỉ (mpox) bùng phát

Ngày 6/5/2022, một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận. Cụm trường hợp ban đầu được tìm thấy ở Vương quốc Anh, nơi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/5 ở một cá nhân có liên kết du lịch đến Nigeria (nơi dịch bệnh lưu hành).

Đợt bùng phát đã đánh dấu lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ lây lan rộng rãi bên ngoài Trung và Tây Phi. Từ ngày 18/5, các ca bệnh được báo cáo từ một số quốc gia và khu vực ngày càng tăng, chủ yếu ở châu Âu nhưng cũng có ở Bắc và Nam Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Úc.

Vào ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố vụ bùng phát là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC), nâng tình trạng của đợt bùng phát lên mức khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Cuối tháng 11, WHO đổi tên đậu mùa khỉ thành mpox nhằm tránh sự kỳ thị.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát mpox và tính đến ngày 20/12, 21.055 trường hợp được xác nhận nhiễm mpox đã được báo cáo từ 29 quốc gia EU/EEA và 63 trường hợp đã được báo cáo từ ba quốc gia Tây Balkan và Türkiye.

Mpox là một bệnh nhiễm trùng do virus biểu hiện một hoặc hai tuần sau khi tiếp xúc với sốt và các triệu chứng không đặc hiệu khác, sau đó phát ban với các tổn thương thường kéo dài trong 2-4 tuần trước khi khô, đóng vảy và rụng.

Đậu mùa khỉ rất có thể chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả những tiếp xúc gần trong quan hệ tình dục, nhưng nó không được phân loại là bệnh lây truyền qua đường tình dục vì nó không cần tiếp xúc với các chất dịch sinh dục để lây lan.

7. Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ

Ngày 8/11, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã diễn ra. Mặc dù không gây chú ý như bầu cử Tổng thống, nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ rất quan trọng trong việc xác định đảng nào sẽ kiểm soát Nghị viện, đồng nghĩa với việc nắm quyền thúc đẩy hoặc bác bỏ các chương trình nghị sự của Tổng thống.

Năm nay, cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ bầu lại toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện và 35 ghế (1/3 tổng số ghế) ở Thượng viện. Thượng viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, được đánh giá là cơ quan quyền lực và uy tín hơn, có nhiệm kỳ 6 năm.

Ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hiện đang kiểm soát Hạ viện và chiếm đa số trong Thượng viện.

Sau cuộc kiểm phiếu kéo dài gần 1 tuần, Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã giành quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào sáng 16/11.

Ngày 17/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố sẽ từ chức sau gần 20 năm lãnh đạo Đảng Dân chủ, để cho Đảng Cộng hòa lên nắm quyền từ năm 2023.

8. Lũ lụt lớn tại Pakistan

Mùa hè năm nay, Pakistan đã trải qua mùa mưa lũ lịch sử, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương.

Từ giữa tháng 6 đến tháng 9, lũ lụt đã khiến 7 triệu người Pakistan phải sơ tán. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman nói 1/3 đất nước đã biến thành biển lớn, tạo ra cuộc khủng hoảng “không thể tưởng tượng được”.

Với tình trạng nước ngập khắp mọi nơi, Pakistan không chỉ phải đối mặt với những thiệt hại về người và của, mà còn đối mặt với nguy cơ y tế và bệnh dịch nghiêm trọng.

Lũ lụt đã gây thiệt hại khoảng 32 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia. Liên Hợp quốc cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã không cung cấp đủ ngân sách cho Pakistan sau trận lũ lụt tàn khốc ở quốc gia này và điều đó có thể dẫn đến việc tạm dừng các chương trình hỗ trợ lương thực vào tháng tới.

Lời kêu gọi chung của Liên Hợp quốc và Pakistan chỉ mới thu được khoảng 30% trong tổng số tiền 816 triệu USD được yêu cầu. Họ sẽ tìm kiếm thêm nguồn viện trợ khác tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến diễn ra vào ngày 9/1/2023.

9. Thảm họa dẫm đạp tại Itaewon, Hàn Quốc

Ngày hội Halloween năm nay đã trở thành thảm họa tại Hàn Quốc, khi một vụ dẫm đạp đã diễn ra tại khu phố ăn chơi sầm uất Itaewon.

Tối 29/10 (giờ địa phương), sự kiện Halloween tại khu vực khách sạn Hamilton, phố Itaewon, thủ đô Seoul, đã quy tụ hàng trăm nghìn người tới tham dự. Đây là một lễ hội thường niên rất nổi tiếng của khu phố, thu hút sự quan tâm của cả giới trẻ trong nước lẫn các du khách nước ngoài.

Khoảng 10h tối, thảm hoạ đã xảy ra tại một con dốc nhỏ hẹp dẫn tới khách sạn Hamilton, khi hàng nghìn người chen lấn nhau đã dẫn tới một “trận chiến” giẫm đạp gây nhiều thương vong.

Nhà chức trách cho biết đã nhận được hàng loạt cuộc gọi từ những người tham gia sự kiện ở quận Itaewon kêu cứu vì bị nghẹt thở.

Trong các hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cũng như truyền thông địa phương đưa tin, khung cảnh tại Iaewon trở nên hỗn loạn với đám đông dồn ép nhau, một số nạn nhân bị giẫm đạp tử vong nằm la liệt trên mặt đất, trong khi lực lượng chức năng cố gắng sơ cứu, tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) cho những người còn sống sót. Những bệnh nhân nhẹ được vận chuyển trên xe lăn.

Tính tới ngày 30/10, theo cập nhật từ chính phủ Hàn Quốc cũng như nhiều trang tin, số nạn nhân tử vong đã lên tới hơn 150 người, cùng với hơn 150 người khác bị thương. Hầu hết nạn nhân đều nằm trong độ tuổi từ 20.
Thảm họa này là một trong những thảm họa đẫm máu nhất của Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.

10. World Cup 2022

Giải vô địch bóng đá thế giới 2022, hay FIFA World Cup 2022, là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22, diễn ra tại Qatar từ ngày 20/11 – 18/12. Đây là giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia Arab, và là giải đấu thứ hai được tổ chức hoàn toàn ở châu Á sau giải đấu năm 2002 ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với chi phí ước tính hơn 220 tỷ USD, đây là kỳ World Cup đắt đỏ nhất từng được tổ chức.

Lựa chọn tổ chức World Cup tại Qatar đã gây ra nhiều tranh cãi. Những lời chỉ trích tập trung vào hồ sơ nhân quyền và khí hậu của Qatar, cũng như các cáo buộc hối lộ và tham nhũng của FIFA.

Giải đấu này được coi là giải đấu cuối cùng với 32 đội tham dự, với số lượng đội sẽ tăng lên 48 đội cho giải đấu vào năm 2026. Để tránh sự khắc nghiệt của khí hậu nóng bức ở Qatar, giải được tổ chức trong một khung thời gian rút ngắn là 29 ngày với 64 trận đấu được diễn ra ở 8 địa điểm trên năm thành phố.

Trận chung kết được tổ chức vào ngày 18/12 tại Sân vận động Lusail, trùng với Ngày Quốc khánh của Qatar. Vượt qua Pháp, Argentina là đội tuyển đã ghi tên mình vào ngôi vị cao nhất của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh năm nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới