Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhilippines và Nhật Bản gia tăng hợp tác an ninh biển nhằm...

Philippines và Nhật Bản gia tăng hợp tác an ninh biển nhằm ứng phó với thách thức từ TQ

Từ 8-13/2/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã công du Nhật Bản nhằm tìm kiếm sự cân bằng chiến lược sau khi thăm Trung Quốc đầu tháng 1/2023.

Trong 6 năm dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người vốn có lập trường thân Bắc Kinh, quan hệ giữa Philippines với Mỹ xảy ra nhiều trục trặc và quan hệ giữa Philippines-Nhật Bản cũng không mấy sáng sủa. Từ khi Tổng thống Marcos Jr. lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của chính quyền Manila đã chuyển sang trang mới. Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy Tokyo và Manila đang xích lại gần nhau. Những thỏa thuật đạt được giữa Manila và Tokyo trong chuyến thăm vừa qua của ông Marcos là dấu hiệu rõ rệt nhất thể hiện tầm quan trọng của Tokyo đối với Manila trong cả phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo quốc gia dưới thời của tân Tổng thống Marcos Jr.

Tại cuộc hội đàm ngày 9/2 giữa Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Marcos Jr., lãnh đạo 2 nước đã đạt được một số kết quả cụ thể: Tokyo cam kết viện trợ 600 tỷ Yen (tương đương hơn 4,5 tỷ USD) cho Manila trong 2 năm, tiếp tục đẩy mạnh đối thoại song phương về quốc phòng và ngoại giao, đẩy nhanh tốc độ đàm phán Hiệp định Tiếp cận tương hỗ (RAA), cho phép triển khai quân trên lãnh thổ của nhau trong các chương trình tập luyện… Tổng thống Philippines còn nói thêm việc ký kết một Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Nhật Bản để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines “đáng được suy nghĩ kỹ lưỡng”.

Thỏa thuận quốc phòng được nhà lãnh đạo Philippines Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ký kết sẽ cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận ứng phó với thiên tai và hỗ trợ nhân đạo ở Philippines. Đây được coi là một bước tiến tới hợp tác quân sự quy mô hơn và có thể mở đường cho thỏa thuận tương tự giữa Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á khác. Tokyo có những hiệp ước tương đương với Australia và Anh, đồng thời cũng là nơi tập trung lực lượng lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Philippines có thể giúp Manila chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phần lớn, chồng lấn cả các yêu sách lãnh thổ của Manila.

Theo Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm, 2 nhà lãnh đạo đã “quyết tâm” tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia và củng cố hợp tác an ninh tổng thể thông qua các chuyến thăm viếng, chuyển giao thêm thiết bị và công nghệ quốc phòng. Tuyên bố cũng nhắc đến kế hoạch Nhật Bản chuyển giao các hệ thống radar giám sát trên không cho Philippines và cung cấp chương trình đào tạo liên quan. Nhật Bản cũng đã đồng ý cung cấp một gói viện trợ quốc phòng mới và các hình thức khác của các chương trình chuyển giao thiết bị quốc phòng như tàu tuần tra dài 97 mét do Nhật Bản sản xuất và các khí tài quân sự để có thể giúp nâng cao khả năng an ninh hàng hải của Philippines trong tương quan với Trung Quốc. Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ phát triển một căn cứ hậu cần của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, vốn “có thể đóng vai trò là nơi đặt và lắp đặt hệ thống liên lạc vệ tinh trên các tàu tuần tra”.

Giới phân tích nhận định những kết quả đạt được trong hợp tác quốc phòng và an ninh trên biển giữa Tokyo và Manila lần này là sự tiếp nối những kết quả  cuộc đối thoại an ninh 2+2 đầu tiên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước được tổ chức trong năm 2022, theo đó các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, Tổng thống Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao Ngoại giao và Quốc phòng 2+2 và Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng và Đối thoại Chính trị-Quân sự giữa Tokyo và Manila.

Mặc dù không nhắc đích danh Trung Quốc, song Tuyên bố chung Nhật Bản-Philippines nhấn mạnh lãnh đạo 2 nước “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, phản đối mạnh mẽ các hành động vũ lực hoặc cưỡng ép có thể làm gia tăng căng thẳng”. Thủ tướng Kishida và Tổng thống Marcos cũng nhất trí tăng cường an ninh mạng và an ninh kinh tế, xác nhận Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trong việc củng cố năng lực, bao gồm cả kế hoạch cải thiện các cơ sở cảng tại Vịnh Subic, căn cứ hải quân cũ của Mỹ.

Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản và Philippines là “hai nước láng giềng có biển bao quanh, là hai đối tác chiến lược cùng chia sẻ một số giá trị”, ngụ ý cả hai cùng là những nền dân chủ và cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ. Về phía Philippines, Tổng thống Marcos Jr. ghi nhận quan hệ đối tác song phương “mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi mà đôi bên cùng hội cùng thuyền”. Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trong thông cáo chung, lãnh đạo hai nước cùng bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông”, Tokyo và Manila mạnh mẽ chống lại “mọi hành vi sử dụng sức mạnh hay mang tính hù dọa làm dấy lên căng thẳng” tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vậy điều gì đã gắn kết quan hệ giữa Philippines với Nhật Bản? Giới phân tích đều cho rằng những điểm tương đồng, nhất là những lợi ích chung nhằm đối phó với đối tượng chung trở thành chất keo gắn kết quan hệ giữa hai nước, thậm chí có ý kiến còn cho rằng Nhật Bản và Philippines là các đồng minh tự nhiên trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực ngày càng gia tăng.

Một là, cả Nhật Bản và Philippines là hai quốc gia duyên hải, được bao bọc tứ phía bởi đại dương do vậy vấn đề phòng thủ trên biển chiếm một vai trò quan trọng trong chính sách an ninh của hai nước. Philippines hồi tháng 1 vừa qua đã đề nghị Tokyo hỗ trợ để trang bị thêm 5 tàu tuần tra loại lớn, bổ sung cho đội tàu 12 chiếc hiện nay, tăng cường khả năng phòng thủ cho các lượng lực tuần duyên Philippines ở Biển Đông.

Hai là, mỗi bên là đối tượng tranh chấp về lãnh thổ, vùng biển của Trung Quốc: Đối với Nhật Bản là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng biển Hoa Đông nơi Trung Quốc thường xuyên cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku đang do Nhật Bản quản lý. Còn về phía Philippines, Trung Quốc duy trì hàng ngày tàu hải cảnh, tàu dân binh, tàu cá tại vùng biển xung quanh các cấu trúc mà Philippines quản lý. Bên cạnh đó, Phippines luôn bị Trung Quốc o ép, cản trở các hoạt động bình thường trên biển. Cả Nhật Bản và Philippines đều đang cùng phải đối phó với những thách thức từ chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc.

Ba là Nhật Bản nằm sát ngay phía Bắc Đài Loan qua eo biển Miyako; Philippines nằm kề bên Đài Loan ở phía Nam qua eo biển Ba Sĩ cả 2 đều nằm án ngữ con đường hàng hải từ eo biển Đài Loan tiến ra Thái Bình Dương. Đây là 2 cửa ngõ chiến lược tàu chiến của Trung Quốc vươn ra Tây Thái Bình Dương. Đài Loan, nằm giữa Nhật Bản và Philippines, thời gian gần đây đã trở thành tâm điểm của các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả Manila lẫn Tokyo cùng rất quan ngại về tình hình ngày càng nóng lên ở eo biển Đài Loan bởi nếu Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan, chiến tranh nổ ra sẽ tác động trực tiếp tới an ninh của Nhật Bản và Philippines.

Bốn là, cả Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ ở khu vực, cùng là những mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Điều này khiến Tokyo và Manila dễ dàng đối thoại và xích lại gần nhau. Mặt khác, cả Philippines và Nhật Bản đều cố gắng tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Tuy trông cậy nhiều vào Mỹ về mặt an ninh, nhưng về ngoại giao, cả Nhật Bản lẫn Philippines cùng khéo léo tìm một thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Đơn giản bởi vì Trung Quốc là một đối tác kinh tế và thương mại quá lớn của cả Tokyo lẫn Manila.

Năm là, chính mục tiêu tìm thế đứng cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington là động lực thôi thúc Manila và Tolyo xích lại gần nhau hơn. Sau những diễn biến trong quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Marcos lên cầm quyền, giới chuyên gia nhận định Tổng thống Marcos có xu hướng “ngả” về phía Mỹ nhưng không quá đáng như cố Tổng thống Benigno Aquino. Đương kim Tổng thống Philippines cũng không quá thân thiện với Trung Quốc như người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Lập trường này cho thấy Manila “có cùng một tần sóng” với Tokyo.

Những điểm tương đồng kể trên chính là chất keo kết dính khiến mối quan giữa Manila và Tokyo ngày càng trở nên bền vững bởi trên nguyên tắc cả hai bên đều cần đến nhau trong một môi trường khu vực hết sức phức tạp hiện nay. Sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở Philippines là yếu tố quan trọng có thể giúp Marcos chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong các hành động bắt nạt, cưỡng chế, xâm lấn nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông, tạo ra những thách thức lớn chưa từng có đối với chính quyền Manila. Do vậy, việc Tổng thống Marcos tìm cách gia tăng hợp tác quân sự và an ninh trên biển với Nhật Bản là bước đi đúng đắn và là sự lựa chọn phù hợp nhằm thực hiện điều mà chính ông Marcos đã từng tuyên bố “sẽ không để mất một tấc lãnh thổ nào” và “sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình theo hiến pháp và luật pháp quốc tế”.

Việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trên biển giữa Philippines và Nhật Bản không chỉ có lợi cho riêng Manila và Tokyo mà còn tác động tích cực đến cục diện Biển Đông nói chung bởi Nhật Bản có quan hệ tốt với các nước ven Biển Đông khác và cả khối ASEAN. Quan điểm của Nhật Bản về các vấn đề liên quan ở Biển Đông là rõ ràng, năm 2021, Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và bày tỏ lập trường chính thức của Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Tokyo luôn nhận thức rõ ràng rằng việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, thôn tính Biển Đông cũng là một biện pháp quan trọng gián tiếp ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Chính quyền Tokyo và giới chuyên gia Nhật Bản cùng chia sẻ chung một quan điểm là cần thắt chặt quan hệ an ninh với các quốc gia “có cùng mối bận tâm Trung Quốc”. Điều này chính là động lực thôi thúc Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines. Việc Nhật Bản thắt chặt quan hệ quốc phòng và an ninh biển với Philippines có thể trở thành nền tảng để Tokyo đẩy mạnh quan hệ hợp tác biển với các nước ven Biển Đông khác và cả khối ASEAN. Đây là điều tốt đối với cục diện Biển Đông nói chung và với các nước ven Biển Đông nói riêng trước những thách thức ngày càng lớn từ sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung trên Biển Đông và trong khu vực ngày càng gay gắt, việc Nhật Bản can dự ngày càng nhiều vào Biển Đông là điều quan trọng đối với an ninh khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới