Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNền kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp lệnh trừng phạt...

Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây

Bất chấp đòn trừng phạt của phương Tây, lĩnh vực dầu mỏ của Nga vẫn ổn định, các nhà chức trách nước này nhận định hôm 11/1 trong bối cảnh chỉ còn 1 tháng nữa, quyết định áp giá trần đối với dầu mỏ Nga từ EU chính thức có hiệu lực.

Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại cuộc họp nội các nêu phương hướng và nhiệm vụ chính của nước Nga trong năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, các đối thủ cạnh tranh đang sử dụng những công cụ và cơ chế chính trị để gây ra các vấn đề cho các công ty dầu khí của nước này, trong đó có việc làm suy giảm giá dầu mỏ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra những thách thức đối với ngân sách liên bang.

Tuy nhiên, nhờ những chính sách kịp thời của chính phủ Nga, mọi nỗ lực gây tổn hại nền kinh tế Nga của phương Tây đã không thành hiện thực. Hệ thống ngân hàng và tài chính cũng như kinh tế nhìn chung ổn định và chủ động phát triển. Mọi yếu tố đưa ra cho thấy tình hình này cũng sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023.

Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng ta không nên chỉ nhìn vào giá dầu giảm. Vì nó không tạo ra các vấn đề cho ngân sách. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, hệ thống tài chính ngân hàng của đất nước, của nền kinh tế ổn định và đang phát triển tích cực. Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng chúng tôi sẽ duy trì tốc độ này vào năm 2023”.

Kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã phải đối mặt với sức ép của phương Tây trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, chính trị và nhất là lĩnh vực dầu mỏ. Bất chấp những khó khăn, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững. Các chỉ số kinh tế vĩ mô được duy trì. Theo số liệu của chính phủ Nga, ngân sách Liên bang Nga hiện đã thặng dư tới 1.500 tỷ rúp, tương đương gần 25 tỷ USD. Điều này có được là nhờ các biện pháp hiệu quả tích cực, kịp thời của chính phủ Nga.

Chỉ còn 1 tháng nữa mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh (megawatt giờ) được Liên minh châu Âu thống nhất áp dụng cuối năm 2022 sẽ chính thức có hiệu lực. Mức giới hạn này dự kiến sẽ kéo dài trong một năm và được kích hoạt khi giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá con số trên trong 3 ngày liên tiếp. Điều này dự báo sẽ tiếp tục đặt ra sức ép đối với ngành kinh tế của Nga trong thời gian tới sau hàng loạt các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, để đối phó với thách thức và khó khăn này, Nga cũng đã dự phòng các biện pháp. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính phủ Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tất nhiên, Nga sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia. Các biện pháp hạn chế nhằm vào Nga sẽ phản tác dụng. Nga sẽ cân bằng các lợi ích. Điều này là tất yếu. Thị trường cho phép chúng tôi làm như vậy”.

Trước đó để đáp trả sức ép của phương Tây, Nga cũng đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp, khởi động các chương trình cho vay ưu đãi và áp dụng ưu đãi về thuế và hải quan, tăng lãi suất cơ bản… Mới đây nhất là cuối năm 2022, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Sắc lệnh còn bao gồm điều khoản cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định bất thường về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như được quyền bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt. Nhờ các chính sách kịp thời này, các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga đã không gặp khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu khí đốt, bất chấp các lệnh trừng phạt và áp trần khí đốt của phương Tây.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới