Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ ‘phá băng’ cửa khẩu biên giới, Việt Nam được lợi -...

TQ ‘phá băng’ cửa khẩu biên giới, Việt Nam được lợi – hại gì?

Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế COVID-19 sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đây được cho là động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại rằng việc Trung Quốc mở cửa có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam về thu hút đầu FDI.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thông thương với Trung Quốc.

Hết cảnh “ngăn sông cấm chợ”

GS, TSKH. Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới – cho biết, ngày 8/1 đánh dấu sự mở cửa trở lại được mong đợi từ lâu của Trung Quốc. Đây sẽ là một trong các yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế 2023 với mục tiêu đặt ra là 6,5%.

Theo chuyên gia Võ Đại Lược, có một số khía cạnh cho thấy sự tác động tích cực từ việc mở cửa này. Kinh tế Trung Quốc sẽ dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường khi không còn cảnh “ngăn sông cấm chợ” nữa. Một số tổ chức quốc tế dự báo, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,4% trong cả năm 2023, mức tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc cũng sẽ tăng.

Điều này không chỉ tác động tới nền kinh tế trong nước mà sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn lên kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường du lịch và hàng hóa. Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Sự gia tăng nhập khẩu từ nước này sẽ phần nào bù đắp cho mức tiêu thụ đang chững lại hoặc suy giảm ở một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ hay châu Âu…

“Một số lo ngại rằng việc nền kinh tế của Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam cho thu hút đầu vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nhưng tôi không cho là vậy. Nhìn chung, với những thuận lợi cơ bản, Việt Nam vẫn có luồng FDI lớn đổ vào Việt Nam, tạo lực đẩy tăng trưởng, góp phần lan toả kinh tế. Chưa kể, căng thẳng Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, điều này đã thúc đẩy các tập đoàn dịch chuyển sang Việt Nam thay vì Trung Quốc” – ông Lược nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho biết, phải thấy kinh tế Trung Quốc cơ bản cũng gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều những yếu tố kỳ vọng có thể bị ảnh hưởng. Thêm nữa, Việt Nam cần chú trọng việc kiểm soát tốt dịch bệnh bởi gỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 cũng mang lại nhiều rủi ro.

Kỳ vọng khách du lịch khổng lồ từ Trung Quốc

PGS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế – cho rằng, khi mở cửa, lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trở lại, tác động tích cực tới nguồn thu trong lĩnh vực này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung. Trước đại dịch, Trung Quốc vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Một số tổ chức kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ đạt trên 50% so với mức trước đó vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau.

Việc mở cửa trở lại cũng giúp các khu vực kinh tế cửa khẩu thúc đẩy giao thương, tăng thu hút đầu tư. Việc nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn, nhờ đó các doanh nghiệp gia tăng cạnh tranh hơn. Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, việc mở cửa sẽ thúc đẩy kim ngạch hai nước.

Đó là về tích cực, về hạn chế, ông Thịnh đánh giá rằng khi mở cửa Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. “Họ vốn có công nghệ sản xuất cao, quy mô lớn nên khả năng cạnh tranh lớn. Nhiều đơn hàng lớn trên thế giới thường hướng tới thị trường này. Khi mở cửa, lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng cao. Việt Nam có đường biên dài, lượng người qua lại nhiều. Theo cảnh báo WHO, hiện nay biến chủng của COVID-19 rất phức tạp, số người bệnh nặng và tử vong ở Trung Quốc vẫn còn cao. Khả năng lây lan dịch bệnh rất lớn. Do vậy cần hết sức chú ý vấn đề này” – ông Thịnh cho hay.

Cần theo dõi diễn biến dịch COVID-19 chặt chẽ

Nhóm nghiên cứu HSBC chỉ ra rằng, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, ASEAN khởi đầu năm 2023 với nhiều tin vui hơn khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 8/1. Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai quốc gia hưởng lợi rõ ràng khi khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng du khách trước đại dịch.

Doanh thu du lịch phục hồi đáng kể sẽ nâng cao vị thế tài khoản vãng lai của hai nước này, vốn đã trải qua tình trạng thâm hụt liên tục. Ngay cả ở những thị trường không phụ thuộc nhiều vào du lịch, sự quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ thúc đẩy phục hồi về việc làm.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm. Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú.

Khách du lịch Trung Quốc sẽ quay trở lại nhanh chóng ở mức độ nào tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như các chuyến bay quốc tế sẽ được khôi phục nhanh chóng như thế nào và khi nào việc đi lại sẽ được bình thường hóa.

Mặc dù việc mở cửa trở lại được chờ đợi từ lâu, nhưng sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm COVID-19 đã khiến một số quốc gia, bao gồm Mỹ, EU và Nhật Bản, áp dụng trở lại các yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch từ Trung Quốc đại lục. Mặc dù không có quốc gia ASEAN nào làm theo, nhưng nhiều nước đang theo dõi diễn biến một cách chặt chẽ.

Về xuất khẩu, kể từ năm 2020, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vì vậy xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu nông sản từ Việt Nam có thể sẽ được hỗ trợ đáng kể từ nhu cầu đang bùng nổ của Trung Quốc.

Đối với vốn FDI, trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của ASEAN, từ chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan, đến hàng điện tử tiêu dùng ở Việt Nam. Các ví dụ điển hình bao gồm kế hoạch của Apple chuyển chuỗi cung ứng Macbook sang Việt Nam và kế hoạch của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, xây dựng một trung tâm sản xuất ở Thái Lan, trung tâm sản xuất đầu tiên của họ ở ASEAN. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ thấy FDI từ Trung Quốc đặt nền móng cho thương mại trong tương lai.

Tuy nhiên, nhóm này cũng cho biết cần lưu ý đến sự phục hồi của Trung Quốc và những tác động ngầm đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu. Hiện giá điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực tăng do giá than nhập khẩu vẫn tăng, triển vọng lạm phát phụ thuộc rất nhiều vào giá năng lượng toàn cầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới