Cùng với các đơn hàng liên tiếp, giá cổ phiểu của nhiều tập đoàn vũ khí châu Âu và Mỹ tăng mạnh nhờ vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Nhật báo Vedomosti, vốn hóa của các tập đoàn vũ khí hàng đầu châu Âu và Mỹ đã tăng 21,5% trong năm 2022, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và các nước Tây Âu thực hiện chương trình tái vũ trang.
Con số trên được tờ Vedomosti trích dẫn từ các báo cáo của Defense News và Tradingview.
Theo ước tính, giá trị vốn hóa thị trường của các tập đoàn quốc phòng được thống kê đã tăng từ 579 tỷ USD vào tháng 12/2021 lên 703 tỷ USD vào tháng 12/2022.
Bảng xếp hạng bao gồm 25 công ty có vốn hóa hơn 1 tỷ USD được giao dịch trên thị trường chứng khoán và có các sản phẩm quân sự chiếm ưu thế trong doanh thu của họ, đồng thời cũng tích cực tham gia cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Cũng theo báo cáo này, tập đoàn Rheinmetall của Đức là công ty có mức tăng trưởng trên thị trường cao nhất trong 12 tháng qua, giá cổ phiểu của Rheinmetall đã tăng 122% trong năm 2022. Hãng Thales của Pháp cũng có mức tăng ấn tượng khoảng 54% trên thị trường.
Ở bên kia Đại Tây Dương, hãng Northrop Grumman của Mỹ có mức tăng khoảng 44%, trong khi đó tập đoàn Lockheed Martin tăng 42%.
Ngoài các công ty kể trên, một số công ty khác như BAE Systems của Anh tăng 40%, Kongsberg Gruppen (+37%), General Dynamics (+24%) và Raytheon Technologies (+19%).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng giá trị thị trường của các tập đoàn vũ khí phương Tây tăng trưởng mạnh trong khi hầu hết các tập đoàn sản xuất khác giảm gần 16% trong năm ngoái.
Theo chỉ số S&P Global 1200, các tập đoàn vũ khí phương Tây có thể là những người hưởng lợi chính từ cuộc khủng hoảng địa chính trị ở châu Âu.