Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững tia hy vọng về đàm phán COC trong năm chủ tịch...

Những tia hy vọng về đàm phán COC trong năm chủ tịch ASEAN của INDONESIA

Bước vào năm 2023, Indonesia là nước chủ nhà của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Cộng đồng quốc tế nhất là các nước ASEAN đặt những hy vọng về những tiến triển tích cực trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này đặt gánh nặng lên vai Indonesia trong việc “lèo lái” đàm phán về COC. Liệu những kỳ vọng đó có trở thành hiện thực hay không?

Ngày 3/2/2023, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết vòng đàm phán đầu tiên về COC ở Biển Đông trong năm nay sẽ bắt đầu vào tháng 3. Trong đó,  Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN sẽ dẫn đầu các nỗ lực “khám phá những cách tiếp cận mới” trong việc “lèo lái” một khu vực ngày càng mất ổn định. Bộ Ngoại giao Indonesia lưu ý rằng rào cản lớn nhất đối với các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là giảm thiểu “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh” vốn chắc chắn sẽ xuất hiện; các cuộc đàm phán sẽ là một phần trong những ưu tiên của Indonesia đối với việc thực thi Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), văn kiện được ban hành cách đây 2 thập kỷ.

Phát biểu trong ngày cuối cùng của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) – Hội nghị mở đầu cho chuỗi sự kiện của ASEAN trong năm 2023, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonéia đang lên kế hoạch tăng cường đàm phán với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác để hoàn tất COC. Bà Retno nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhất trí thúc đẩy các cuộc gặp với các đối tác để đối thoại hiệu quả và năng suất hơn. Cam kết của các thành viên trong việc khép lại đàm phán COC càng sớm càng tốt là rõ ràng. Các thành viên cũng luôn ghi nhớ sự cần thiết phải có một COC thực chất, hiệu quả và khả thi”. Ngoại trưởng Indonesia cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan trong suốt cả năm 2023 này.

Phát biểu với các phóng viên tại Ban Thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc phụ trách Hợp tác ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Sidharto Suryodipuro nói: “Dưới sự chủ trì của Indonesia, Jakarta sẽ dốc sức để thiết lập ra các điều lệ. Điều quan trọng (về cuộc đàm phán) là tất cả chúng ta đã đồng ý rằng COC cần hiệu quả, khả thi và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ông Sidharto không cho biết chi tiết hơn về “các cách tiếp cận mới” mà ASEAN có thể sẽ áp dụng, ngoại trừ việc ASEAN vẫn đang ở “trạng thái thăm dò” với tính bao trùm là một trong những yêu cầu chính. Quan chức này nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ diễn ra như thế nào, nhưng quá trình này có thể cũng quan trọng như kết quả của chúng.

Những phát biểu kể trên thể hiện rõ quyết tâm của nước Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy đàm phán về COC, song chừng đó là chưa đủ mà đàm phán có tiến triển hay không phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan, nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định mong muốn sớm kết thúc đàm phán về COC, song trên thực tế chính họ là lực cản lớn nhất cho tiến trình đàm phán COC khi liên tiếp đưa ra các yêu sách phi lý trong đàm phán với ý đồ gạt bỏ các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông và mong muốn có một COC phục vụ cho lợi ích của họ ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Điều quan trọng nhất là Bắc Kinh phải tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, nói đi đôi với làm và từ bỏ việc phân hóa chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông cũng như trong đàm phán về COC.

Giới quan sát nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay có thể cản trở tiến trình đàm phán về COC là cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ở khu vực ngày càng căng thẳng có thể dẫn đến những tính toán sai lầm, đặt các nước ASEAN vào thế kẹt giữa 2 cường quốc. Những động thái của Trung Quốc và Mỹ từ cuối năm 2022 và trong đầu năm 2023 báo hiệu cho một năm không yên ả ở Biển Đông.                 

Những tháng gần đây đã chứng kiến các tàu của Trung Quốc (bao gồm tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu cá) hoạt động tung hoành ở khắp Biển Đông. Từ cuối tháng 12/2022 đến cuối tháng 1/2023, Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh lớn nhất của mình đến hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Indonesia, giám sát hoạt động dầu khí của các nước ở phía Nam Biển Đông; tàu hải cảnh Trung Quốc còn truy đuổi các tàu cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này gần bãi Cỏ Mây. Đồng thời, Trung Quốc điều nhiều máy bay chiến đấu tiến hành tuần tra trên bầu trời Biển Đông…. Giữa tháng 1/2023, tàu sân bay Sơn Đông chở theo hàng chục tiêm kích J-15 tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.

Trong khi đó, Mỹ điều nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động ở Biển Đông từ 12/1/2023, tiến hành diễn tập quân sự rầm rộ trên Biển Đông với sự tham gia của tàu tuần dương và các tàu khu trục của Mỹ. Đầu tháng này, Mỹ đạt thỏa thuận về việc có thể tiếp cận thêm 4 địa điểm mới trong căn cứ quân sự của Philippines.

Sự phô trương sức mạnh quân sự của 2 siêu cường đã đặt các nước ASEAN vào tình thế bấp bênh, khiến Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hôm 1/2 vừa qua đã phải lên tiếng cảnh báo rằng tình hình “cần được theo dõi cẩn thận” sau khi Ngoại trưởng Indonesia Retno tuyên bố rằng sự cạnh tranh thù địch đang trở thành nguyên nhân “gây bất ổn” cho ASEAN. Ông Sidharto Suryodipuro nhấn mạnh trong trường hợp sự tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông của các siêu cường không có hồi kết buộc các nước trong khu vực bước vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Giảm thiểu tình thế tiến thoái lưỡng nan này là một trong những khía cạnh thách thức nhất trong quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, ông Sidharto khẳng định Indonesia đã sẵn sàng bắt đầu quá trình này khi nói: “Các vấn đề thường nảy sinh từ tình thế tiến thoái lưỡng nan này giữa các đối tác của ASEAN. ASEAN sẽ cung cấp nền tảng cần thiết để giải quyết vấn đề này”.

Mặc dù không phải là bên có yêu sách chính thức tại Biển Đông, song Indonesia luôn đóng một vai trò rất quan trọng và mang tính xây dựng đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Cùng với các nước ven Biển Đông khác trong ASEAN, Indonesia luôn tích cực thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông. Thời gian gần đây, các hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Bắc Natuna của Indonesia cũng đã phải đối mặt với những hoạt động quấy nhiễu, uy hiếp từ các tàu hải cảnh của Trung Quốc. Điều này khiến Jakarta càng có quyết tâm để thúc đẩy một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luât biển1982.

Giới phân tích nhận định sự quyết tâm của ASEAN thúc đẩy đàm phán về COC cùng với thiện chí của các nước ven Biển Đông được coi là những tia hy vọng về sự tiến triển trong đàm phán COC trong năm 2022. Tuy nhiên, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ phải đối mặt với 2 bài toán lớn phải giải quyết:

Một là, làm thế nào để dung hòa các bên liên quan trên những vấn đề còn tồn đọng lâu nay khi đàm phán COC bước vào giai đoạn thực chất như như vấn đề vùng biển áp dụng COC; vấn đề tính ràng buộc về mặt pháp lý của COC; vấn đề lợi ích của bên thứ ba, trong đó cần bảo vệ lợi ích của các nước ngoài khu vực; vấn đề cơ chế thực thi…. Cho đến nay sự khác biệt trên các vấn đề này còn quá lớn giữa một bên là các nước ven Biển Đông trong ASEAN và bên kia là Trung Quốc. Làm thế nào để thuyết phục được Trung Quốc thật sự thiện chí trong việc cùng các nước ASEAN tìm giải pháp cho những vấn đề hóc búa này trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan.

Hai là, làm thế nào để cho cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ không ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình đàm phán về COC. Bắc Kinh đang tiếp tục lớn tiếng đổ lỗi cho Mỹ cản trở đàm phán về COC, mà không nhận ra chính Trung Quốc đang là người gây khó khăn cho việc đạt đồng thuận về COC. Trên thực tế, Trung Quốc là kẻ cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế; trong khi đó Mỹ luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS ở Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định sự chỉ trích vô cớ của Trung Quốc đối với Mỹ và việc Bắc Kinh tiếp tục tìm cách đẩy Washington ra khỏi Biển Đông vô hình chung “đổ thêm dầu vào lửa” làm cho cuộc cạnh tranh giữa Trung-Mỹ cũng gay gắt thêm và sẽ tác động tiêu cực tới khu vực trong đó có đàm phán về COC. Nếu Indonesia không hóa giải được tác động của mối quan hệ Trung-Mỹ tới tiến trình đàm phán về COC thì khó có thể đạt được những tiến triển tích cực trong đàm phán trong năm 2023 này như Jakarta mong muốn. Phát biểu của Ngoại trưởng và các quan chức Indonesia trong những ngày đầu tháng 2 vừa qua gửi đi một tín hiệu rất rõ ràng khi thể hiện thiện chí tăng cường đàm phán về COC, đây cũng chính là mong muốn của các nước khác trong ASEAN. Trung Quốc hoan nghênh lập trường tích cực của Indonesia – nước Chủ tịch ASEAN trong năm nay – về các cuộc đàm phán COC; đồng thời, đưa ra những lời lẽ khích lệ nếu Jakarta có thể đạt được thỏa thuận về COC trong thời gian giữ chức chủ tịch, chắc chắn đó sẽ là một tài sản chính trị quý giá cho khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã tỏ ý thận trọng về việc có thể kết thúc đàm phán trong năm nay khi nói rằng: “Trung Quốc vẫn sẽ vui mừng khi thấy bất kỳ tiến triển nào liên quan đến COC, ngay cả khi không thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay”. Giới chuyên gia cho rằng có lẽ Bắc Kinh chưa sẵn sàng thiện chí để giải quyết những vấn đề khó khăn đang tồn đọng trong COC, do vậy ngay từ bây giờ họ đã tìm cách đổ vấy cho Mỹ cản trở đàm phán khi kêu gọi “cần đề phòng khả năng Mỹ muốn can thiệp vào đàm phán COC”. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh phải nhớ rằng Mỹ đã công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của ASEAN trong đàm phán COC là cần hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS, không làm tổn hại tới quyền lợi của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông. Chúng ta cùng mong đợi những quyết tâm và thiện chí của Indonesia cũng như của ASEAN sẽ trở thành hiện thực trong năm 2023 này.

RELATED ARTICLES

Tin mới