Trung Quốc mở cửa biên giới sau dịch Covid-19, gỡ bỏ quy định kiểm soát hàng hóa, dự báo xuất khẩu tôm hùm, cua, tôm thẻ… tăng trưởng mạnh mẽ.
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT ngày 30.12, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8.1.2023.
Trong đó, sản phẩm được dự báo tăng mạnh gồm: tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú, cua…
Theo ông Lê Bá Anh, những năm qua dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì việc đăng ký, cấp phép cho các doanh nghiệp hai nước được xuất nhập khẩu thủy sản.
Đến nay, Trung Quốc đã công nhận, cấp phép cho 802 doanh nghiệp Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng công nhận, cấp phép cho 780 doanh nghiệp Trung Quốc.
Năm 2022, dù chịu tác động của chính sách “Zero Covid-19” nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc vẫn duy trì ổn định, kim ngạch tăng trưởng gấp gần 2 lần so với năm 2021.
Ông Lê Bá Anh nhận định, từ ngày 8.1.2023, Trung Quốc mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19, ngành thủy sản đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Năm 2022, nhiều sản phẩm thủy sản giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú… bị tắc ở đường biển, phần lớn chuyển qua vận chuyển theo đường bộ. Theo đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại các cửa khẩu đường bộ, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ rất thuận lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn. Dự báo sau khi gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19, các hệ thống nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hải sản tươi sống cao cấp như tôm hùm, tôm thẻ, cua… sẽ tăng rất cao.
Cũng theo ông Lê Bá Anh, với hàng thủy sản container đi đường biển, trước đây khi đến cảng biển của Trung Quốc gần như bị ách lại để kiểm tra Covid-19 trên thành container và bao bì sản phẩm.
Nếu phát hiện dấu vết Covid-19, lô hàng lập tức bị áp dụng biện pháp cảnh báo, lưu tại cảng khoảng 2 tuần để tiến hành khử khuẩn. Sau đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị đình chỉ trong một thời hạn nhất định.
“Khi Trung Quốc áp dụng chính sách mới trong chống dịch Covid-19, toàn bộ các thủ tục phòng, chống dịch đối với hàng thủy sản đi theo đường biển bị gỡ bỏ, việc xuất khẩu hải sản vào Trung Quốc sẽ vô cùng thuận lợi”, ông Anh nói.
Trong hôm nay 30.12, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã có thông báo cập nhật thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đến các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào nước này.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ 8.1.2023, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, bao gồm hàng hóa đông lạnh.
Còn theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,38 tỉ USD, tăng 84,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều loại sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc, cá da trơn…
Trong đó, tôm và cá da trơn vẫn là 2 mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cụ thể, tôm chiếm 41% và cá da trơn chiếm 28,2%. Riêng trong nhóm sản phẩm tôm, tôm hùm chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 55%, tôm thẻ là 33%.
T.P