Thông báo mở cửa biên giới từ 8/1/2023 mở ra hy vọng đón khách Trung Quốc trở lại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, theo các chuyên gia, sự trở lại này cần có thời gian, để nghe ngóng và thích ứng với bối cảnh mới.
“Chúng tôi chịu ảnh hưởng của Covid-19 quá lâu, tôi thậm chí đã lên kế hoạch, lựa chọn quốc gia mình muốn đến cách đây hai tháng, chỉ chờ thời điểm thích hợp để xuất ngoại”, Liu nói.
Giống như Liu Wei, nhiều người Trung Quốc cũng đưa việc đi du lịch nước ngoài lên vị trí đầu tiên trong danh sách những điều muốn làm sau mở cửa.
Theo thống kê của Trip.com Group, một đại lý du lịch trực tuyến quốc tế, chỉ 30 phút sau khi đại lục công bố về chính sách nới lỏng “Zero Covid”, lượng tìm kiếm về du lịch nước ngoài đã tăng gấp 10 lần, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.
Thông báo “mở biên” từ ngày 8/1/2023 không chỉ là niềm vui của người dân Trung Quốc mà còn dấy lên hy vọng cho nhiều thị trường du lịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mong muốn sớm được đón lượng khách từ quốc gia tỷ dân này.
Tín hiệu tích cực với mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của Việt Nam
Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết thông báo mở cửa biên giới từ 8/1/2023 của Trung Quốc là tín hiệu tích cực, có ý nghĩa và được doanh nghiệp du lịch Việt Nam mong chờ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, đứng đầu Việt Nam. Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu/18 triệu lượt khách quốc tế.
“Việc Trung Quốc mở cửa có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam. Những tín hiệu tích cực từ thị trường khách Trung Quốc mang tới rất nhiều kỳ vọng cho các địa phương, doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Thị trường khách Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá là đa dạng, gồm nhiều phân khúc: Cao cấp, trung cấp, bình dân. Bên cạnh đó, khách Trung cũng khá thích Việt Nam.
Theo khảo sát của C9 Hotelworks về xu hướng sau dịch của khách nội địa Trung Quốc, có đến hơn 40% người được hỏi mong muốn sẽ tiếp tục đến Việt Nam du lịch khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ.
Hậu Covid-19, những điểm đến khách đại lục muốn ghé thăm nhất tại Việt Nam lần lượt là: TPHCM, Hà Nội , Nha Trang/ Cam Ranh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận/ Mũi Né, Phú Quốc và Đà Lạt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch TPHCM), khách Trung Quốc sẽ đi nhiều quốc gia khác nhau. Trên thế giới, các chính sách thu hút khách Trung cũng rất được quan tâm.
Thậm chí, ở Thái Lan, họ đã “săn” lượng khách này từ lâu, duy trì mối quan hệ trong dịch và sẵn sàng đón khách ngay sau khi mở cửa.
“Do vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để những lợi thế chúng ta có, kết hợp với việc thăm dò thị trường, nắm bắt xu hướng du lịch sau dịch của người Trung để tung ra các sản phẩm phù hợp”, ông Nguyễn Đức Chí cho biết.
Việt Nam có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác khi sở hữu đường biên giới chung với Trung Quốc. Tận dụng vị trí địa lý nằm sát cạnh “giỏ hàng” lớn nhất của ngành du lịch thế giới, ta có thể khai thác du lịch qua đường bộ, đường sắt. Theo ông Chí, với ngách này, Việt Nam có thể có ngay lượng lớn khách du lịch, tăng nhanh về số lượng.
Việc Trung Quốc mở cửa là cơ hội cho nền kinh tế của hai nước, đây là nền móng vững chắc thúc đẩy du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng lượng khách đến với mục đích công việc, phần lớn trong số họ thường ở thêm 1-2 ngày để nghỉ ngơi hoặc tham quan các điểm du lịch gần nơi lưu trú.
Trong bối cảnh mới mở cửa trở lại, nhiều quốc gia trên thế giới còn e ngại về tình hình dịch Covid-19, vắc xin của Trung Quốc hiện vẫn chưa được phương Tây công nhận. Theo ông Nguyễn Đức Chí đây có thể là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam, nếu Việt Nam thực hiện tốt công tác an toàn phòng dịch, cho người dân và cả khách du lịch.
“Mục tiêu 8 triệu lượt khách có thể đạt trong tầm tay một phần nhờ vào lượng khách Trung Quốc quay trở lại. Tuy vậy, du lịch Việt Nam về lâu dài nên vẫn cơ cấu và mở rộng thị trường. Không nên quá lệ thuộc và dòng khách từ Trung Quốc, để giảm thiểu rủi ro khi có dịch bệnh hay sự cố phát sinh”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhận định.
Sự trở lại cần thời gian
Mỹ Linh (27 tuổi) đang sinh sống và làm việc ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: “Covid-19 vẫn đang lây nhiễm ở Trung Quốc, gia đình mình 6 người thì 5 người đang dương tính. Bệnh vẫn còn tàn phá sức khỏe rất khủng khiếp”.
Theo Linh, nhiều người Trung Quốc sau hơn ba năm ảnh hưởng của dịch đã kiệt quệ về kinh tế, họ chỉ mới phục hồi trong một năm trở lại đây và mức độ phục hồi chỉ đủ chi trả cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Họ cần thời gian để chuẩn bị tiền cho những chuyến du lịch sau dịch.
Tương tự, Liu Wei cũng chia sẻ: “Dù rất muốn trở lại Việt Nam và Singapore nhưng tôi phải chờ đến hè, tôi muốn săn được vé máy bay rẻ. Ngoài ra, đợt mở cửa cũng gần với Tết Nguyên Đán nên tôi chưa muốn đi ngay trong đợt này”.
Chính sách của Trung Quốc chỉ dần nới lỏng chứ chưa hoàn toàn cởi mở khiến bản thân người Trung cũng có nhiều e ngại khi ra nước ngoài. Song, không chỉ khách du lịch cần thời gian mà các doanh nghiệp và ngành du lịch Việt Nam cũng cần thời gian để chuẩn bị cho sự trở lại này.
Hai năm mất hẳn nguồn khách du lịch Trung Quốc khiến nhiều công ty lữ hành sụt giảm trầm trọng về doanh thu, mất đi lượng lớn nhân sự ngành mà ngay lập tức chưa thể trở lại với thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Vietfoot Travel nhận định, doanh nghiệp cần làm nhiều việc trước khi đón khách Trung.
Vì trong năm 2022 phần lớn chỉ tập trung vào khách nội địa số ít khách quốc tế. Phải khảo sát lại thị hiếu của khách Trung Quốc sau dịch, xây dựng sản phẩm mới thích ứng với bối cảnh du lịch hiện tại, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự… Ít nhất là hết quý I năm 2023, khách Trung mới thực sự trở lại Việt Nam.
Đồng quan điểm, chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cũng cho rằng sẽ không có sự bùng nổ ngay lập tức, dù tâm lý người Trung Quốc đã rất mong được xuất ngoại du lịch.
“Không nên tập trung quá nhiều vào thị trường khách đại lục trong khoảng đầu năm. Theo tôi, đến nửa cuối năm 2023, chính sách Trung Quốc mới thực sự cởi mở”, ông Chí nói.
Theo nhiều chuyên gia, thực tế, khách Trung Quốc số lượng đông song lại không phải là thị trường có mức độ chi trả lớn nhất.
Năm 2018, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình cho một chuyến đi ở Việt Nam khoảng 18 triệu đồng/người, 32% trong số đó chi cho lưu trú.
Trước dịch, khách Trung Quốc thường đi theo nhóm đông người và có sở thích săn các tour 0 đồng, đặc biệt ở các tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Ninh. Điều này không chỉ không đem lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn gây áp lực lớn đến hạ tầng xã hội, đến môi trường, gây mất an ninh, gây rủi ro lớn cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương trên nói riêng.
Trong bối cảnh hiện tại, xu hướng du lịch sau dịch của người Trung Quốc sẽ có nhiều thay đổi. Họ có thể sẽ đi theo nhóm ít người, ưu tiên các địa điểm nghỉ dưỡng, có các dịch vụ tốt cho sức khỏe hoặc những khu vực vắng vẻ, không khí trong lành.
“Từ giờ đến thời điểm Tết Âm lịch có thể lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chưa thể rầm rộ ngay tuy nhiên từ tháng 3/2023 trở đi, tôi nghĩ chúng ta sẽ được đón được lượng khách đông đến từ Trung Quốc. Ba năm gần đây, ảnh hưởng bởi dịch bệnh người Trung Quốc chưa đi du lịch nước ngoài, khi mở cửa, nới lỏng biện pháp phòng dịch, nhu cầu sẽ tăng cao. Đây là cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng các lợi thế sẵn có để đón được lượng khách tiềm năng từ thị trường tỷ dân này”, ông Cao Chí Dũng nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, sau dịch bệnh, cấu trúc thị trường, nhu cầu khách đã thay đổi khó xảy ra tình trạng ồ ạt các tour 0 đồng, giá rẻ. “Hiện nay, nhu cầu đi du lịch là thật, dòng khách đi theo gia đình, nhóm đông người tăng cao. Hệ sinh thái tour giá rẻ đã không còn để xây dựng lại cũng mất nhiều thời gian thêm vào đó yêu cầu, đòi hỏi của khách sau dịch ngày càng tăng cao, sự trở lại của tour 0 đồng sẽ không phải là vấn đề đáng lo ngại”, ông Dũng chia sẻ.
Trước đó, Trung Quốc ra thông báo từ ngày 8/1/2023, nước này sẽ mở lại biên giới, bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng Covid-19.
Theo SCMP, động thái này là bước cuối cùng của Bắc Kinh trong việc loại bỏ chiến dịch “Zero-Covid” kéo dài suốt 3 năm và chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”.
Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài tới Trung Quốc vì mọi mục đích, từ kinh doanh, học tập, tới thăm thân.
Trong khi đó, lệnh hạn chế để người Trung Quốc ra nước ngoài cũng sẽ được nới lỏng.
T.P