Thượng Hải tiếp tục đối mặt với thách thức về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Bệnh nhân đến quá đông khiến bệnh viên không thể xử lý kịp, trong khi những người nhiễm bệnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men.
Nhiều bệnh viện lớn ở Trung Quốc đã chật kín các ca bệnh nghiêm trọng, đồng thời các bác sĩ tại các phòng khám và bệnh viện nhỏ cũng bị quá tải bởi lượng bệnh nhân.
Vào ngày 13/1, nhân viên tại Bệnh viện trọng điểm của quận Tĩnh An – một trong những quận trung tâm của Thượng Hải – đã xác nhận với The Epoch Times rằng, thực tế tất cả khách đến khoa nội tổng quát đều bị nhiễm Covid-19 và thời gian chờ đợi trung bình đối với bệnh nhân ngoại trú đã hơn một giờ.
Theo nhân viên này, bệnh viện đã hết thuốc Paxlovid, nếu có thì phải được sự đồng ý của giám đốc khoa mới được sử dụng.
Thượng Hải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nhiều loại thuốc
Một người quản lý của một bệnh viện ở Thượng Hải nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng, có 20.000 gói Paxlovid của Pfizer ở khắp Thượng Hải cho dân số hơn 24 triệu cư dân.
“Quý vị sẽ không nhận được thuốc này ngay cả khi quý vị có tiền”, ông nói.
Một số thuốc đã được nhập cảng trái phép, nhưng các bác sĩ cũng không dám sử dụng vì lo sợ rằng đó có thể là thuốc giả, ông nói.
Ông cho hay: “Những bệnh nhân không có quen biết sẽ không thể sử dụng thuốc này”.
Trong một cuộc họp báo hôm 14/1, các cơ quan quản lý y tế Thượng Hải tuyên bố đã phân bổ khoảng 60.000 gói thuốc chống virus, bao gồm Paxlovid và Azvudine. Theo hãng truyền thông nhà nước Caixin, gần 40.000 liều thuốc đã được sử dụng.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho biết, tất cả các bệnh viện ở Thượng Hải đều hết thuốc kháng virus hiệu quả.
Ông Mậu Hiểu Huy (Miao Xiaohui), trưởng khoa Bệnh Truyền Nhiễm kiêm phó chủ tịch của Bệnh viện Trường Chinh (Changzheng) Thượng Hải, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng ở Thượng Hải, đã đăng trên WeChat, một trang mạng xã hội của Trung Quốc, lời xin lỗi sâu sắc của ông tới những người đã nghe theo lời khuyên của ông và không dự trữ thuốc.
Khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 12/2022, ông đã kêu gọi những người theo dõi mình trên mạng xã hội bình tĩnh đối mặt với biến thể Omicron mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau khi gặp khó khăn trong việc tìm thuốc điều trị các triệu chứng của mình, ông ấy đã lên tiếng xin lỗi người dân.
Ông Đới Đình Long (Dai Tinglong), Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, người đã theo dõi chuỗi cung ứng y tế, cho biết: “Nguyên nhân thực sự của tất cả những sự thiếu hụt này là do Trung Quốc đột ngột chuyển từ chính sách Zero Covid sang chính sách Total Covid”.
Cơ quan ngôn luận của chính quyền Tân Hoa Xã đưa tin vào ngày 11/1 rằng, Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHSA) cho biết, có hơn 600 loại thuốc được sử dụng để điều trị Covid-19 trong danh mục bảo hiểm y tế hiện tại. Bên cạnh đó, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 có “nhiều lựa chọn” liên quan đến việc Pfizer và NHSA không đạt được thỏa thuận đưa Paxlovid vào chương trình chi trả bảo hiểm của Trung Quốc.
Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu y tế có trụ sở tại London, ước tính số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm và kéo dài từ ngày 13/1 đến ngày 27/1 với 4,8 triệu ca mỗi ngày, theo cập nhật mới nhất của Airfinity vào ngày 19/1.
T.P