GS Nguyễn Anh Trí – Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam – đánh giá, Việt Nam đã thành công trong chiến lược ngoại giao vaccine, nhờ đó COVID-19 được kiểm soát căn cơ, bài bản. Nhưng vì sao đến giờ Việt Nam chưa sản xuất được vaccine COVID-19, đó là bài học lớn.
Cần cơ chế đặc biệt, đặc cách về giá, chỉ định thầu
Chiều 7.1, Quốc hội thảo luận đánh giá thực hiện Nghị quyết 30 và đề xuất chuyển tiếp một số chính sách. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, cần cơ chế đặc biệt, đặc cách về giá, chỉ định thầu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, hiện nay chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị đã ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp phục vụ cấp bách cho việc cứu dân.
Nhưng sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quy trình, quy định thanh, quyết toán kinh phí. Các địa phương cũng không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại cho doanh nghiệp; hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc xác định giá các loại hàng hóa tại thời điểm dịch bệnh rất bất cập do nguồn cung vô cùng khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tham khảo giá trên các trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội trên cơ sở quy định Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc biệt đặc cách về giá, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố giá hợp lý trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung hàng hóa và có cơ chế đặc biệt về chỉ định thầu, nhằm tháo gỡ những khó khăn lớn nhất cho các địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quốc hội đã quy định được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp phát sinh; đồng thời có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Vì vậy, nhiều địa phương, đơn vị đã mua sắm để dự phòng trong tình huống kịch bản xấu nhất, nhưng đến khi tình hình đã được kiểm soát thì việc giải quyết tình trạng dư thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn chậm, rất cần được rà soát, chỉ đạo và có giải pháp giải pháp giải quyết kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh số liệu thông tin báo cáo tổng kết Nghị quyết 30.
Trong đó, cần phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là trong công tác thanh, quyết toán công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, tổng kết thực tiễn để nâng các nội dung quy định Nghị quyết 30 lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình thực hiện xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra trong tương lai.
Chưa sản xuất được vaccine là bài học lớn
Thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá Việt Nam đã thành công trong chiến lược ngoại giao vaccine, nhờ đó COVID-19 được kiểm soát căn cơ, bài bản. Nhưng vì sao đến giờ Việt Nam chưa sản xuất được vaccine COVID-19? Ông cho rằng, “đây là bài học lớn, cần nhìn nhận”
“Thời gian qua, chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty tư nhân có kinh phí, nhưng về đội ngũ nhân lực có tri thức, trí tuệ cao và trình độ khoa học thì chưa hội đủ.
Vì vậy, để có thể sản xuất vaccine thì chúng ta phải hội đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine có thời gian thành lập và phát triển từ 15 đến 40 năm và tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới” – ông nói.
Nhận định COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ông Trí đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm tổ chức hệ thống sản xuất vaccine bài bản, quy củ để phục vụ đất nước.
Phát biểu tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, trong 3 năm qua ngành Y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong và sau đại dịch. Trong bối cảnh đó với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, từ đó giúp cho ngành Y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch.
Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch, để từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
T.P