Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi “ba ông kễnh gật gù”

Khi “ba ông kễnh gật gù”

Sau cú “đi đêm” với TSMC của Đài Loan, Mỹ lại đầu têu cùng Hà Lan, Nhật Bản đàm phán về những giải pháp hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các loại máy móc chế tạo chip bán dẫn tiên tiến.

Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đang rục rịch nâng cấp cuộc chiến “máy cái” với Trung Quốc. Chỉ có điều, “máy cái” trong trường hợp này không phải loại máy cắt gọt kim loại mà Trung Quốc không chỉ đã thừa sức sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu, bán cho nhiều nền kinh tế khác để thu về hàng tỷ USD ngoại tệ, mà là loại máy in khắc tia cực tím sâu vốn rất quan trọng để sản xuất một số loại chip tiên tiến.

Nói cách khác, không có loại thiết bị tối tân, công nghệ vượt trội này, mọi nỗ lực nhằm tự chủ hoàn toàn việc sản xuất chíp bán dẫn coi như thành…công cốc.

Chíp bán dẫn là gì mà quan trọng đến vậy? Không cần thiết bị đó có được không? Dĩ nhiên, đó là một câu hỏi quá, quá ấu trĩ.

Trong các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện nay như điện thoại thông minh, tên lửa, máy bay, ô tô…, chip chính là cái giúp máy móc thực hiện những chức năng chính như điều khiển, xử lý dữ liệu, lưu trữ…Nói cách khác, có thể ví những con chip bán dẫn là “hệ thần kinh trung ương” của tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, cả dân dụng và quân sự.

Quan trọng thế nên trong hơn 3 năm qua, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều nhà máy sản xuất chíp hoặc đóng cửa, hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến đứt gãy nguồn cung gây nên khủng hoảng chíp nghiêm trọng trong phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều ngành sản xuất và các nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, người ta càng nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng đặc biệt của việc chủ động sản xuất chíp. Cũng vì thế, các quốc gia, nền kinh tế sản xuất chíp ngày càng gia tăng vị thế đặc biệt. Tới mức, giới chuyên gia bình luận rằng: chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tháng 8/2021, ngoài vấn đề lãnh thổ (Đài Loan), còn là nhằm làm mọi cách để công ty TSMC của Đài Loan hiện là nhà sản xuất chất bán dẫn – thành phần không thể thiếu trong sản xuất chíp điện tử, gắn kết với Mỹ trong chương trình trị giá 52 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa, được Quốc hội Mỹ thông qua, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Nên biết rằng do nắm lợi thế công nghệ bán dẫn, TSMC hiện được đánh giá là “công ty quan trọng nhất hành tinh” do đã và đang cung cấp tới 90% thị phần sản xuất bán dẫn tiến tiến nhất. Công ty này cũng là yếu tố khiến hòn đảo bé nhỏ Đài Loan dần trở nên có vị trí địa – kinh tế và chính trị đặc biệt hơn nữa.

Lèo lái, thúc đẩy sự gắn bó của TSMC với các nhà sản xuất bán dẫn và chíp điện tử của Mỹ, trong chuyến đi và thăm TSMC, dù không có thông tin cụ thể, nhưng rất có thể bà Pelosi còn bàn với đối tác dự phòng cách ứng phó tình huống chiến tranh nổ ra (với Đài Loan với sự tấn công từ Trung Quốc), thì việc sản xuất chip bán dẫn cung ứng cho các đối tác (nhất là đồng minh như Mỹ) không bị gián đoạn.

Trung Quốc không đờ đẫn tới mức không đoán nổi ý đồ sâu xa sự hiện diện của quan chức hàng đầu nhánh lập pháp Mỹ ở Đài Loan trong một thời điểm quá nhạy cảm. Vì thế, Bắc Kinh càng nỗ lực tới mức lồng lộn để có thể làm chủ được công nghệ sản xuất chíp bán dẫn. Thông tin cho biết, nước này sẵn sàng chi số tiền gần 200 tỷ USD cho một chương trình 10 năm để làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất bán dẫn và chip điện tử loại tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, sự cảnh giác của các nước khác đã khiến Trung Quốc chỉ có thể sản xuất được 15,9 % tổng số chíp tiêu thụ nội địa năm 2021; và điều quan trọng hơn, các loại chíp Trung Quốc sản xuất còn lạc hậu 2 đến 3 thế hệ so với các chíp của Mỹ thiết kế và sản xuất bởi Samsung và TSMC. Tất nhiên, điều đó càng khiến Bắc Kinh cay cú và điên cuồng trong nỗ lực “phải thắng” Mỹ và các cường quốc phương Tây trong phát triển chíp bán dẫn. Để thắng, chẳng còn cách nào khác, phải làm chủ công nghệ. Thậm chí Bắc Kinh đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12/2022 nhằm buộc Mỹ hủy bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Nhưng như “kẻ cắp gặp bà già”. Trung Quốc cố một thì Mỹ và các đồng minh phòng gấp hai. Sau cú “đi đêm với TSMC của Đài Loan, thì nay, Mỹ lại cùng Hà Lan, Nhật Bản vừa ngồi với nhau như một liên minh tay ba và cùng “gật gù” đưa ra những giải pháp hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các loại máy móc chế tạo chíp bán dẫn tiên tiến.

Cái sự “gật gù” đầu năm con Mèo của ba “ông kễnh” công nghệ chíp bán dẫn như trên chắc chắn không ít thì nhiều, đã khiến Bắc Kinh “mất Tết” trong sự tức tối.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới