Theo truyền thông Trung Quốc, nước này bắt đầu xây dựng giai đoạn hai mỏ khí đốt ở Biển Đông.
Theo SCMP, với mục tiêu khoan 12 giếng, giai đoạn hai của dự án Shenhai-1 (Dự án Biển sâu), nằm cách bờ biển phía nam tỉnh Hải Nam, Trung Quốc 200 km, sẽ tăng sản lượng đỉnh hàng năm từ 3 tỷ lên 4,5 tỷ m3, tương đương 90% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Hải Nam vào năm 2021, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết.
CNOOC là nhà khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc. Dàn khoan Hải Dương 981 là một trong những tài sản thuộc sở hữu của CNOOC.
Theo SCMP, Trung Quốc xem khí đốt tự nhiên là nguồn năng lượng chuyển tiếp trong khi nước này chuyển từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống sang năng lượng tái tạo. Bắc Kinh có mục tiêu “carbon kép” nhằm đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Baihui Yu, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của S&P Global, cho biết đối với Khu vực Vịnh Lớn (Hong Kong, Macau và một số thành phố phía nam Trung Quốc), dự án là sự thay thế quan trọng cho nguồn cung cấp khí đốt ngoài khơi đang suy giảm và các hợp đồng đường ống sắp hết hạn.
Tuy nhiên, theo CNOOC, dự án phải đối mặt với một số khó khăn kỹ thuật, bao gồm độ sâu của nước – gần 1.000 m – cũng như nhiệt độ và áp suất cao.
Zha Daojiong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết: “Nếu nó thành công và khả thi về mặt thương mại, công ty Trung Quốc sẽ có cơ hội giành được các hợp đồng dịch vụ mỏ dầu ở các quốc gia khác”.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực thúc đẩy sản lượng trong nước, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu, cả qua đường ống và vận chuyển ở dạng hóa lỏng, với mức phụ thuộc nhập khẩu trên 40%.
Giai đoạn một của dự án Shenhai-1 đã đi vào hoạt động vào tháng 6/2021, trở thành mỏ khí đốt sâu nhất thuộc loại này ở Trung Quốc.