Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựBa quyết định “đúng thời điểm” giúp Nga tăng sức mạnh trong...

Ba quyết định “đúng thời điểm” giúp Nga tăng sức mạnh trong xung đột ở Ukraine

Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 11, nhà quan sát Barry R. Posen – Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định trên Foreign Affairs rằng, Nga ngày càng khôn ngoan hơn trong việc thực hiện chiến lược quân sự.

Binh lính Ukraine khai hỏa pháo tự hành CAESAR ở khu vực Donetsk ngày 26/12/2022.

Theo ông, những quyết định chiến lược gần đây của Nga đều có ý nghĩa nhất định về mặt quân sự. Lệnh động viên một phần mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hồi tháng 9/2022 đã tăng cường sức mạnh của quân đội Nga trên chiến trường. Chiến dịch tấn công bằng UAV và tên lửa của Moscow nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine từ tháng 10/2022 đang buộc Kiev và phương Tây phải chuyển hướng các nguồn lực để bảo vệ các vị trí mới, vốn dễ tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt mùa đông nếu không có điện. Việc quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson vào tháng 11 cũng đã giúp các lực lượng này tránh bị tổn thất và có thể thực hiện nhiệm vụ tại những nơi khác.

Xung đột ở Ukraine đang trở thành một cuộc xung đột tiêu hao – một cuộc cạnh tranh mà bất kỳ thành quả nào đạt được đều phải trả bằng một cái giá lớn. Mặc dù đó là kịch bản tương lai cả Nga và Ukraine đều muốn tránh xảy ra nhưng ở thời điểm hiện tại, không có nước nào sẵn sàng đàm phán cũng như đưa ra nhượng bộ đáng kể để tạo điều kiện cho đàm phán diễn ra.

Ukraine và phương Tây hy vọng đến một lúc nào đó Nga sẽ từ bỏ cuộc xung đột này nhưng đó là điều không thể xảy ra. Họ cũng đặt hy vọng vào việc Nga sẽ sụp đổ trên chiến trường hoặc trong nước nhưng khả năng xảy ra hai kịch bản này đều mong manh. Trong khi Nga tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng các mục tiêu và phương Tây không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, cuộc xung đột sẽ còn tiếp tục và chưa có dấu hiệu kết thúc sớm.

Huy động thêm lực lượng

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga và Ukraine đều chịu tổn thất về lực lượng. Để khôi phục sức mạnh, hai nước không ngừng bổ sung nguồn lực của mình. Nhà quan sát Barry R. Posen cho rằng, trong giai đoạn đầu, các chỉ huy của Nga phải huy động các lực lượng từ tiền tuyến để củng cố vị trí tại những nơi khác khiến cho tuyến phòng thủ của Moscow tương đối mỏng. Từ đó, quân đội Ukraine đã tận dụng việc này để phản công nhằm giành lại lãnh thổ ở nhiều nơi.

Dù vậy, sau đó, vào cuối tháng 9/2022, Tổng thống Putin đã ra lệnh động viên một phần, huy động thêm 300.000 binh lính.

Mặc dù một số lực lượng dự bị động viên của Nga hạn chế về kỹ năng quân sự nhưng vẫn còn nhiều người có khả năng. Đó là bởi trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, Nga đã huấn luyện cho khoảng 250.000 lính nhập ngũ mỗi năm. Đợt huy động này chắc chắn bao gồm nhiều người trong số đó.

Tình báo phương Tây hiểu rõ Ukraine sẽ đối mặt với điều gì đằng sau động thái trên của Nga. Năm 1982, một bản ghi nhớ tình báo của nhiều cơ quan kết luận, Liên Xô có thể huy động lính dự bị, huấn luyện họ để sẵn sàng chiến đấu trong khoảng một tháng. Vì thế, việc Nga có thể huấn luyện quân đội sẵn sàng ra chiến trường trong một vài tháng là điều hoàn toàn khả thi.

Ở mức độ tối thiểu, lực lượng này sẽ củng cố tuyến phòng thủ của Nga trên tiền tuyến và cản trở nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập. Ngoài ra, không loại trừ khả năng họ có thể được huy động để tiến hành cuộc tấn công mới – điều mà các quan chức Ukraine dự đoán Nga sẽ thực hiện vào tháng 1 hoặc tháng 2/2023.

Rút quân đúng thời điểm

Tương tự như huy động quân đội, việc Nga rút khỏi Kherson vào tháng 11 là một động thái có ý nghĩa nhất định về mặt quân sự. Giới tuyến giữa các lực lượng của Nga và Ukraine trải dài hơn 1.600km trong khi các lực lượng của Nga phân bố tương đối mỏng. Cuộc phản công của Ukraine ở Kharkiv hồi tháng 9 được cho là đã rút ngắn mặt trận mà Nga bảo vệ xuống còn khoảng 965km nhưng trên thực tế, phạm vi cần bảo vệ vẫn khá dài.

Dựa trên thực tế chiến trường và quy mô lực lượng, Nga đã đưa ra quyết định rút quân. Ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh bắt đầu rút quân từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Dnieper. Ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội Nga đã hoàn thành việc rút khỏi thành phố Kherson và hữu ngạn sông Dnieper, bảo đảm an toàn về người và thiết bị.

Tư lệnh chiến dịch, Tướng Sergei Surovikin cho biết: “Đánh giá toàn diện tình hình hiện nay, về đề xuất phòng thủ dọc tả ngạn sông Dnieper, tôi hiểu đây là một quyết định hết sức khó khăn. Chúng ta sẽ bảo toàn tính mạng của các quân nhân của chúng ta – đó là điều quan trọng nhất. Nhìn chung, việc duy trì lực lượng ở hữu ngạn sông Dnieper trong một khu vực hạn chế không có triển vọng. Ngoài ra, một phần lực lượng và phương tiện sẽ được giải phóng, sử dụng cho các hoạt động tích cực, bao gồm cả các cuộc tấn công, theo các hướng khác trong khu vực chiến dịch”.

Theo các hình ảnh vệ tinh, hiện quân đội Nga đang đào các vị trí phòng thủ dọc giới tuyến và xây dựng các dãy rào chắn. Sự bổ sung lực lượng và chuẩn bị tốt hơn cho các vị trí chính là chìa khóa của việc phòng thủ hiệu quả.

Chiến dịch tấn công UAV và tên lửa

Nga đã tiến hành chiến dịch tấn công UAV và tên lửa nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine. Cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine đã mang đến hiệu quả cho kế hoạch của Moscow.

Các hệ thống quân sự hiện đại làm nhiệm vụ phòng không, chỉ huy và kiểm soát, cũng như thông tin tình báo đều cần sử dụng điện và nếu không thể sử dụng từ lưới điện, Ukraine sẽ phải dùng tới các máy phát điện. Tuy nhiên, việc di chuyển sẽ không dễ dàng như bật một công tắc và điều đó có thể làm giảm khả năng của các hệ thống này.

Hơn nữa, việc phụ thuộc vào máy phát điện cũng làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu cho hệ thống hậu cần quân sự của Ukraine. Tín hiệu nhiệt từ máy phát điện còn có thể khiến tình báo Nga phát hiện ra nơi tập trung của lực lượng Ukraine.

Các cuộc không kích của Nga cũng khiến Ukraine phải tiêu tốn nguồn lực để thích ứng và biến việc bảo vệ các nhà máy điện khỏi các cuộc không kích là một ưu tiên quân sự và ngoại giao. Ngành công nghiệp đạn dược và vũ khí của Ukraine phụ thuộc vào điện cũng hệ thống đường sắt để vận chuyển các trang thiết bị chiến tranh khắp đất nước. Trước tình trạng mạng lưới điện bị phá hủy, Ukraine phải phụ thuộc nhiều hơn vào tàu và máy phát điện chạy bằng diesel cũng như dịch chuyển sang việc sử dụng các máy phát điện chạy bằng khí tự nhiên khan hiếm.

Những nhu cầu khẩn cấp sẽ chuyển hướng nguồn nhiên liệu sử dụng cho chiến dịch quân sự hoặc đơn giản là chúng sẽ gia tăng cái giá cho các đồng minh của Ukraine, vốn cũng đang cần năng lượng. Phương Tây đang tích cực hỗ trợ Ukraine sửa chữa mạng lưới điện để chống chịu tốt nhất có thể trước các cuộc tấn công liên tục.

Về phía Nga, đây là một tin tốt bởi việc sửa chữa sẽ tiêu tốn các nguồn lực của Ukraine và khiến chúng không thể sử dụng cho các nhiệm vụ trên chiến trường.

Nga đang tấn công vào số lượng nhỏ các mục tiêu với tương đối ít vũ khí những lại tạo nên kết quả đáng kể. Nhà quan sát Barry R. Posen cho rằng, chiến dịch được tổ chức tốt của Nga đã cho thấy lực lượng không quân rút ra được những bài học từ quá khứ và đang hoạt động hiệu quả hơn.

Xung đột chưa có hồi kết

Mục tiêu hiện nay của Nga là củng cố các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát. Moscow đã đặt ra 2 chiến lược quân sự mới để theo đuổi mục tiêu này. Đầu tiên là rút quân khỏi Kherson, huy động lính dự bị động viên và xây dựng các rào chắn mới là để tạo nên tuyến phòng thủ dày đặc, cản trở Ukraine giành lại lãnh thổ. Thứ hai, với chiến lược tấn công tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, Moscow đang khai thác điểm yếu trong mạng lưới điện của Ukraine nhằm khiến Kiev phải chuyển hướng và phân tán nguồn lực.

Nhà quan sát Barry R. Posen đánh giá, Tổng thống Putin có lẽ hy vọng hướng tiếp cận này cuối cùng sẽ đưa Ukraine vào bàn đàm phán hoặc việc phải trả giá liên tục sẽ khiến Kiev dần chấm dứt các cuộc tấn công mà Nga không phải nhượng bộ điều gì. Gần như không ai biết rõ về chiến lược tổng thể của Nga. Các câu hỏi mà phương Tây đặt ra là nỗ lực của Nga nhằm huấn luyện số lượng lớn binh lính có khả năng chiến đấu liệu có mang lại hiệu quả hay không. Hoặc Moscow liệu có thể sản xuất hoặc nhập khẩu đạn dược cần thiết cho một năm chiến đấu cường độ cao hay không? Nếu có thể xây dựng các đội quân mới và có sẵn nguồn cung vũ khí, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine tiếp tục là một cuộc đấu đầy cam go và quyết liệt giữa hai bên.

Trên thực tế, ngoại giao hầu như có rất ít cơ hội để thay đổi xu hướng chiến trường bởi cả Nga và Ukraine đều cho rằng mình có thể giành chiến thắng.

Theo ông Barry R. Posen, nếu muốn, Mỹ có thể phát triển chiến lược ngoại giao để thay đổi lập trường trên của Nga và Ukraine. Dù vậy, cho tới nay, Washington hầu như không quan tâm tới việc này. Những tiếng nói ở các nước phương Tây nhằm ủng hộ đàm phán ngày càng chìm xuống. Tuy nhiên, nếu xung đột ở Ukraine đi vào bế tắc, trở thành một cuộc giao tranh ngày càng đẫm máu, tốn kém và rủi ro, có lẽ điều đó sẽ thay đổi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới