Khí cầu do thám từng được sử dụng rộng rãi trong thế chiến thứ hai. Khí cầu có nhiều lợi thế hơn so với vệ tinh vì chúng rẻ hơn rất nhiều so với việc phóng vệ tinh vào không gian. Hơn nữa, do hoạt động gần mặt đất hơn nên chúng có thể thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn.
Với công nghệ hiện nay, khí cầu có thể bay cao hơn tầm hoạt động của hầu hết các loại máy bay. Khí cầu di chuyển nương theo chiều gió trên cao với tốc độ chậm, nên các hệ thống radar dưới mặt đất rất khó phát hiện. Khí cầu cũng có khả năng cơ động linh hoạt hơn so với vệ tinh. Quỹ đạo của vệ tinh hoàn toàn có thể dự đoán được, còn đường bay của khí cầu rất khó đoán định.
Sau thời kỳ bùng nổ của vệ tinh quân sự, quân đội các nước gần đây bắt đầu chú ý trở lại với khí cầu do thám. Trên thực tế, việc các nước sử dụng khí cầu để thực hiện hoạt động do thám không hiếm. Quân đội Mỹ và Anh hồi tháng 10 năm 2022 cũng đã thông báo thử nghiệm thành công loại khí cầu triển khai nhanh có thể hoạt động ở độ cao lớn để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.
Khi quan hệ Mỹ – Trung dần trở lên căng thẳng, Mỹ với sự vượt trội về công nghệ, trong nhiều năm đã điều máy bay do thám và có thể có cả khí cầu hoạt động dọc theo bờ biển Trung Quốc và đôi khi bay qua không phận để giám sát, trong khi Trung Quốc không thể phản ứng gì nhiều.
Gần đây, Trung Quốc gia tăng các vệ tinh làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong đó có cả vệ tinh do thám. Và, với lợi ích của khí cầu chắc chắn trong nhiều năm qua với công nghệ tiên tiến Trung Quốc đã nghiên cứu thành công và sử dụng khí cầu một cách hiệu quả. Nhiều nhà nghiên cứu trong đó có ông Steve Tsang, Giám đốc Học viện Trung Quốc tại Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London, Anh đã nhận định: “Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng triển khai thứ gì đó trên không trung để giám sát các căn cứ quân sự Mỹ”.
Tuần trước, Lầu Năm Góc, Mỹ đã thông báo một “khí cầu do thám Trung Quốc đã hoạt động suốt nhiều ngày trong không phận nước này”. Tiếp đó Mỹ lại phát hiện thêm khí cầu thứ hai của Trung Quốc. Sau khi bị phát hiện Trung Quốc đã tuyên bố đây là thiết bị dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng và nó bay lạc vào không phận Mỹ. Tuy nhiên, đến ngày 4 tháng 2 Mỹ đã điều tiêm kích F-22 phóng tên lửa bắn hạ khí cầu.
Sự kiện này đã làm cho quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng và dư luận Mỹ xôn xao, tranh luận nhiều về sự chậm trễ của Mỹ trong việc xử lý vụ việc.
H.B