Monday, November 25, 2024
Trang chủNước Việt đẹpĐộc đáo những làng cổ, làng khoa bảng nổi tiếng đất Nam...

Độc đáo những làng cổ, làng khoa bảng nổi tiếng đất Nam Định

Nam Định là vùng quê văn hiến có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời gắn liền với những tên đất, tên làng tồn tại cách đây nhiều thế kỷ. Những ngôi làng cổ, làng khoa bảng ở Nam Định từ lâu đã mang trong mình dáng vẻ trang nghiêm, cổ kính, lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương.

Huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) không chỉ là vùng đất có truyền thống hiếu học với các làng khoa bảng nổi tiếng: Hành Thiện, Xuân Bảng, Đông Nhuệ, Kiên Lao…, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống làng, xã.

Làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam Hạ, hình thành từ cuối thời Lý – đầu thời Trần (thế kỷ XII-XIII). Xưa kia, làng Ngọc Tiên có tên là Nam Thiên Ngọc ấp (Mảnh đất phía trời nam).

Đến thời Trần, làng Ngọc Tiên nằm trong Hành Cung Trang và được vua Trần chọn là Vườn Kim Quất với những cống vật dâng vua nổi tiếng như: chuối ngự, cam đường…

Sử sách ghi chép, vào thời Hậu Lê, triều đình cử Hoàng Văn Quảng – vị tướng có tài “Chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương” về làng chiêu mộ quân sĩ, giúp dân dẹp giặc Chiêm Thành.

Di tích lịch sử – văn hoá Chùa Vân Tiên, thôn Vân Tiên, xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc trong dịp lễ hội làng truyền thống.

Nhờ tài thao lược của ông mà nhân dân ở đây được hưởng cuộc sống yên bình, no đủ. Năm 1743, ông được Vua Lê Cảnh Hưng ban sắc phong Linh Thánh Đại Vương, được dân làng Ngọc Tiên tôn làm Thành hoàng làng và lập đền thờ tự.

Để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Hoàng Văn Quảng, hàng năm, từ ngày 12-15 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội xuân truyền thống. Trong những ngày diễn ra lễ hội, tiếng chiêng, tiếng trống, cờ xí rợp trời, dân làng từ già trẻ, gái trai nô nức kéo về đền tham gia các nghi thức tế lễ linh thiêng.

Sau phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian như: Đu tiên, leo cầu ngô, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co…

Trong đó, độc đáo, sinh động và náo nhiệt nhất là tục kéo lửa, thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng Thánh diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân đánh giặc, vừa lo hậu cần “tích cốc phòng cơ” cho quân sĩ.

Tham dự hội làng gồm 6 giáp, chia theo đơn vị xóm. Mỗi giáp 14 người là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình toàn vẹn, không vướng tang ma. Để bắt đầu phần thi thổi cơm và làm cỗ chay, các giáp phải trải qua hai phần thi địch thủy (lấy nước) và địch hỏa (kéo lửa).

Trong mâm cỗ chay không thể thiếu chè đường, xôi trắng, cơm niêu, rượu nồng, 1 quả bưởi và 4 loại bánh: Bánh bìa, bánh ống, bánh phong, bánh giáo. Cỗ chay đoạt giải sẽ được chọn để dâng lên bố cáo Thành hoàng làng. Tham dự lễ hội truyền thống làng Ngọc Tiên, người dân được hoà mình vào không gian văn hoá truyền thống và cũng là dịp con cháu trong làng ôn lại truyền thống quê hương.

Làng Đống Cao, xã Yên Lộc (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được hình thành bởi quá trình bồi tụ của phù sa vùng hạ lưu sông Hồng và sông Đáy. Trong quá trình bồi đắp do các lớp sóng biển không đều nên vùng đất Đống Cao có địa hình cao, thấp khác nhau, hình thành nên các địa danh: Đồi Thượng, Đồi Trung, Đồi Hạ và nhiều cánh đồng chiêm trũng như: Rộc Điềng, Rộc Vò, Đình Điềng…

Làng cổ Đống Cao ban đầu có tên là Bãi Cáy. Sau nhiều thế kỷ tạo dựng làng phát triển thành 2 thôn: Đống Cao Thượng và Đống Cao Hạ thuộc xã Đông Cao, phía đông phủ huyện Nghĩa Hưng.

Theo các thần phả, tộc phả và sự tích truyền lại thì tổ tiên các dòng họ: Đinh, Lê, Trần, Phạm, Đỗ, Ngô, Vũ, Hoàng, Đặng từ các vùng: Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hoà Bình, Ninh Bình đi theo dòng sông Hồng, sông Đáy đã về đây khai khẩn vùng đất sa bồi này để sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng xóm làng.

Trong quá trình khai hoang, lập ấp, tổ tiên các dòng họ đã bền bỉ vật lộn với thiên tai khắc nghiệt, chung sức đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, xây dựng quê hương trù phú, phát triển. Là nơi lưu đậm dấu ấn văn minh lúa nước của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên từ xa xưa dân làng Đống Cao đã lập đền, chùa thờ các đấng thần linh trong thiên nhiên như: Thần mưa, thần nắng, thần sấm sét, thần gió giúp cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà.

Ngoài ra các di tích còn là nơi tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân văn hoá của quê hương. Tiêu biểu như: Đình Đống Cao Thượng thờ Thuỷ tộc Long Vương (Thánh Bốn) – Thuỷ thần tạo mưa gió giúp dân làng có nước cày cấy; Đình Đống Cao Hạ thờ Triệu Việt Vương. Lễ hội Đình Đống Cao Thượng là lễ hội lớn nhất trong xã được tổ chức 3 năm một lần từ ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng tưởng nhớ ngày sinh của Thánh Bốn.

Trong lễ hội diễn ra các nghi thức: Tế nhập tịch, tế thánh, rước kiệu, tế tạ, tục yến lão cùng các trò chơi dân gian: Đánh cờ người, leo cầu ngô…Năm nào cũng vậy, hội làng Đống Cao đều diễn ra trò chơi vật cầu (cướp cầu) đầu xuân. Tương truyền đây là hình thức cầu mưa của dân làng. Mỗi giáp trong làng cử 10-12 thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cởi trần, đầu quấn khăn đỏ để tham gia trò chơi.

Trong số những người tham dự, người giáp nào cướp được cầu thì phải tìm cách ném cầu vào hố sâu 1m với sự cản trở của 3 thanh niên giáp khác. Ai cho được cầu xuống hố đúng quy định là người thắng cuộc. Trò chơi vật cầu đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hoá dân gian độc đáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh, ước nguyện cầu may, cầu phúc, cầu tài trong nhân dân.

Cùng với giá trị tín ngưỡng, nét đẹp văn hoá truyền thống ở làng Đống Cao còn thể hiện sâu sắc qua những hình ảnh làng quê như: Giếng làng, chợ quê, cây đa, cây gạo đại thụ… Nằm ngay sát dòng sông Đào, chợ Đống Cao là khu chợ duy nhất ở xã Yên Lộc.

Chợ họp vào các ngày mồng 2, 5, 8 (âm lịch) và bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ nải chuối, buồng cau, đến hàng tiêu dùng, nông cụ sản xuất. Từ lâu chợ Đống Cao không chỉ có vai trò trao đổi, buôn bán hàng hóa và phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân trong vùng mà còn là điểm gặp gỡ giao lưu của bà con lối xóm.

Nằm ép mình bên dòng sông Ninh Cơ hiền hoà, làng cổ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) là vùng quê nổi tiếng với nghề tơ tằm truyền thống. Hình ảnh quen thuộc như: Nương dâu, kén tằm, sợi tơ, khung dệt đã gắn bó với người dân nơi đây từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp văn hoá của cả một vùng quê.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi ở địa phương có từ lâu đời. Khoảng đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở đầu làng để khai thác kỹ năng lao động làng nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm ven sông. Thời bấy giờ, thương nhân khắp nơi tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè – Thương cảng sầm uất của Nam Định (thời kỳ trước năm 1945).

Năm 1942, tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) để thu hút các sản phẩm làng nghề ở các địa phương trong cả nước. Năm ấy, sản phẩm tơ tằm làng Cổ Chất dự thi đoạt được giải cao và được Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ đương thời phong “Cửu phẩm công nghệ”. Từ đây, nghề ươm tơ, dệt vải ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh sang các làng Cự Trữ, Nhị Nương, Dịch Diệp…

Sản phẩm dệt ở làng Cổ Chất không chỉ được tiêu dùng ở thị trường trong nước mà còn là sản phẩm mũi nhọn xuất khẩu ra nước ngoài. Trải qua bao thăng trầm, nghề tơ lụa ở Cổ Chất tuy không còn hưng thịnh như trước nhưng vẫn còn khoảng vài chục hộ hiện còn lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông với những tinh hoá văn hoá truyền thống.

Làng cổ Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực) được hình thành cách đây khoảng hơn 600 năm do Thành hoàng làng Trần Chiêu Thắng cùng nhiều dòng họ về đây khai hoang, lập ấp. Cũng như nhiều làng cổ khác trong tỉnh, Thượng Nông như một bức tranh đẹp, nên thơ với những công trình kiến trúc cổ độc đáo như: Sông Ngọc, chợ Thượng, Cầu Ngói, Phủ Bà.

Chợ Thượng được hình thành cách đây vài thế kỷ, là nơi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân địa phương với các vùng lân cận. Chợ họp “một tháng sáu phiên” nên việc mua bán, trao đổi hàng hoá khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm vùng miền khác nhau. Do đặc thù về địa lý “trên bến dưới thuyền” nên sản phẩm được bán nhiều nhất tại chợ Thượng chủ yếu là cá, tôm, cua, ốc, lươn… và các sản phẩm thủ công làng nghề như: Nông cụ, vải vóc, cây cảnh…

Ở chợ Thượng, ngoài các mặt hàng yếu phẩm hàng ngày, còn bày bán sản phẩm làng nghề truyền thống là kẹo lạc và miến. Dịp cuối tháng Chạp, các hộ làm kẹo trong làng chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Khách thập phương mỗi khi có dịp về Thượng Nông không thể không ghé qua khu vực chợ Thượng chọn mua dăm ba gói kẹo lạc, vài ba cân miến về làm quà cho gia đình, bạn bè ngày tết. Ngoài giữ được nghề truyền thống, người Thượng Nông luôn tự hào gần 20 năm nay vào ngày 14 và 15 tháng Giêng đều tổ chức hội làng để tưởng nhớ công lao Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Thành hoàng làng Trần Chiêu Thắng và các vị có công xây dựng làng.

Sau hội tháng Giêng, vào các ngày 20, 21, 22-3 (âm lịch), dân làng Thượng Nông lại tổ chức lễ hội Phủ Bà để tưởng nhớ công lao Bà Chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước kiệu qua Cầu Ngói còn diễn ra các trò chơi dân gian, dân vũ độc đáo như: Bơi chải trên sông Ngọc, hát chèo, đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm…

Những ngôi làng cổ ở Nam Định với nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống đã trở thành một phần “di sản” mang đặc trưng riêng ở mỗi vùng quê. Đó là những công trình kiến trúc đậm màu xưa cũ như: Cổng làng, chợ quê, cây đa, giếng nước, mái đình, những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, lễ hội dân gian đặc sắc…

Ngày nay, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều luồng văn hóa ngoại lai xuất hiện nhưng bản sắc văn hoá trong mỗi làng cổ không hề bị mai một. Văn hóa làng như chất keo dính gắn kết cộng đồng làng xã, hiện vẫn đang được các thế hệ người dân lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong nhịp sống hiện đại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới