Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói về bài học '4 chữ...

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói về bài học ‘4 chữ K’ từ Hiệp định Paris

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ những tâm tư rất riêng về ý nghĩa cũng như bài học kinh nghiệm rút ra từ hiệp định này, nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (27.1.1973 – 27.1.2023).

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.

Chấm dứt gần 100 năm bị nước ngoài giày xéo

Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, có thể khái quát 4 ý nghĩa lớn của Hiệp định Paris đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thứ nhất là với Hiệp định Paris, Mỹ đã phải cam kết rút hết quân đội của mỹ cũng như các nước đồng minh ra khỏi Việt Nam, chấm dứt gần 100 năm nước ta bị nước ngoài giày xéo.

Thứ 2, Hiệp định Paris cũng đem lại hòa bình cho miền Bắc Việt Nam, tạo điều kiện để khôi phục kinh tế, tăng cường tiềm lực để tiến hành cuộc đấu tranh ở miền Nam thống nhất đất nước.

Thứ 3, Hiệp định Paris cũng đã nâng cao vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới.

Ông Vũ Khoan cho hay, ngay trong năm 1973, có tới 15 nước công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Sau Hội nghị Paris, lần đầu tiên Việt Nam tham gia hội nghị quốc tế để xác nhận và cam kết thực hiện Hiệp định Paris với sự hiện diện của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thứ 4, theo nguyên Phó thủ tướng, với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có Hiệp định Paris, Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, phát triển thế giới và cũng như sức mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa.

Về những bài học kinh nghiệm rút ra từ Hiệp định Paris sau 50 năm, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, có 4 bài học quan trọng được ông khái quát thành “4 chữ K” cho dễ nhớ.

Kết hợp để tạo nên sức mạnh tổng hợp

Chữ K thứ nhất theo ông Vũ Khoan là “kết hợp”. “Dân tộc chúng ta ở trong cái tình thế là lấy yếu đánh mạnh nên chúng ta phải tạo dựng được sức mạnh tổng hợp. Nói cách khác là sự kết hợp giữa sức mạnh vật chất và tinh thần, những giá trị văn hóa của dân tộc kết tinh thành sức mạnh tổng thể”, ông Vũ Khoan lý giải.

Sự kết hợp thứ 2 là sự hình thành thế trận 3 vòng mặt trận. “Vòng thứ nhất là đoàn kết Bắc Nam. Vòng thứ hai là đoàn kết giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trên bán đảo Đông Dương và vòng mặt trận thứ ba là đoàn kết giữa cuộc đấu tranh của nhân dân chúng ta với nhân dân thế giới, vì hòa bình và độc lập dân tộc”, ông Khoan phân tích.

Sự kết hợp nữa là kết hợp giữa 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, trong đó quân sự và chính trị có ý nghĩa quyết định. Ngoại giao cũng có vai trò riêng nhưng ngoại giao không chỉ liên quan tới đàm phán mà còn liên quan tới cả 3 lĩnh vực: tố cáo tội ác của Mỹ gây ra ở Việt Nam; phát huy đường lối chính nghĩa, thắng lợi của dân tộc; tập hợp nhân dân thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam

“Đấy cũng là một cái kết hợp tạo nên cái sức mạnh tổng hợp thể”, ông Vũ Khoan nói.

Sự kết hợp thứ 4 theo ông Vũ Khoan là sự kết hợp giữa các ngành, các cấp, giữa các lĩnh vực ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân. Tại cuộc đàm phán Paris, đoàn miền Nam Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động sôi nổi trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Cùng đó, Hội nghị Paris cũng có vai trò rất lớn của truyền thông.

Kiên trì, kiên quyết và khôn khéo

Chữ K thứ 2 theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là “kiên trì”.

“Chúng ta đối phó với một thế lực mạnh như vậy thì không thể nào một sớm một chiều có được mà chúng ta phải từng bước tiến lên, từng bộ phận mà tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”, ông Vũ Khoan nói.

Ban đầu, chúng ta đòi Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc, sau đó, chúng ta đòi Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Từ đó, tạo cơ sở buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, tạo một cái tình thế mới để mà tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chữ K thứ 3 theo ông Vũ Khoan là “kiên quyết”. Chúng ta đã kiên quyết một điều kiện bất di bất dịch là Mỹ phải rút hết quân đội của Mỹ và các nước đồng minh ra khỏi Việt Nam, ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày.

Đồng thời, chúng ta cũng kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Mỹ cho rằng quân đội miền Bắc cũng phải rút ra khỏi miền Nam.

“Chúng ta luôn kiên quyết, bất di bất dịch là ở miền Nam phải có đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đó là Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời”, ông Vũ Khoan nói; đồng thời cho biết, từ đầu tới cuối chúng ta cũng luôn kiên quyết đòi Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam.

Chữ K thứ 4 theo ông Vũ Khoan là “khôn khéo”. Ông Vũ Khoan cho biết, Bác Hồ nói nguyên tắc thì chúng ta phải giữ vững chắc nhưng phải cơ động, linh hoạt.

“Ở đây thì có hai cái cái điều linh hoạt. Một là chúng ta chưa đặt ra vấn đề xóa bỏ chính quyền Sài Gòn. Chuyện đó để cho dân Việt Nam phải giải quyết cái linh hoạt. Thứ hai, chúng ta có hai đoàn đoàn miền Bắc và đoàn miền Nam, như như Bác Hồ dặn ‘hai như là một một nhưng mà là hai’. Đây cũng là một cái sách lược rất là khôn khéo, còn chưa từng có trong lịch sử thế giới”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Khoan, vào thời điểm ký Hiệp định Paris có vấn đề rất phức tạp là mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc.

“Trong mâu thuẫn giữa hai nước đó thì vấn đề Việt Nam có một vị trị rất quan trọng. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều sử dụng vấn đề Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Chúng ta cũng phải xử lý mối quan hệ tinh tế đó. Đây cũng là một khía cạnh, một bài học mà chúng ta cần tính đến khi nghiên cứu về Hiệp định Paris đồng thời vận dụng trong bối cảnh hiện nay”.

“Hiện nay tình hình đất nước ta và thế giới đã thay đổi rất nhiều nhưng những cái bài học cơ bản của Hiệp định Paris vẫn để lại cho chúng ta nhiều điều quý giá mà chúng ta có thể vận dụng một cách sáng tạo trong cái hoàn cảnh mới”, ông Vũ Khoan khẳng định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới