Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Tin buồn” đầu năm với Bắc Kinh

“Tin buồn” đầu năm với Bắc Kinh

Chính phủ Mỹ và Philippines đã sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng (2+2) lần đầu tiên sau 7 năm gián đoạn. Thông tin được đưa ra đầu năm 2023 đã và đang khiến Bắc Kinh khó chịu.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel J. Kritenbrink (phải) họp báo ngày 20/1/2023 cùng người đồng cấp Philippines, Theresa Lazaro.

Thông báo nêu cụ thể: cuộc đối thoại 2+2 sẽ diễn ra trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023. Liên quan thông tin này, có người còn diễn đạt trần trụi hơn rằng, đó là một “tin xấu” đầu năm với Trung Quốc, tiếp theo cái tin cũng “xấu” mà nhà đài NHK Nhật Bản đưa ra trước đó đúng một ngày: ngày 20/01, đô đốc hải quân Philippines – ông Artemio Abu – sau cuộc gặp với chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật, Tanaka Akihiko cho biết, Manila đã đề nghị Tokyo hỗ trợ để trang bị thêm ít nhất 5 tàu tuần tra loại lớn.

Con số “5 tàu tuần tra loại lớn” không phải chuyện lớn tới mức làm “kinh thiên động địa”. Nhưng nếu có được cái gật đầu từ Tokyo, điều đó đồng nghĩa với việc quan hệ Philippines và Nhật Bản thêm phần mặn mà. Mặn mà với ai kia thì được, nhưng một khi Philippines mặn mà với Nhật Bản – quốc gia vừa là đối tác quan trọng về kinh tế, nhưng cũng đồng thời là đối thủ của Trung Quốc trong nhiều chuyện, trong đó có vấn đề chủ quyền đảo Senkaku, Bắc Kinh chẳng muốn tý nào.

Trở lại câu chuyện đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng được hâm nóng giữa Philippines và Mỹ, Bắc Kinh càng lấy đó làm cay cú hơn nhiều so với câu chuyện Philippines – Nhật Bản.

Là bởi, nhất cử nhất động, những động thái kiểu này, một khi xảy ra, đều liên quan vấn đề Biển Đông vốn đầy nhạy cảm mà Trung Quốc, từ độ đơn phương đưa ra yêu sách đường “lưỡi bò” tham lam, không bao giờ muốn Mỹ “nhúng mũi, thò tay” vào.

Đó là chưa kể, Thông tin cũng cho biết, Philippines và Mỹ khẳng định sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để tăng số lượng các căn cứ mà quân đội Mỹ sẽ có thể sử dụng ở Philippines nhiều hơn 5 căn cứ hiện nay – theo thỏa thuận song phương hiện tại.

Những năm qua, cụ thể, gần như trong cả nhiệm kỳ của tổng thống Rodrigo Duterte, Bắc Kinh, dù không ra mặt hớn hở, nhưng mừng thầm trong dạ với việc Manila lạnh nhạt với Mỹ để ngả về Trung Quốc.

Điều đó bắt đầu với việc vừa ngồi vào chiếc ghế tổng thống quyền lực nhất quốc gia, ông Duterte gần như giấu kỹ Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA), ngày 12/7/2016, “xử thắng” cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc đình đám và hy hữu sau sự kiện Scaborough trong sự chưng hửng của dư luận cũng như thất vọng của người dân Philippines.

Chưa hết, cũng ông Duterte thậm chí còn chủ động săn đón, vồ vập, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, tin tưởng vào những khoản viện trợ lớn mà Bắc Kinh hứa hẹn giúp nước này phát triển hạ tầng. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018 của ông Duterte, Manila còn ký với Bắc Kinh Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông – văn kiện được kỳ vọng mở ra thời kỳ đàm phán tiến tới các dự án hợp tác cụ thể giữa hai nước. Ông Duterte làm điều đó bất chấp cảnh báo của dư luận về những rủi ro có thể đến, trong đó có đe dọa về chủ quyền.

Đặc biệt, tháng 2/2020, ông Duterte ra lệnh hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng song phương (VFA) được ký với Mỹ vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

Cho dù lý do Manila đưa ra ban đầu là trả đũa việc Mỹ rút thị thực đối với thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, cựu giám đốc cảnh sát quốc gia dẫn đầu cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của nhà lãnh đạo, hay sau đó, là việc Mỹ khó dễ trong cung cấp 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho nước này, thì, thay vì tin vào giải thích, nhiều người cho rằng: động thái này thực chất để chứng minh và làm cho Trung Quốc tin vào sự dứt tình của Manila với Washington…

Mãi tới giữa năm 2021, khi những lời “hứa hão” của Bắc Kinh về viện trợ kinh tế đã là sự thật, Manila mới làm một động thái có phần khó coi trước dư luận, là khôi phục hoàn toàn VFA. Sau đó, trong tuần cuối nhiệm kỳ của ông Duterte, Manila tuyên bố chấm dứt đàm phán khai thác chung dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông với lý do đàm phán này có nguy cơ trái với quy định của Hiến pháp Philippines.

Dù chưa hết hy vọng vào Tổng thống Marcos Jr – người, trong quá trình vận động tranh cử, từng thể hiện quan điểm đối ngoại được coi là thân thiện với Trung Quốc – việc nối lại các cuộc đối thoại Ngoại giao và Quốc phòng Philippines – Mỹ vẫn là “tin buồn” cho Bắc Kinh đầu năm 2023.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới