Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhát vọng tỷ USD từ trồng chuối, nuôi heo của đại gia...

Khát vọng tỷ USD từ trồng chuối, nuôi heo của đại gia Việt

Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều đại gia chuyển hướng đầu tư phát triển nông nghiệp, theo đuổi mô hình kinh doanh quy mô lớn, công nghệ cao, với khát vọng thu tỷ USD.

Hoàng Anh Gia Lai trở thành “ông trùm trồng chuối” Việt Nam.

Khi đại gia bẻ lái

Năm 2010, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – gây sốc khi thanh lý đa phần bất động sản hiện có để lấn sân sang trồng cao su, cọ dầu, mía, cùng các loại cây ăn quả ngắn ngày như: thanh long, chuối và chanh dây…

Với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài”, Hoàng Anh Gia Lai sau đó tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi bò thịt và bò sữa với loạt dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nhằm vượt qua biến động thị trường, nhanh chóng có dòng tiền.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng ra mắt thương hiệu Bapi HAGL và cửa hàng BapiMart, với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn chuối cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo như chả lụa, xúc xích, thịt nguội…, với tiêu chí “3 không”: không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật. Theo lộ trình đến năm 2023, Bapi HAGL sẽ phát triển 1.000 cửa hàng trên toàn quốc, và doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu này.

Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định việc đầu tư vào nông nghiệp được xem là ưu tiên số một của Hoàng Anh Gia Lai, dựa trên lợi thế có quỹ đất lớn và khả năng cạnh tranh cao.

Nhắc đến những đại gia tay ngang sang nông nghiệp, không thể không kể đến Hòa Phát. Vốn là một “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản, thế nên, vào năm 2015, khi Hòa Phát công bố nghị quyết về việc thông qua phương án thành lập công ty chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc đã gây ra bất ngờ lớn.

Tuy nhiên, dù là “tay ngang”, nhưng chỉ sau 7 năm, Hòa Phát đã nhanh chóng khẳng định uy tín, tiềm lực của mình trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò và gia cầm. Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng lớn về doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn, chỉ sau sản xuất, kinh doanh thép.

Tháng 9/2022, Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng đổ tiền xây dựng cụm trang trại nuôi heo công nghệ cao tại Tây Ninh, với mục tiêu xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và có 200.000 con heo nái vào năm 2030. BAF được biết đến là đơn vị cung cấp thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat Shop. BAF cũng đặt mục tiêu phát triển 1.000 cửa hàng vào năm 2023 và cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu con heo.

Trước đó, hàng loạt tập đoàn khác như: TH true Milk, Vingroup, FLC, Thaco… cũng lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới…

Tại Nghệ An, dự án TH true Milk của nữ đại gia Thái Hương đã biến một vùng đất hoang hóa thành vùng nguyên liệu trù phú, tăng hiệu quả kinh tế của 1 ha đất lên gấp nhiều lần nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại. Các nhà máy của doanh nghiệp này đều ứng dụng công nghệ cao.

Công thức thành công từ nông nghiệp

Hơn 10 năm làm nông nghiệp với nhiều kế hoạch thất bại như: trồng cao su, cọ dừa, nuôi bò…, đến nay, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin vì đã tìm thấy công thức thành công cho Hoàng Anh Gia Lai. Đó là chiến lược “một cây, một con”: trồng cây chuối và nuôi con heo, bởi đây là hai lợi thế rất lớn, lại bổ trợ cho nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhờ tập trung trồng chuối và nuôi heo, sau 3 quý năm 2022, báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai liên tục khởi sắc. Đến hết quý III/2022, HAGL tiêu thụ 168.626 con heo thịt, 202.150 tấn cây ăn trái (bao gồm 127.866 tấn chuối xuất khẩu và 74.284 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc). Doanh thu 9 tháng đạt 3.183 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trang trại heo Hòa Phát được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, áp dụng chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, khép kín và được chứng nhận quy trình chuẩn VietGAP.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhiều “ông lớn” tham gia vào nông nghiệp cho thấy lĩnh vực này ngày càng hấp dẫn. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng dệt may và thiết bị điện tử. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp quay lại tìm kiếm cơ hội từ ngành nông nghiệp, nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã được ký kết. Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp với kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu sau khi được miễn giảm thuế từ các FTAs.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới