Saturday, January 4, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững yếu tố làm nên sự trỗi dậy của kinh tế Việt...

Những yếu tố làm nên sự trỗi dậy của kinh tế Việt Nam

Cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan phân tích những yếu tố làm nên thành công và sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Công nhân Công ty Stanley Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn


Thành tích đặc biệt

Trong bài bình luận đăng trên tờ Thời báo Ấn Độ, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan phân tích rằng, mức tăng trưởng 8,02% của Việt Nam trong năm 2022 là một thành tích đặc biệt, cao hơn một số quốc gia ở Châu Á và là mức tăng trưởng nhanh nhất mà Việt Nam ghi nhận kể từ năm 1997.

Vào tháng 10.2022, cả IMF và Ngân hàng Thế giới WB đánh giá Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với mức tăng khoảng 7,2% cho năm 2022. Con số này hóa ra vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thực tế là 8,02%. Tỉ lệ lạm phát ở mức khoảng 4%, cho thấy Việt Nam giữ được lạm phát ở mức thấp khi các quốc gia khác đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và giá cả tăng theo cấp số nhân.

Theo ông Pradhan, các số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy hiệu quả kinh tế tuyệt vời mà nước này đạt được trong bối cảnh bất ổn và thách thức về kinh tế và chính trị toàn cầu. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% vào năm 2022, dịch vụ tăng 9,99%, nông nghiệp tăng 3,36%, xuất khẩu tăng 10,6% lên 371,85 tỉ USD, doanh số bán lẻ tăng 19,8%.

Chuyên gia Ấn Độ lý giải, với những ai theo dõi quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam, thành tích của nước này không phải là điều ngẫu nhiên và là điều có thể đoán trước được. Kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986 đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng gần 10 lần, từ dưới 300 USD lên 2.800 USD. Một báo cáo của Standard Chartered dự báo, nếu GDP của Việt Nam tăng trưởng 7% trong những năm 2020, thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vượt mốc 10.000 USD vào năm 2030.

Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nhận định rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Việt Nam có thể được giải thích bằng ba yếu tố chính. Thứ nhất, Việt Nam đón nhận tự do hóa thương mại một cách cởi mở. Thứ hai, Việt Nam bổ sung cho quá trình tự do hóa bên ngoài bằng các cải cách trong nước thông qua bãi bỏ quy định và hạ thấp chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đầu tư rất nhiều vào con người và vốn vật chất, chủ yếu thông qua đầu tư công.

Ngoài ra, sự sẵn có của lao động giá rẻ và chính phủ ổn định cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho dệt may, da giày và sản xuất điện tử.

Thách thức

Tuy nhiên, theo chuyên gia Ấn Độ, có một số thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng. Theo đó, nếu trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới, Việt Nam nên thu hút nhiều công ty sản xuất hơn bằng cách giải quyết các mối quan tâm của những “ông lớn” toàn cầu.

Có bốn động lực sẽ cần được thúc đẩy hơn nữa, bao gồm đầu tư cao hơn, phát triển các công nghệ quan trọng, đủ lực lượng lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng kết nối với thị trường. Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài cần được đảm bảo rằng các quy định kinh doanh có thể được sửa đổi nếu cần. Điều này sẽ giúp họ tự tin để làm việc. Các cơ sở đào tạo sẽ phải được tăng cường đáng kể để có đủ số lượng công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu.

Hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ

Theo chuyên gia Pradhan, Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn. Ông nhấn mạnh, giữa hai nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và quốc phòng. Hiện nay, Ấn Độ là một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á.

Thêm vào đó, Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thương mại và có ý định tận dụng thị trường đang phát triển của Ấn Độ. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ lực là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, chất dẻo, caosu, cà phê, hạt tiêu, điều. Các mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam là sản phẩm sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, thủy sản, ngô, dược phẩm và nguyên liệu làm thuốc; phụ tùng ôtô.

Việt Nam chiếm vị trí trung tâm trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ cũng như trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ông Pradhan cho rằng, các chuyên gia kinh doanh và kinh tế của cả hai nước nên chuẩn bị một kế hoạch định hướng hành động có thời hạn để thúc đẩy năng lực sản xuất, giao dịch và thương mại của cả hai nước. Việt Nam và Ấn Độ cũng cần thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy với các thị trường đã được xác định để phát triển mạnh mẽ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới