Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ kiên trì chiến lược “tằm ăn dâu”

TQ kiên trì chiến lược “tằm ăn dâu”

Năm 2022 khép lại với tình hình Biển Đông không mấy sáng sủa. Có thể nói, những dự báo hồi đầu năm 2022 của các chuyên gia về hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chính xác gần như tuyệt đối.

Xin nêu một dẫn chứng, đầu năm 2022, khi nói về triển vọng cho COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông), tiến sĩ Swee Lean Collin Koh – nhà nghiên cứu được cho là “thân Trung Quốc” tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore – nói lấp lửng: Chưa hẳn có nhiều bên “nhiệt tình” với cách Trung Quốc thúc đẩy COC.

Ông Koh nói: “Nỗ lực đàm phán là cần thiết, nhưng một vấn đề cần đạt được là tiến đến một COC khiến tất cả các bên đều hài lòng”. Trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19, đã có một số vấn đề cố hữu trong dự thảo văn bản đàm phán COC được đề nghị phải loại bỏ. Thêm vào đó một số bên ở Đông Nam Á nhận thấy họ đang chịu áp lực lớn hơn từ Trung Quốc, do sự phụ thuộc kinh tế, điều này càng trở nên quan trọng đối với sự phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Vì lẽ đó, COC không thể được ký kết trong năm 2022. Điều này giúp Trung Quốc tìm cách vận dụng để hạn chế hoạt động của các nước khác ở Biển Đông.

Sau một năm “tiên đoán” của nhà ngoại giao tay sai Bắc Kinh đúng là như thế (!).

Cùng với sự bế tắc của COC là hàng loạt vấn đề gây căng thẳng mà kẻ gây ra không ai khác chính là Bắc Kinh. Suốt năm 2022, Trung Quốc tiếp tục khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi lý đối với Biển Đông. Hành động của họ mang tính cưỡng ép, hăm dọa, có phần liều lĩnh.

Trung Quốc từ chối công nhận chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines đối với một phần hoặc cả vùng biển. Nước này cũng ngang ngược bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế Liên hiệp quốc tại Lahaye.

Tháng 3/2022, Trung Quốc khẳng định họ có quyền phát triển các đảo ở Biển Đông như ý muốn. Họ đã từng bước trang bị các hệ thống phi đạn chống hạm và chống máy bay, thiết bị gây nhiễu và laser, cũng như máy bay chiến đấu trên các đảo này.

Tiếp đó vào tháng 5, nước này vô cớ cấm tàu thuyền và máy bay tiến vào vùng Biển Đông đang tranh chấp; tiến hành các cuộc tập trận quân sự đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các nước Mỹ, Úc và Canada cũng thông báo những vụ việc gây căng thẳng của quân đội Trung Quốc: tàu chiến và máy bay ngăn cản, đeo bám hoặc quấy nhiễu tàu và máy bay của các nước khác đang thực hiện nhiệm vụ hợp pháp trong hải phận hoặc không phận quốc tế.

Năm qua, trong khi cả thế giới đang tập trung theo dõi cuộc chiến Nga-Ukraina, Trung Quốc tuyên bố xanh rờn, rằng, họ sẽ không lợi dụng, “bắt chước”, làm những điều giống như Nga đã làm ở Ukraine. Thế nhưng, những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông thì chẳng khác gì sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.

Cần nhắc lại rằng, vào tháng 9/2021, Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực. Điều 54 của Luật này quy định: “Các phương tiện tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc”. Mà lãnh hải Trung Quốc lại được cái “lưỡi bò” ôm tới 90% diện tích Biển Đông. Thật đúng là luật rừng. Nếu như các nước không phản đối hành động này, thì đó là cơ hội để Bắc Kinh hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Tóm lại, năm 2022 các hành động bồi đắp đảo, tập trận, cấm đánh bắt cá… của Trung Quốc ở Biển Đông không hề giảm so với các năm trước. Điều này cho thấy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là bất biến.

Nhìn lại những hành động đó của Trung Quốc có thể thấy một điều rằng, dự báo trong năm 2023 chắc chắn những hành động ngông cuồng của Trung Quốc không hề suy giảm.

Theo ông Gregory Poling – nhà nghiên cứu cao cấp và giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington – những hành động mang tính “cưỡng ép” của chính quyền Bắc Kinh đưa tới một sự dịch chuyển chính sách ở Philippines về Biển Đông.

Đây là sự dịch chuyển tích cực của thái độ phản kháng. Ông G. Poling nói: “Dưới chính quyền mới của Marcos Jr., Philippines đang nhanh chóng hiện đại hóa quan hệ đồng minh với Mỹ và kháng cự một cách công khai hơn những hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Đối với Việt Nam, một trong những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong những năm qua với chính sách “ngoại giao cây tre”, đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các quốc gia khác ngoài khu vực tranh chấp. Đó là Mỹ, các nước Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ. Các nước này đều đã lên tiếng ủng hộ một vùng Biển Đông tự do và rộng mở, bày tỏ lo ngại về những hành động ngày càng liều lĩnh của Trung Quốc.

Còn các quốc gia Đông Nam Á đều mong muốn rằng, vấn đề Biển Đông không chỉ còn là riêng của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, mà là vấn đề của thế giới, vì nó đóng một vai trò rất quan trọng trên thế giới về kinh tế, an ninh-quốc phòng.

Vẫn là một Trung Quốc khổng lồ luôn cao giọng nói những lời tốt đẹp, dạy dỗ láng giềng hãy đoàn kết, xây dựng biên giới, xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, hữu nghị. Nhưng họ vẫn kiên trì chính sách bành trướng, cụ thể là chiến lược “tằm ăn dâu” trên Biển Đông.

Nhìn lại năm 2022 cũng là nhìn lại cả một thập niên, cả một thế kỷ để thấy rằng trước sau Trung Quốc không bao giờ thay đổi dã tâm thôn tính Biển Đông, coi đó là ao nhà của mình để dễ bề làm bá chủ thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới