Ngày 05/1/2023, trong một thông cáo báo chí chung giữa Bộ Ngoại giao Phi-lip-pin và Trung Quốc, hai bên cho biết Chính phủ Philippines và Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán về việc thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông trong một ngày gần đây và việc đàm phán này sẽ được tiến hành trên cơ sở “kết quả của các cuộc thảo luận trước đây dưới thời chính quyền Duterte nhằm mang lại lợi ích cho 2 quốc gia và nhân dân hai nước”.
Thông tin này được đưa ra một ngày sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/01/2023.
Cách đây không lâu, trong chuyến công du Hoa kỳ, ngày 24/9/2022, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr xác nhận chính quyền Manila muốn nối lại các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ông Marcos cũng cho hay Philippines muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc về lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí, và nằm trong phạm vi luật pháp nước này cho phép.
Như chúng ta đã biết, ngay trước khi Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. nhậm chức, ngày 23/6/2022, Ngoại trưởng Philippines lúc đó ông Teodoro L. Locsin Jr. đã tuyên bố chấm dứt MOU hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc ký năm 2018, một bước đi nhận được sự cổ vũ của không chỉ chính quyền, người dân Phi-lip-pin mà cả cộng đồng quốc tế. Vậy tại sao, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Chính quyền của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. lại thay đổi quyết định của chính quyền tiền nhiệm? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và hệ lụy của chúng đối với tình hình Biển Đông?
Trước tiên, cần khẳng định, chính sách về “gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc” ở khu vực Biển Đông là không thay đổi. Bản chất của chính sách này là “cái gì của Trung Quốc là của Trung Quốc, cái gì của các nước khác cũng là của Trung Quốc”. Hay nói một cách khác, Trung Quốc chỉ muốn cùng khai thác trên vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia khác ven khu vực Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua chính sách này để khẳng định và củng cố các yêu sách biển phi lý của mình ở khu vực Biển Đông. Chính vì lý do này mà trong suốt mấy chục năm qua, Trung Quốc thông qua mọi biện pháp, phương thức để ép các nước ven Biển Đông chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc. Tháng 11/ 2018, nhân chuyến thăm chính thức Phi-lí-pin của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng, theo đó “hai Chính phủ đã quyết định đàm phán các dàn xếp nhằm tạo điều kiện cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng biển có liên quan phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế được áp dụng”. Triển khai Thỏa thuận này, Philippines và Trung Quốc đã tiến hành nhiều vòng đàm phán khác nhau, song không nhất trí được cơ chế hợp tác. Phía Phi-lip-pin nhất quyết là theo Hiến pháp Philippines, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc sẽ không vượt quá 40% và luật pháp Philippines được áp dụng để điều chỉnh hoạt động hợp tác này. Đây chính là những “van” an toàn cho Philippines. Trái lại, Trung Quốc luôn đòi hỏi “ngang quyền”, điều mà nếu Philippines chấp nhận sẽ đi ngược lại Hiến pháp của mình. Bởi vậy, hợp tác không có tiến triển và đến phút cuối của chính quyền Tổng thống Duterte, Philippines đã đơn phương hủy với hiệu lực tức thì Thỏa thuận nêu trên.
Thứ hai, hiện nay, chưa thể đoán định chính xác chính sách Biển Đông của Chính quyền Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. Qua các phát biểu với báo giới trong quá trình tranh cử và khi đã trở thành Tổng thống, ông Ferdinand R. Marcos Jr luôn nhấn mạnh việc sẽ bảo vệ các yêu sách biển của mình, khẳng định “không cho phép một milimet nào thuộc quyền trên biển của chúng ta bị chà đạp”. Đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, ông Ferdinand R. Marcos Jr có quan điểm khá cứng rắn “Chúng ta có một phán quyết rất quan trọng có lợi cho chúng ta và chúng ta sẽ dùng nó để tiếp tục khẳng định các quyền chủ quyền. Đó không phải là yêu sách. Đó là quyền chủ quyền của chúng ta”, Những phát biểu trên cho thấy, đường lối về Biển Đông của Philippines khá tương đồng với chính quyền tiền nhiệm. Một mặt khẳng định lập trường của mình, song mặt khác cũng tìm cách thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phạm vi có thể, phù hợp với luật pháp của mình. Do đó, việc nhân chuyến thăm Trung Quốc của mình, Philippines nhất trí nối lại đàm phán hợp tác dầu khí với Trung Quốc có thể nằm trong định hướng này.
Thứ ba, Philippines có một số công cụ pháp lý quan trọng để có thể hạn chế tác động tiêu cực của việc hợp tác dầu khí với Trung Quốc, đó là Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và các quy định của Hiến pháp của nước này. Chính những quy định này đã làm cho việc triển khai Thỏa thuận năm 2018 hầu như không có tiến triển và không thể thực hiện được. Do đó, kể cả với thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr , một kịch bản tương tự như kịch bản năm 2018 trong tương lai có thể tiếp tục diễn ra.
Thứ tư, tuy nhiên, cũng cần phải tính đến việc Trung Quốc cũng đã rút ra bài học qua việc hợp tác dầu khí với Philippines trong giai đoạn vừa qua. Bởi vậy, Philippines khó có thể thực hiện một cách “hoàn hảo” kịch bản cũ. Đây có lẽ là điều mà cộng đồng quốc tế quan ngại nhất và là điều Philippines cũng cần tính toán một cách cẩn trọng trong quá trình đàm phán trong thời gian tới. Nếu có sơ xuất, hệ quả pháp lý sẽ rất nghiêm trọng đối với trật tự pháp lý ở khu vực Biển Đông.
Nhật Quang