Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thiếu người điều khiển các hệ thống vũ khí hiện đại

TQ thiếu người điều khiển các hệ thống vũ khí hiện đại

Theo PLA Daily – cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, nước này thiếu binh sĩ trình độ cao có thể vận hành các vũ khí hiện đại đang và sẽ được trang bị.

Trong một bài viết mới đây, nhật báo Quân giải phóng nhân dân (PLA Daily) thừa nhận quân đội Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng ‘trang thiết bị chờ người vận hành’ trong những năm qua và vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Điều này thể hiện rõ qua việc đưa vào trang bị các lớp tàu chiến mới và loại bỏ dần các thế hệ tàu cũ. Mất cân đối về nguồn lực gây khó khăn cho công tác huấn luyện mang tính hệ thống với các chỉ huy và binh sĩ then chốt trong quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.

PLA Daily đưa ra ví dụ là Wang Yubing, hạm phó của tàu tên lửa Trương Dịch thuộc lớp Type-056, đã không hoàn thành bài đánh giá huấn luyện quan trọng do vướng mắc lịch làm việc và quá trình bảo dưỡng tàu.
Hạm phó Wang Yubing chỉ là một trong nhiều trường hợp sĩ quan vận hành các tàu chiến thế hệ mới không hoàn các bài đánh giá huấn luyện.

Điều này dẫn đến việc hải quân Trung Quốc thiếu các sĩ quan có kỹ năng phù hợp để đưa vào vận hành các lớp tàu chiến mới vốn yêu cầu trình độ cao hơn. Nói cách khác Trung Quốc đang thừa tàu nhưng thiếu người.

“Trong những năm gần đây, khi các tàu chiến mới được đưa vào hoạt động và các tàu cũ đã nghỉ hưu, vấn đề ‘thừa tàu thiếu người’ ngày càng trở nên nghiêm trọng”, PLA Daily nhấn mạnh trong bài viết được đăng ngày 26/12.

Bài viết của PLA Daily nói thẳng vào vấn đề thiếu hụt binh sĩ có trình độ cao vốn tồn tại lâu này trong quân đội Trung Quốc và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Song Zhongping, một cựu giảng viên quân đội Trung Quốc cho biết, các sĩ quan chỉ huy từ các tàu đã nghỉ hưu bắt buộc đào tào lại để làm quen với các tàu mới vốn có hệ thống chỉ huy tác chiến và thông tin liên lạc có độ tự động hóa cao hơn.

“Một số thủy thủ đoàn kỳ cựu phải được đào tạo trở lại như những tân binh để sẵn sàng cho vai trò mới của họ, chẳng hạn như chỉ huy tàu và người điều khiển chính của các tàu chiến thế hệ mới”, ông Song nói.

Ni Lexiong, một nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải, cho biết các loại vũ khí tiên tiến của hải quân Trung Quốc ngày càng hiện đại nên đòi hỏi kỹ năng vận hành ở mức độ cao hơn.

“Đối với một lực lượng hải quân hiện đại, các binh sĩ của họ phải hiểu và thành thạo các kỹ năng như điều khiển máy bay không người lái và hợp tác với các lực lượng khác trên mặt đất và trên không”, chuyên gia Ni nói.

Ông nói thêm, việc quân đội Trung Quốc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao là điều tự nhiên, do đào tạo gặp khó khăn trong việc bắt kịp với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội trong những năm gần đây.
Từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động dự án quy mô lớn nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới”, ngang hàng với quân đội Mỹ. Sau 7 năm, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân đông nhất thế giới và đang tiếp tục theo đuổi tham vọng vươn ra vùng biển lớn.

Năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 tàu chiến trong biên chế. Nhưng tới cuối năm 2020, lực lượng này đã có khoảng 350 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, so với 293 chiếc của hải quân Mỹ. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) dự đoán hải quân Trung Quốc có thể biên chế tới 400 chiến hạm trong 4 năm tới, trong khi hải quân Mỹ chỉ đặt mục tiêu duy trì hạm đội 355 chiếc.

Bài viết của PLA Daily cho biết hải quân Trung Quốc hiện đang áp dụng đợt huấn luyện phiên để giải quyết vấn đề đào tạo cho sĩ quan chỉ huy tàu cũng như thủy thủ đoàn, dù vậy số tàu chiến có thể sử dụng để huấn luyện vẫn còn hạn chế.

Theo chuyên gia Ni, quân đội Trung Quốc nên mở rộng đối tượng sang cấp sau đại học vốn có trình độ cao hơn và cho phép tái nhập ngũ các trường hợp đã ra quân những vẫn trong độ tuổi có thể phục vụ.

“Các đối tượng được đào tạo sau đại học và cựu chiến binh có thể giúp quân đội Trung Quốc rút ngắn thời gian đào tạo các thế hệ sĩ quan lẫn binh sĩ có trình độ cao, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội”, ông Ni nói.

Trước đó, trong năm 2022, quân đội Trung Quốc cũng đưa ra việc thảo luận một chương trình tuyển quân mở rộng nhằm thu hút thêm nhân tài từ các trường đại học bên ngoài quân đội.

RELATED ARTICLES

Tin mới