Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnDu học sinh quốc tế thích thú khi mặc áo dài đón...

Du học sinh quốc tế thích thú khi mặc áo dài đón Tết Việt

Với Kodasima cùng nhiều du học sinh quốc tế, được mặc áo dài, trải nghiệm ngày Tết cổ truyền của Việt Nam là điều rất khác lạ, thú vị.

Em Marin Kodasima, du học sinh người Nhật đang học trao đổi tại Trường ĐH Ngoại thương.

Marin Kodasima (22 tuổi) là sinh viên chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học quốc tế Akita (Nhật Bản). Em đến Việt Nam du học từ tháng 8/2022 theo chương trình trao đổi sinh viên 1 năm với Trường ĐH Ngoại thương.

Kodasima tâm sự, ở quê hương em là Nhật Bản không thực sự có ngày tết Âm lịch như ở Việt Nam. Mọi người chỉ tận hưởng những ngày Tết Dương lịch như phương Tây với lịch nghỉ không quá dài.

Trong kỳ nghỉ Tết Dương, vào thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới, gia đình Kodasima sẽ ăn mì Soba. Người Nhật quan niệm ăn sợi mì Soba càng dài sẽ càng sống lâu. Họ cũng tổ chức một bữa tiệc lớn, thể hiện cho sự sung túc trong năm mới.

Lần đầu tiên trải nghiệm Tết Nguyên Đán ở Việt Nam khiến Kodasima cảm thấy rất mới lạ, thích thú.

“Nếu như ở Nhật, em thường chỉ đón Tết trong phạm vi gia đình và không quá ấn tượng với ngày giao năm thì ở Việt Nam, trong những ngày này, em được trải nghiệm Tết qua lễ hội ở trường học và cả khi ra đường. Mọi người đều hòa chung bầu không khí vui vẻ ấy”, Kodasima nói.

Nữ sinh Nhật cũng tâm sự, dịp Tết Nguyên Đán năm nay là lần đầu tiên em được mặc thử áo dài Việt Nam.

“Mặc áo dài hơi phức tạp một chút vì không giống như cách mặc quần áo thông thường, nhưng khi mặc vào, em thấy đẹp và tự tin hơn. Đặc biệt, em cũng thấy mình phải chú ý thùy mị, nết na hơn khi mặc trang phục này”, Kodasima mỉm cười chia sẻ.

Dù chỉ mới sang Việt Nam hơn 4 tháng, Marin Kodasima đã cảm thấy rất yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Trong suy nghĩ của em, người Việt rất thân thiện, tốt bụng; sinh viên Việt Nam rất năng động, chăm chỉ và đam mê với việc học.

“Ngày mới sang, khi em đang không biết cách sang đường thì có một cô đến và dắt tay em. Mặc dù em không biết cô là ai nhưng vẫn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Em cảm thấy rất biết ơn và không hề lạc lõng khi sang một đất nước xa lạ. Dần dần, Việt Nam giống như ngôi nhà thứ hai của em”, Kodasima tâm sự.

Braeden Dinger, 20 tuổi, người Mỹ cũng đến Việt Nam theo diện sinh viên trao đổi tại Trường ĐH Ngoại thương. Nam sinh theo học ngành Kinh tế đối ngoại và chọn Việt Nam vì nhận định đây là đất nước nhiều tiềm năng phát triển về mọi mặt.

“Cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại đang được chuyển giao về đây khá nhiều. Tương lai, em nghĩ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nên muốn đến đây để tìm hiểu và nắm bắt thời cơ”, Dinger chia sẻ.

Mới sang Việt Nam từ tháng 7/2022 nên Tết Nguyên Đán 2023 cũng là lần đầu tiên Braeden Dinger được trải nghiệm Tết cổ truyền của người Việt. Nam sinh đã tham gia chương trình “Tết sum vầy, Xuân bình an” tại trường, được thử gói bánh chưng, múa sạp cùng các bạn người Việt và đặc biệt là mặc áo dài truyền thống.

“Đây là lần đầu tiên em mặc áo dài và cảm thấy rất tuyệt vời. Điều em thích nhất là hoạt động văn hóa ngày Tết của người Việt đã được xây dựng thành truyền thống rất lâu đời. Khi em đi trên đường, thấy xe cộ rất đông, nhộn nhịp. Mọi người đều đi cùng bạn bè, người thân. Em đặc biệt ấn tượng vì thấy ai cũng cười rất tươi, ai cũng rất vui vẻ, hạnh phúc”, Dinger kể.

Theo nam sinh, ở Mỹ, vào những ngày đầu năm, em thường chỉ lên bar hoặc đi ra ngoài dạo chơi cùng bạn bè. Điều này khá khác biệt với ở Việt Nam, khi có nhiều hoạt động truyền thống để mọi người tụ tập.

Với Leonard Kimby, 22 tuổi, người Thụy Điển, điều em mong chờ nhất khi lần đầu tiên đón Tết cổ truyền tại Việt Nam là được thưởng thức những món ăn truyền thống. “Em rất mong muốn được nếm thử bánh chưng vì món ăn này nhìn rất lạ và đặc biệt”, Kimby nói.

Tại Thụy Điển, quê hương của Leonard Kimby, trong đêm giao thừa, các gia đình hay nhóm bạn thường tụ họp với nhau. Họ mặc trang phục lịch sự như vest và sẽ cùng ăn một bữa ăn có đầy đủ các món: khai vị, món chính và món tráng miệng. Sau đó, họ cùng nhau nâng ly và xem pháo hoa.

Với Kimby, trải nghiệm Tết ở Việt Nam rất khác biệt khi ngày Tết giống một lễ hội lớn có rất nhiều hoạt động, mọi người từ già đến trẻ ai cũng hân hoan tham gia.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Cao Đinh Kiên, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, nhà trường đang có khoảng 100 sinh viên quốc tế đến theo học ở nhiều diện khác nhau.

Có những bạn sang du học theo diện hiệp định, tức sẽ học tập và lấy bằng tại Trường ĐH Ngoại thương; có những bạn đến theo diện trao đổi, sẽ học một học kỳ hoặc một năm, sau đó chuyển tín chỉ về lại trường nước ngoài; một số bạn lại đến học theo diện trao đổi ngắn hạn trong vòng 2-3 tuần đến một tháng.

Sinh viên quốc tế tới từ rất nhiều quốc gia khác nhau như Pháp, Mỹ, Đức, Uruguay, Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Theo PGS Kiên, để giúp sinh viên quốc tế trải nghiệm được không khí Tết cổ truyền Việt Nam, nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức rất nhiều hoạt động thú vị.

“Năm nay, chúng tổ chức chương trình “Tết sum vầy, Xuân bình an” với chủ đề Sắc quê, nơi các em sinh viên quốc tế có thể cùng sinh viên Việt Nam trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như gói bánh chưng, tham gia các trò chơi dân gian, trải nghiệm viết chữ thư pháp, xin chữ ông đồ, trải nghiệm nặn tò he,…

Bên cạnh đó, phòng Hợp tác Quốc tế cũng tổ chức nhiều chương trình khác như cho các bạn đi thăm quan các danh thắng trên địa bàn Hà Nội hoặc địa phương xa hơn để trải nghiệm không khí Tết”, thầy Kiên chia sẻ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới