Qua gần 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nếu nhìn sâu vào sự phát triển của nền kinh tế dễ nhận thấy nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang chứa đựng hàng loạt vấn đề vĩ mô bất ổn như tăng trưởng cao nhưng thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán tụt dốc, niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp giảm sút.
Về tình hình kinh tế thế giới chung, ở thời điểm hiện nay, nhìn chung dự báo tiếp tục ảm đạm hơn, có thể vẫn xấu đi trong năm 2023 dù khả năng ở nửa năm sau là tốt lên. Tuy nhiên, ở trong nước, nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt 8-9%, lạm phát chưa đến 4%… Bức tranh kinh tế vĩ mô chung đang tốt song khu vực nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn…
Cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Những khó khăn này đến từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như nhu cầu thị trường thế giới giảm sút, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng; việc tiếp cận vốn qua các kênh gặp nhiều hạn chế; giải ngân đầu tư công chậm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh những quy định liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai… trở nên khắt khe, chi phí tuân thủ cao hơn trước. Kinh tế vĩ mô tốt nhưng thị trường đang có tình trạng khủng hoảng tâm lý, lòng tin trong khi nền kinh tế khát vốn và nguy cơ nợ xấu.
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta đang mắc nghịch lý thành công. Nền kinh tế đang khá tốt khi GDP tăng trưởng cao, các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Vấn đề nằm ở chỗ kỳ tích này ở đâu ra, tăng trưởng cao lấy đâu ra khi mà thị trường chứng khoán thì lao dốc lập kỷ lục thế giới, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu đang khủng hoảng niềm tin, doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn như vấn đề tiếp cận vốn…? Những nghịch lý này đã được báo cáo với Chính phủ để nhận diện, nếu không xử lý tốt thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Chúng ta đang kẹt ở đâu?
Trước thực trạng đó, một câu hỏi đặt ra là chúng ta đang kẹt ở đâu? Thật ra, mạch tăng trưởng chung vẫn rất tốt nhưng vì một vài tình thế gây ra bất ổn nên sang chấn lòng tin tâm lý. Điều này khiến chúng ta phải cùng nhau giữ ổn định vĩ mô, lạm phát thấp nhưng không được phép không đáp ứng nhu cầu tiếp máu cho nền kinh tế. Việt Nam chưa lạm phát mà lại sợ lạm phát quá nên không dám bơm tiền, sợ mở ra cho trái phiếu bất ổn… Chỗ này chúng ta phải xử lý bình tĩnh để giải quyết vấn đề.
Đáng nói, mức độ nghiêm trọng còn rõ ràng hơn khi xem xét “tính có vấn đề” của thực lực doanh nghiệp Việt Nam từ góc độ cạnh tranh quốc tế. Các thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế được coi ngoạn mục trong giai đoạn vừa qua cơ bản gắn với khai thác các nguồn lực sẵn có (nguồn lực “tĩnh”) theo cách “tận khai” truyền thống (khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô), ít dựa vào những thay đổi cơ cấu.
Ngay cả nỗ lực mở cửa – hội nhập để vươn ra thế giới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu với các nước đi trước cũng dựa chủ yếu vào nền tảng “tận khai” tài nguyên, lao động rẻ, kỹ năng thấp và đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ yếu kém về năng lực. Bên cạnh đó, tình trạng “có vấn đề” của sự phát triển bắt nguồn từ chỗ các động lực phát triển của nền kinh tế không được phát huy, thậm chí bị suy giảm. Đó là căn nguyên của tình trạng “tụt hậu phát triển” khó được khắc phục, thậm chí, ở một số khía cạnh cơ bản, còn là xu thế “tụt hậu xa hơn” so với những nền kinh tế mà Việt Nam cần phải đua tranh.
Thực trạng nói trên đã được giới khoa học thảo luận, được Đảng và Nhà nước nhận diện và điều chỉnh, thay đổi. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng – kể khi đó là một mô hình “đúng”, như vẫn thường được khẳng định, làm cho việc thay đổi để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới đứng trước những khó khăn, thách thức khó lường. Trong khi đó, hệ thống kinh tế thế giới đang chuyển rất nhanh vào thời đại phát triển mới, với logic phát triển thay đổi cơ bản, với những đặc trưng khác thường về tốc độ, sự rủi ro,… đang đòi hỏi những năng lực phát triển mới.
Việt Nam đi sau, còn non yếu nhiều mặt, lại là một nền kinh tế mở khác thường (độ mở của nền kinh tế lên đến 200%) nên trong bối cảnh hiện nay yêu câu đổi mới mô hình tăng trưởng càng được đặt ra mạnh mẽ. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp tháo gỡ những nghịch lý của nền kinh tế.
Thay đổi mô hình tăng trưởng như thế nào?
Vậy, làm thế nào để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam? Từ góc nhìn của mình, tôi xin phép đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau. Đầu tiên, cần xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ các thị trường đầu vào, đặc biệt chú ý phát triển thị trường đất đai, xây dựng hệ thống pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền tài sản của các chủ thể kinh tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia “Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam” theo tinh thần thị trường; quan tâm thúc đẩy xây dựng các chuỗi sản xuất Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam thành lực lượng dẫn dắt các chuỗi mà trụ cột là các tập đoàn tư nhân.
Tiếp đó, cần tích cực cải cách nhà nước với hai nội dung lớn là xây dựng một nhà nước phục vụ phát triển; xây dựng một nhà nước thông minh, trong đó, một nội hàm quan trọng là xây dựng “Chính phủ số” và “đô thị thông minh”. Trong định hướng này, cần xây dựng bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “tổ chức theo chức năng”; tính chuyên nghiệp công vụ (tuyển chọn cán bộ và trách nhiệm công việc). Bên cạnh đó, cải cách chế độ lương trong khu vực nhà nước theo nguyên tắc tiền tệ hóa hoàn toàn tiền lương; trả lương theo chức năng và theo hợp đồng công việc (theo mức độ hoàn thành công việc cam kết).
Cần thực hiện chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài mới, theo nguyên tắc “hạn chế ưu đãi, quan tâm xây dựng thể chế tốt”, tạo thuận lợi tối đa để hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, cần từ bỏ cơ chế phân phối vốn theo kiểu chia đều, xin – cho, tập trung phát triển các cực tăng trưởng và các trung tâm phát triển đủ tầm và sức cạnh tranh quốc tế. Làm được điều này, những nghịch lý sẽ nhanh chóng được hoá giải và nền kinh tế sẽ nhanh chóng lấy lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
T.P