Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBà Nguyễn Thị Bình: 'Hiệp định Paris là thắng lợi quyết định...

Bà Nguyễn Thị Bình: ‘Hiệp định Paris là thắng lợi quyết định đi đến thống nhất đất nước’

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định, việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định để chúng ta đi đến thống nhất đất nước.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự lễ kỷ niệm.

Sáng 17.1, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

Pho sách vô cùng quý báu về ngoại giao Việt Nam

Trong diễn văn kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20.

Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.

“Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Ngoại giao cũng khẳng định thắng lợi của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị Paris không tách rời tình đoàn kết trong sáng, sự ủng hộ chí tình về vật chất và tinh thần của bè bạn khắp năm châu.

Theo ông Sơn, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

“Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới”, ông Sơn khẳng định.

“Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững”

Chia sẻ tại buổi lễ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Paris, nhớ lại: cuối năm 1968, bà nhận được chỉ thị của Đảng tham gia cuộc đàm phán tại Paris. “Tôi rất lấy làm cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy đối với tôi, giao cho tôi trọng trách lớn. Trải qua hơn bốn năm đàm phán, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ là một trong bốn bên ký vào Hiệp định Paris”, bà Bình nói.

Nguyên Phó chủ tịch nước khẳng định, Hiệp định Paris là một thắng lợi có tính quyết định đi đến thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc.

Bà cũng khẳng định, đây không chỉ là thắng lợi về mặt quân sự, chính trị, ngoại giao của Việt Nam mà còn là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam.

“Thắng lợi của Hiệp định Paris trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây là yếu tố quyết định thắng lợi của chúng tôi. Tôi rất tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Đảng quang vinh. Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo sáng suốt, truyền thống chiến đấu của dân tộc Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững”, bà Bình chia sẻ.

Ông Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, thành viên đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đàm phán tại Paris, cũng nhớ lại: bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ngang hàng với với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers.

“Điều đó là sự công nhận của Mỹ với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công nhận sự độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.

“Lễ kỷ niệm được tổ chức ngày hôm nay cũng là sự vinh danh xứng đáng những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao, ‘tuy hai là một, tuy một là hai’ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với đất nước”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới