Bắc Kinh vừa có phản ứng mới về vụ việc chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc.
Trong tuyên bố hôm nay 6.2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng quyết định của Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Bắc Kinh tuyên bố là bay lạc vào không phận Mỹ, đã “tác động nghiêm trọng và gây tổn hại” đến quan hệ song phương, theo AFP.
“Các hành động của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng và làm tổn hại đến những nỗ lực và tiến bộ của cả hai bên trong việc ổn định quan hệ Trung-Mỹ kể từ cuộc gặp ở Bali”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nêu trong khiếu nại với Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh về vụ việc khinh khí cầu bị bắn, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Tạ đề cập đến hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bali, Indonesia trong tháng 11.2022.
Cũng theo tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh “đang chú ý đến các diễn biến của tình hình” và “bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa”.
Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối
Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 4.2 cho hay khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc đã bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina vào chiều cùng ngày (theo giờ Mỹ).
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5.2 bày tỏ sự không hài lòng về việc Mỹ dùng vũ lực tấn công khinh khí cầu, đồng thời cáo buộc Washington “rõ ràng phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”, theo Reuters.
Trung Quốc khẳng định đó là một khinh khí cầu thời tiết bị lệch hướng, nhưng giới chức Mỹ cho rằng lời giải thích này “thiếu bất cứ mọi yếu tố đáng tin cậy”.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc ngày 4.2 đã mô tả khinh khí cầu bị bắn hạ là một “khí cầu giám sát tầm cao”, nói rằng Washington đã thực hiện các bước để ngăn chặn khinh khí cầu thu thập thông tin nhạy cảm.
Khí cầu gián điệp – vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
Sau khi khinh khí cầu bị bắn rơi, trang News.com.au dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có cả “phi đội” khinh khí cầu do thám trước đó từng được phát hiện ở châu Mỹ La tinh, châu Âu và châu Á.