Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngDỰ BÁO BIỂN ĐÔNG NĂM 2023

DỰ BÁO BIỂN ĐÔNG NĂM 2023

Biển Đông, nơi có trữ lượng hải sản và khoáng sản phong phú và cũng là tuyến đường thủy quan trọng cho thương mại toàn cầu. Thời gian qua, Biển Đông xảy ra nhiều vụ việc gây căng thẳng liên quan đến tranh chấp giữa các nước trong khu vực, các hành động quyết đoán của Trung Quốc, sự can dự của các nước ngoài khu vực.

Năm 2022, Biển Đông không xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng, nhưng nguy cơ bất ổn luôn rình rập, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của nước này đối với Biển Đông bằng những hành động mang tính chèn ép và hăm dọa. Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông càng trở nên gay gắt hơn. Trong đó, có nhiều hành động trên thực địa có nguy cơ dẫn đến va chạm, vụ việc gần đây nhất là ngày 21/12/2022, máy bay chiến đấu J-11 của Hải quân Trung Quốc đã bay chỉ cách 3 mét so phần cánh, và 6 mét so với phần mũi của chiếc RC-135 của Hải quân Mỹ gần khu vực quần đảo Hoàng Sa và buộc phía Mỹ phải thực hiện các động tác di chuyển để tránh một vụ va chạm.

Có thể nói, việc các nước đều tằng cường hoạt động ở Biển Đông, có thể dự báo năm 2023 tình hình Biển Đông sẽ không bình yên khi những nguy cơ căng thẳng nổi lên như sau:

Một là, với vị trí chiến lược nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông sẽ là “chiến trường” chính trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ-Trung, thậm chí tiếp tục xảy ra những va chạm mới giữa máy bay, tàu chiến 2 nước. Mỹ sẽ tiếp tục có những bước đi cụ thể đối với Biển Đông.

Về chính sách, Mỹ không có lập trường chính thức ủng hộ bên nào trong những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng sẽ tiếp tục đề cao việc tôn trọng luật pháp ở Biển Đông để vừa tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Mỹ trên thực địa vừa tranh thủ các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông cả về chính sách và hành động trên thực địa.

Trong 2 năm qua, Mỹ đã có nhiều bước đi cụ thể tạo dựng cơ sở pháp lý cho các hoạt động tự do hàng hải và hàng không như đầu tháng 6/2021, Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc; tháng 7/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ra Tuyên bố chính thức về lập trường đối với Biển Đông; tháng 01/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo “Ranh giới trên biển” khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông gần như hoàn toàn vô giá trị. Những văn bản được đưa ra sau làm rõ thêm lập trường pháp lý của Mỹ liên quan đến tranh chấp Biển Đông so với văn bản trước đó.

Theo đó, lập trường chính thức của Mỹ nhấn mạnh: (i) yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể ngập nước khi thủy triều lên là không phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) yêu sách về cái gọi là “đường 9 đoạn”, bao phủ vùng biển rộng lớn chiếm tới trên 80% diện tích Biển Đông hoàn toàn không có sơ sở trong luật pháp quốc tế; (iii) việc tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển dựa trên việc định danh từng nhóm đảo như một tổng thể (hay như Trung Quốc nói “Tứ Sa” là “không được luật pháp quốc tế cho phép”. Mặt khác, Mỹ khẳng định đây là nền tảng pháp lý cho các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông và chắc chắn Lầu Năm góc sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động của Hải quân, Không quân Mỹ trên quan điểm này.

Trên thực địa, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành FONOP ở Biển Đông và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đồng minh thân thiết trong khu vực để duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Một loạt các cuộc tập trận “tiểu đa phương” với sự tham gia của quân đội Mỹ và các đồng minh trong thời gian qua đã tạo ra mô hình can dự này. Washington luôn khẳng định tàu chiến và máy bay Mỹ có toàn quyền hoạt động ở nơi mà họ xem là vùng biển, vùng trời quốc tế. Các hoạt động của Mỹ trong năm 2023 có thể còn được sự hưởng ứng của các đồng minh như Nhật Bản, Úc, Canada….

Trước các hoạt động của Mỹ và đồng minh đối với Biển Đông, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không “ngồi im”. Điều này sẽ là nguyên nhân tiếp tục làm cho Biển Đông căng thẳng.

Hai là, năm 2023 sẽ tiếp tục phải chứng kiến những hành động hung hăng, cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc. Năm 2022, trong lúc cả thế giới hướng sự quan tâm tới cuộc chiến ở Ukraine và ở trong nước Trung Quốc đối mặt với những khó khăn do chính sách “zero” Covid, song không vì thế mà Bắc Kinh ngừng nghỉ các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, trái lại họ tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông bằng việc tăng cường sức mạnh hải quân với việc trang bị các tàu chiến hiện đại, gia tăng các cuộc diễn tập quân sự, kể cả việc thử nghiệm các vũ khí hiện đại.

Trong suốt thập kỷ cầm quyền, Tập Cận Bình đã theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán. Theo đó, Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng và phát triển lực lượng hải quân và tên lửa, cải tổ các hoạt động chỉ huy và xây dựng các căn cứ quy mô ngay trung tâm hàng hải của Đông Nam Á. 10 năm dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng hành động hung hăng hơn ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

Với việc củng cố thêm quyền lực sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ càng trở nên quyết đoán hơn. Ngay trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 20, Tập Cận Bình tiếp tục nêu ra khẩu hiệu “chấn hưng dân tộc Trung Hoa” và kêu gọi phát triển quân sự nhanh hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đang dẫn dắt Trung Quốc bước vào con đường với tham vọng muốn thống trị khu vực và thế giới, ông  ta sẽ tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu này. Điều này sẽ tạo nguy cơ ngày càng lớn đối với các nước láng giềng, trước hết là các nước ven Biển Đông, Đài Loan.

Ba là, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc ép các nước ASEAN đẩy nhanh các cuộc đàm phán COC vì Bắc Kinh rất cần thể hiện rằng nỗ lực đàm phán của họ phản ánh mong muốn hòa bình và ổn định để chống lại những gì mà họ cho là sự can thiệp từ bên ngoài đối với các tranh chấp. Tuy nhiên, do đây là vấn đề liên quan đến lợi ích an ninh chủ quyền của các nước ven Biển Đông, mặt khác khu vực này chủ yếu tập trung vào các ưu tiên phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 nên khó có thể có đột phá mới trong tiến trình COC trong năm 2023. Đây cũng chính là lý do các bên liên quan đã không đưa ra một thời gian biểu rõ ràng.

Năm 2023, Indonesia là chủ tịch của ASEAN và là nước cũng đang phải hứng chịu sự gây hấn hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thời gian gần đây do vậy không thể có “cửa” cho Trung Quốc có thể chi phối các hội nghị ASEAN trong năm 2023 này. Mặc dù, Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, song trước việc Trung Quốc mở rộng các hành động xâm lấn xuống vùng biển của nước này khiến Indonesia sẽ phải đoàn kết cùng Việt Nam, Malaysia, Philipines, Brunei nỗ lực thúc đẩy một COC hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, bảo đảm quyền lợi của các nước ngoài khu vực.

Tóm lại, Biển Đông trong năm 2023 sẽ tiếp tục phải đối mặt với cả cạnh tranh và hợp tác. Các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tìm kiếm sự đảm bảo chiến lược thông qua cách tiếp cận tập thể với các đối tác ngoài khu vực trong khi vẫn duy trì mối quan hệ dựa trên kinh tế với Trung Quốc do các nước này đều có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và ưu tiên chiến lược của các nước ASEAN vẫn là ứng phó với suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông, họ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện ở Biển Đông nhằm chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông. Mặt khác, các nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan – cả trong và ngoài khu vực – ở Biển Đông sẽ mở ra một không gian hợp tác lớn hơn khi các quốc gia trong khu vực phải đối phó với những thách thức kinh tế xã hội cấp bách hơn ở trong nước. Điều này có thể khiến Bắc Kinh phải thận trọng trong việc quản lý các động thái đối với các đối thủ ở Biển Đông. Quả thực, các hành vi chèn ép của Trung Quốc ở Biển Đông tuy nhất quán trong suốt những năm qua nhưng dưới sự phản ứng kiên quyết của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh cũng phải có sự điều chỉnh cần thiết, không thể đối đầu với cả thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới