Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThời báo Hoàn cầu: NATO quẳng cho Hàn Quốc ‘miếng mồi hạt...

Thời báo Hoàn cầu: NATO quẳng cho Hàn Quốc ‘miếng mồi hạt nhân’

Ngày 29/1/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg[1] bắt đầu đi thăm Hàn Quốc và Nhật. Có điều, “món quà trao tay” mà ông mang theo không phải là thứ gì tốt đẹp.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Stoltenberg đã tập trung bàn với nước chủ nhà về vấn đề Triều Tiên. Ông cho biết chuyến thăm này nhằm nêu bật vấn đề NATO “đánh giá cao mối quan hệ đối tác với Hàn Quốc” và gợi ý rằng NATO và Hàn Quốc có thể chia sẻ thông tin về những lo ngại liên quan tới sự phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, trước chuyến thăm nói trên, Stoltenberg còn nói nhiều về tầm quan trọng của khả năng răn đe hạt nhân, tuyên bố rằng “các mối đe dọa hạt nhân” của Nga, Trung Quốc và Triều Tiên là hiển nhiên, “nếu không có đồng minh NATO thì điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm.”

Rất rõ ràng, Stoltenberg có ý định nói về một chuyện khác. Cơ chế chia sẻ hạt nhân hiện có của NATO không liên quan gì đến vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, nó phải kéo theo Trung Quốc và Nga là để cho sự xuất hiện của nó trên bán đảo Triều Tiên không tỏ ra quá đột ngột và không gây ra sự cảnh giác của phía Hàn Quốc. Stoltenberg nói đến “mối đe dọa hạt nhân” của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, dùng chuyện ấy để tăng cường chia sẻ thông tin với Hàn Quốc, mục đích của ông rất rõ ràng, đó là lôi kéo Hàn Quốc vào bộ khung hợp tác của NATO. Chia sẻ hạt nhân chẳng qua chỉ là cái cớ, lấy cớ này, NATO có thể đàng hoàng vươn cái xúc tu của mình sang Đông Bắc Á.

Cho dù trên vấn đề rất nhạy cảm là chia sẻ hạt nhân, trong các tuyên bố công khai của mình, ông Stoltenberg vẫn giữ lại một chút dư địa, nhưng thế giới bên ngoài nhìn chung cho rằng việc “chia sẻ thông tin” mà ông đề xuất quyết không phải là dấu chấm hết cho sự can dự của NATO vào châu Á-Thái Bình Dương. Đã có một số nhà phân tích dư luận Hàn Quốc cho rằng hành động này của NATO nhằm “hưởng ứng Mỹ” và mở rộng địa bàn hoạt động sang khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mặc dầu NATO ngoài miệng vẫn tuyên bố rằng vị trí của mình là một liên minh phòng thủ khu vực vẫn không thay đổi, nhưng kể từ năm ngoái, NATO đã liên tục vượt ra ngoài khu vực và lĩnh vực phòng thủ truyền thống, tăng cường đáng kể mối liên hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương như Nhật, Hàn Quốc. Giờ đây Stoltenberg đang đứng trên đất Đông Bắc Á mà lại cao giọng nói về “răn đe hạt nhân” như vậy, điều đó làm nổi bật tận gốc mối đe dọa nghiêm trọng mà NATO đã tạo ra cho khu vực này

Tình trạng bế tắc trên bán đảo Triều Tiên và [sự tồn tại của] NATO là hai tàn dư của Chiến tranh Lạnh phân bố ở hai đại lục Âu-Á, nhưng bán đảo Triều Tiên là nạn nhân của Chiến tranh Lạnh, còn NATO là bên hưởng lợi từ Chiến tranh Lạnh. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vốn dĩ NATO đã mất đi sự cần thiết và tính chính đáng tiếp tục tồn tại, thế nhưng nó vẫn cứ tiếp tục sống bằng cách hấp thụ bầu không khí căng thẳng sợ hãi do các cuộc khủng hoảng và xung đột mới gây ra. Sở dĩ NATO nhìn về bán đảo Triều Tiên – chuyện ấy cũng giống như con linh cẩu nhìn chằm chằm vào vết thương chảy máu của các con vật khác, điều đó sẽ mang lại cho Đông Bắc Á hồi trống khởi sự một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Hiện nay Mỹ và phương Tây đang phổ biến sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine làm “bài giảng về an ninh”, rao bán khắp nơi nỗi sợ hãi về an ninh, chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật của Stoltenberg cũng không ngoại lệ. Thế nhưng những gì đã xảy ra ở lục địa châu Âu thì lại cho thấy một khi rơi vào tình thế khó khăn về an ninh chung, anh em ruột thịt cũng có thể quay lưng lại với nhau, và nút thắt này sẽ ngày càng thắt chặt hơn. Thực ra, điều này có một logic tầng thấp tương tự với tình hình bán đảo Triều Tiên: để thoát khỏi những lo ngại về an ninh của mỗi bên, Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên từng đua nhau “tự vũ trang“, ngược lại điều đó làm sâu sắc thêm mối lo ngại của bên kia. Những gì đã xảy ra trên bán đảo Triều Tiên trong những năm gần đây đã sớm chứng minh rằng thù địch và đối đầu không bao giờ có thể là sứ giả của hòa bình, đây là một sự thật không thể nào rõ ràng hơn.

Chúng tôi chú ý rằng, mặc dù khi Stoltenberg đơn phương cao giọng nói về “mối đe dọa từ Triều Tiên”, bao giờ ông cũng “cố ý hoặc vô ý” nói kèm thêm Trung Quốc, nhưng phía Hàn Quốc dường như tương đối ít nói về vấn đề đó. Trong cuộc gặp giữa Stoltenberg với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng như với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, phía Hàn Quốc đều hết sức cố gắng tránh nói tới Trung Quốc. Điều này cho thấy, những mối lo ngại về an ninh cho tới nay của phía Hàn Quốc vẫn chủ yếu tập trung vào vấn đề bán đảo Triều Tiên, nhưng người Hàn Quốc cần đề phòng nhiều hơn về NATO, một tổ chức tự nó có những toan tính riêng. Việc NATO nhanh chóng vươn xúc tu của nó từ châu Âu sang Đông Bắc Á sẽ chỉ làm cho tình hình trên bán đảo thêm phức tạp, khó giải quyết và hậu quả là điều Hàn Quốc không muốn thấy.

Hàn Quốc có được sự ổn định quốc gia và phát triển kinh tế như ngày nay, điều đó không thể tách rời việc giữ được tương đối lâu dài tình trạng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Một bài bình luận đăng trên “Nhật báo Dân tộc Hàn” đã tỉnh táo chỉ ra rằng cái gọi là “chia sẻ hạt nhân” tuyệt nhiên không phải là chia sẻ quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng vũ khí hạt nhân, mà là “gánh nặng chính trị và nguy hiểm tác chiến do vũ khí hạt nhân mang lại.” “Miếng mồi hạt nhân” mà NATO mang tới chắc chắn là thuốc độc chứ không phải là thuốc tốt đối với Hàn Quốc đang theo đuổi một môi trường bên ngoài an toàn và ổn định. Ngày nay, ý định của NATO muốn chấm mút xà xẻo vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được nhiều người biết đến, nhưng việc từ chối “uống rượu độc để làm dịu cơn khát” sẽ thử thách trí tuệ chính trị của Seoul.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới