Những năm qua, ngành công nghiệp quân sự đã chứng kiến việc các nước chạy đua về hệ thống phòng không, dưới đây là những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot
MIM-104 Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không được trang bị cho Lục quân Mỹ và các nước đồng minh. Hệ thống này do Tập đoàn công nghệ Raytheon của Mỹ phát triển và lấy tên dựa theo radar sử dụng trong tổ hợp.
Hệ thống tên lửa Patriot gồm 4 tổ hợp: hệ thống liên lạc, hệ thống chỉ huy điều khiển, hệ thống radar cảnh giới và hệ thống dẫn đường.
Hệ thống phòng không này được thiết kế để bảo vệ các trung tâm hành chính và công nghiệp lớn, các căn cứ hải quân và không quân trước tất cả các phương tiện tấn công trên không. Patriot có khả năng phát hiện hơn 100 mục tiêu trên không, liên tục theo dõi 8 mục tiêu trong số đó, phóng và chỉ thị tối đa 3 tên lửa cho mỗi mục tiêu.
Đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, với tầm bắn 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Khẩu đội Patriot bao gồm 8 bệ phóng gắn trên xe tải, với 4 tên lửa đánh chặn trên mỗi xe.
Tổ hợp Patriot được bắt đầu phát triển vào năm 1963 để thay thế các hệ thống phòng không thế hệ trước. Đợt thử nghiệm đầu tiên của Patriot diễn ra vào tháng 2/1970. Năm 1984, Patriot được triển khai lần đầu tiên, qua các lần nâng cấp, đến nay Patriot đã có thế hệ PAC-3.
Patriot có khả năng chiến đấu cao, được coi là một tổ hợp đầy hứa hẹn để trang bị cho lực lượng vũ trang của các quốc gia NATO. Hiệu quả của Patriot đạt được nhờ xây dựng trên cơ sở sử dụng vật liệu hiện đại và công nghệ tiên tiến.
Hiện nay, hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 đã được nâng cấp toàn diện và được trang bị trong quân đội của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hệ thống phòng không SAMP-T
Hệ thống phòng không SAMP-T, do Tập đoàn Eurosam của châu Âu (liên doanh giữa các công ty Aerospatiale, Alenia và Thompson-CSF) chế tạo, với nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên không như máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Hệ thống SAMP-T được phát triển để đáp ứng nhu cầu phòng không tầm trung và tầm xa. Hệ thống có thể hoạt động ở chế độ độc lập hoặc được tích hợp trong một mạng phòng không liên hợp.
Một khẩu đội SAMP-T hoàn chỉnh bao gồm: xe phóng, tên lửa Aster-30 và một bộ điều khiển hỏa lực dựa trên radar quét điện tử đa chức năng Arabel. Các đơn vị của hệ thống SAMP-T được gắn trên xe tải Astra/Iveco của Italy và Renault Kerax 8×8 của Pháp.
Sức mạnh của SAMP-T nằm ở 8 ống phóng được trang bị tên lửa đánh chặn tầm xa nhiên liệu rắn hai tầng Aster-30. Tên lửa có chiều dài 4,9m, với trọng lượng 510kg trong đó khối lượng đầu đạn nặng 20kg.
Aster-30 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 3-100 km, tầm cao tối đa 30km, tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 3-25 km. Hệ thống SAMP-T có thể phóng 8 tên lửa Aster-30 chỉ trong 10 giây.
Các cuộc thử nghiệm của tên lửa Aster được hoàn thành vào năm 1999. Các cuộc thử nghiệm của SAMP-T hoàn thành vào năm 2005 và tổ hợp này được thông qua vào năm 2006.
Hệ thống phòng thủ tên lửa David’s Sling
David’s Sling, trước đây được gọi là Magic Wand, là một hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, do công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel và Tập đoàn công nghệ Raytheon của Mỹ chế tạo.
Sức mạnh của David’s Sling nằm ở tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hai giai đoạn Stunner, có khả năng đánh chặn các loại rocket hay tên lửa đạn đạo chiến thuật trong cự ly 40-300 km ở trần bay lên tới 75km. Bên cạnh đó, hệ thống này có thể đánh chặn máy bay, phương tiện bay không người lái. David’s Sling được dự định sẽ thay thế hệ thống MIM-23 Hawk và MIM-104 Patriot trong kho vũ khí của Israel.
David’s Sling được phát triển để tăng cường lớp phòng thủ thứ hai trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Điều này sẽ tạo thành một cấp độ trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng trong tương lai của Israel, bao gồm Arrow 2, Arrow 3, Iron Dome, Baraku 8 và Iron Beam từ đầu năm 2020.
Israel sử dụng hệ thống David’s Sling lần đầu tiên vào tháng 7/2018 khi bắn hạ hai tên lửa đất đối đất của Syria. Mỗi quả tên lửa đánh chặn trị giá khoảng 1 triệu USD.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf
S-400 Triumf, trước đây gọi là S-300 PMU-3, là một hệ thống phòng không được phát triển vào những năm 1990 tại Nga bởi Cục thiết kế trung ương Almaz, như một phiên bản nâng cấp của S-300.
Được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga từ năm 2007, S-400 sử dụng 4 loại tên lửa: tầm rất xa 40N6 (400km), tầm xa 48N6 (250km), tầm trung 9M96E2 (120km) và tầm ngắn 9M96E (40km). The Economist mô tả S-400 là “một trong những hệ thống phòng không tốt nhất hiện nay”.
Tổ hợp tên lửa của Nga có tầm bắn tối đa lên tới 400km, độ cao tối đa có thể vươn tới là 50km, đi kèm với hệ thống radar được cho là có khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình.
“Rồng lửa” S-400 là một hệ thống phòng không mạnh, nhưng vẫn có nhược điểm cơ bản của mọi tổ hợp phòng không cơ động khác là hạn chế về đạn dược. Một đơn vị S-400 thường có 8 bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị 4 quả tên lửa các loại, nhưng chỉ có thể đánh chặn tối đa 32 mục tiêu trước khi hết đạn.
Kể từ khi được bàn giao vào năm 2007, Nga đã triển khai ít nhất 71 tiểu đoàn S-400, với tổng số 560 bệ phóng. Nga cũng có 125 tiểu đoàn S-300 với tổng số hơn 1.500 bệ phóng trong kho vũ khí.
T.P