Việc Tổng thống Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương vào dịp Giáng sinh của người Chính thống giáo có thể là tín hiệu tích cực thúc đẩy đàm phán hoặc thay đổi quỹ đạo chiến sự.
Theo một tuyên bố từ Điện Kremlin hôm 5/1, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tuân thủ lệnh ngừng bắn tạm thời “dọc theo toàn bộ ranh giới giữa các bên ở Ukraine”. Lệnh ngừng bắn dự kiến sẽ kéo dài từ trưa thứ Sáu, ngày 6/1, cho đến nửa đêm thứ Bảy, ngày 7/1, nhân dịp lễ Giáng sinh của người Chính thống giáo.
Việc tạm dừng giao tranh sau nhiều tháng xung đột khốc liệt thường là một diễn biến đáng hoan nghênh, nhưng thông báo của Nga ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Ukraine và các đồng minh phương Tây vì cho rằng, đây là một bước đi có tính toán chính trị rõ ràng.
“Nga phải rời khỏi các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát. Chỉ khi đó họ mới có một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời”, Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, tuyên bố. Trước đó, ông Podolyak cáo buộc kêu gọi ngừng bắn dịp Giáng sinh của Moscow chỉ là “cái bẫy”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tỏ ra hoài nghi, cáo buộc Nga đang tìm cách sử dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại lực lượng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
“Giờ đây, họ muốn sử dụng lễ Giáng sinh như một vỏ bọc, dù chỉ trong thời gian ngắn, để ngăn chặn bước tiến của lực lượng Ukraine ở Donbass, đồng thời mang thiết bị, đạn dược và binh sĩ được huy động đến gần các vị trí của chúng ta hơn”, ông Zelensky cảnh báo.
Theo giới phân tích, cả Ukraine và các quan chức phương Tây đều có lý do chính đáng để hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Putin. Thỏa thuận ngừng bắn của Nga dường như là một động thái tuyên truyền đối với người dân trong nước hơn là một cử chỉ thiện chí thực sự đối với Ukraine.
Mục đích của Nga
Các chuyên gia nhận định, Nga có lẽ đang cố gắng đạt được một vài mục tiêu khi tuyên bố ngừng bắn.
Thứ nhất, lệnh ngừng bắn giúp xây dựng hình ảnh của Tổng thống Putin trong mắt công chúng Nga, cho phép binh sĩ Nga được nghỉ ngơi và chìa cành ô liu với Ukraine theo tinh thần Giáng sinh, mặc dù Kiev đã từ chối điều này. Lệnh ngừng bắn dường như nhằm củng cố mối quan hệ giữa Điện Kremlin và Giáo hội Chính thống.
“Nhiều khả năng đây là một tín hiệu nội bộ để đảm bảo sự ủng hộ từ Giáo hội Chính thống, đồng thời phù hợp với tuyên bố (của Nga) rằng Nga đang tiến hành cuộc chiến này vì mục đích nhân đạo để bảo vệ những người có chung tôn giáo và sắc tộc khỏi bị trấn áp”, Margarita Konaev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET), nhận định.
Trong sắc lệnh của Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc tới lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill về việc ngừng bắn với Ukraine. “Do có một số lượng lớn công dân theo đạo Chính thống sống ở những khu vực đang diễn ra chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và để họ có cơ hội tham dự các buổi lễ vào đêm Giáng sinh cũng như ngày Giáng sinh Chính thống giáo”, sắc lệnh cho biết.
Các nhà phân tích dự đoán, lệnh ngừng bắn cũng nhằm truyền tải thông điệp của Tổng thống Putin rằng, dân thường Ukraine cần được đảm bảo an toàn, không còn lo lắng bạo lực nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo trên khắp Ukraine từ ngày 6-7/1. Tuy nhiên, một số chuyên gia hoài nghi về điều này, khi trước đó Nga đã tiến hành các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn vào thành phố tại Ukraine, khiến hàng triệu người sống trong cảnh mất điện, nước và hệ thống sưởi.
“Tôi nghĩ động thái này nhằm thay đổi suy nghĩ về những gì Nga đang làm, để người dân trong nước hiểu rằng: “Chúng ta đưa ra lệnh ngừng bắn để mọi người có thể đến nhà thờ””, Olga Lautman, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết.
Mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Putin khi tuyên bố lệnh ngừng bắn được cho là nhằm giúp lực lượng Nga có thêm thời gian nghỉ ngơi sau hơn 10 tháng giao tranh. Ukraine cho biết quân đội Nga đã chịu tổn thất lớn trên chiến trường, bao gồm các cuộc tấn công gần đây ở vùng Donetsk. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng, lệnh ngừng bắn có thể chỉ là cách để Moscow “câu giờ” nhằm khôi phục lực lượng.
Theo Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, tuyên bố của Điện Kremlin là “dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang ngày càng suy yếu”, đồng thời nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga mong muốn “tạm dừng việc gây tổn thất cho binh lính và thiết bị” của Nga.
Các chuyên gia quân sự trước đó đã cảnh báo, Moscow có thể đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn hoặc đàm phán để kéo dài thời gian cho các lực lượng Nga, giúp họ tập hợp lại lực lượng và nghỉ ngơi.
Một số chuyên gia cho rằng, Nga có thể đang mở tín hiệu đàm phán với Ukraine khi thông báo lệnh ngừng bắn. Sắc lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra sau cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5/1, trong đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Moscow đơn phương ngừng bắn để tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm.
Đáp lại đề nghị của ông Erdogan, Tổng thống Putin khẳng định “Nga vẫn để ngỏ đối thoại nghiêm túc, miễn là giới chức Ukraine đáp ứng các yêu cầu mà Nga đưa ra và chấp nhận thực tế mới về lãnh thổ”.
T.P