Chọn những ngày đầu năm 2023, Tổng thống Philippines bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc ba ngày. Ông đã tới Bắc Kinh hôm 3/1. Chuyến thăm được dư luận quan tâm nhất là, sau 6 năm (kể từ năm 2016), Trung Quốc lờ tịt phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc tại Lahaye, hai bên, bao gồm bên thắng kiện và bên thua kiện sẽ nói với nhau thế nào về Biển Đông?
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr dự kiến sẽ thảo luận về các hoạt động của Bắc Kinh mà Manila nói là bất hợp pháp ở khu vực Biển Đông tranh chấp. Phát biểu trước báo chí, Marcos nói, ông mong được gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông nói với giọng đầy chất ngoại giao: “Các vấn đề giữa hai nước chúng ta là những vấn đề lẽ ra không nên xảy ra giữa hai người bạn như Philippines và Trung Quốc”.
Hai “người bạn” ấy đã từng kiện nhau, làm cho nhau mất mặt trước cộng đồng quốc tế, bây giờ chẳng lẽ lại mặn nồng cho qua mọi hiềm khích, sổ toẹt lịch sử?
Cuộc gặp này sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa ông Marcos và ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc (cuộc gặp lần thứ nhất vào tháng 11/2022) tại Thái Lan. Xin bạn đọc lưu ý, năm 2022 Trung Quốc tăng cường các hoạt động trong vùng biển tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, nhất là cho hàng trăm tàu neo đậu dài ngày ở Đá Ba Đầu.
Kể từ khi lên nắm quyền, Marcos cũng đã hai lần gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở nước ngoài. Nhà Trắng bảo đảm với Manila rằng sẽ bảo vệ Philippines đến cùng nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình lần này được thông báo sẽ bao gồm nội dung về hành động gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, hôm 30/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân không hề nhắc đến câu chuyện đau đầu Biển Đông. Ông Uông cho biết chuyến thăm “sẽ tập trung vào việc trao đổi quan điểm sâu sắc về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và văn hóa để tạo ra một kỷ nguyên vàng”.
Rõ là giọng lưỡi của kẻ mị dân có nòi. Nói ra cho gọi là có tỏ thái độ, bất kể phản ứng của người đối thoại và dư luận trong khu vực tin hay không tin.
Theo các nhà quan sát, bình luận quốc tế, ông Marcos có thể nhân cơ hội này giúp tái cân bằng chính sách đối ngoại của Manila, vốn đã xích lại gần Trung Quốc và rời xa Mỹ dưới thời nhà Tổng thống Rodrigo Duterte – một người luôn có lập trường chao đảo.
Xác định là một đồng minh quốc phòng của Mỹ, dưới thời Duterte, Philippines đã phải uốn éo vô cùng mềm dẻo để được lòng cả hai ông lớn. Bởi Biển Đông là điểm nóng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ về các hoạt động của lực lượng hải quân trên biển.
Khi mới nhậm chức, ông Marcos Jr thề rằng, sẽ không để mất một centimet lãnh thổ nào của Philippines vào tay bất kỳ thế lực nước ngoài nào. Tuyên bố như dao chém đá này được người dân Philippines nồng nhiệt hoan nghêng và nhận được sự cổ vũ từ những người ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài vào năm 2016 bác bỏ các yêu sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cần nhắc lại vụ kiện của Manila đối với Trung Quốc. Philippines lập luận rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý bởi vì nó vi phạm quy định của UNCLOS (Công ước quốc tế về luật biển-1982) về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bởi vì hầu hết các đảo ở Biển Đông, bao gồm các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, không phải là phù hợp để con người sinh sống, cho nên theo quy định của Công ước không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong khi đó Trung Quốc từ chối tham dự vào vụ kiện. Nước này cho rằng nhiều thỏa thuận với Philippines đặt điều kiện cho những đàm phán song phương sẽ tốt hơn. Khi ấy có thể được thỏa thuận để giải quyết những tranh cãi về biên giới. Bắc Kinh cũng buộc tội Manila về việc vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông tình nguyện, đã được thỏa thuận 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đó là mâu thuẫn hiện tại, cũng là mâu thuẫn lâu dài nhất.
Liệu rồi hai “bạn vàng” sẽ nói những gì trong chuyến thăm, hay chỉ là vở tuồng, với kịch bản nhạt nhẽo và lố bịch?
H.Đ