Một tháng sau thống nhất lập kênh liên lạc ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, Philippines nối lại tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ.
Việc thống nhất lập kênh liên lạc trực tiếp giữa bộ ngoại giao hai nước để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông được đưa vào Tuyên bố chung nhân dịp tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2023. Có thể coi đây là nỗ lực của cả hai bên nhằm làm ấm trở lại quan hệ ngoại giao có chiều giá lạnh cuối nhiệm kỳ của tổng thống Duterte.
Liên quan sự kiện này, không ít người cho rằng, chẳng phải Bắc Kinh “đắc lợi”, ngược lại, Manila mới là cao thủ.
Người cho là Bắc Kinh “đắc lợi” dựa trên đánh giá có phần thiếu lạc quan vào quan hệ Philippines với Mỹ. Mỹ là đồng minh với Philippines trong khu vực Đông Nam Á. Với Bắc Kinh, Washington chưa hẳn là “kẻ thù” nhưng đã là “đối thủ” do những đố kỵ ganh ghét trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Chính thế, hơn ai hết, Mỹ luôn muốn các quốc gia ASEAN ngày một xích lại gần mình, vì điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ bị cô lập. Cố công, cố của nhiều, nhưng, dường như với Mỹ, Philippines vẫn chưa mấy mặn mà.
Trong bối cảnh đó, việc đạt được thống nhất lập kênh liên lạc trực tiếp ngoại giao với Philippines để trao đổi về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh coi như một dấu hiệu cho thấy họ có thể thành công trong việc kéo Manila về phía mình trong thời của tổng thống Marcos Jr. Thậm chí, thâm tâm, Trung Nam Hải còn mơ tưởng tới việc dần dần tác động, cảm hóa để ông Marcos Jr dứt tình với Mỹ “về” với Trung Quốc hoàn toàn để đổi lấy những khoản viện trợ khổng lồ như Trung Quốc hứa hẹn với ông Duterte, nhưng lại khiến ông này thất vọng vì chỉ là viện trợ “trên giấy”.
Người cho là Manila là bậc “cao thủ” căn cứ vào những bước đi dích dắc, khó lường của Philippines trên bàn cờ ngoại giao. Hơn ai hết, Manila biết mình là “quân cờ” đang được giá, một quân cờ được cả Bắc Kinh lẫn Washington cùng thèm muốn, nhất là vào thời điểm này.
Sau những thời điểm “chán” Mỹ, chán tới mức định hủy cả Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) để quay sang vồ vập Bắc Kinh, để rồi còn “chán hơn”, Manila chơi trò ngoại giao “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trò chơi ngoại giao nhiều may rủi này như có càng có cơ hội hiện thực hóa với chiến thắng của ông Marcos Jr trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 vừa qua. Ông Marcos Jr, trước đó, trong vận động tranh cử từng nêu quan điểm sẽ theo đuổi đường hướng đối ngoại “thân Trung Quốc” của người tiền nhiệm Duterte.
Ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ông Marcos Jr tỏ ra là người “nói thật làm thật”. Ông chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến công du hàm ý thể hiện rằng, Bắc Kinh được ông coi trọng bậc nhất.
Mặc dù trước chuyến thăm, liên tục các sự kiện, vụ việc trên Biển Đông khiến quan hệ song phương hai nước căng thẳng, nhưng tỏ ra là một nhà lãnh đạo chín chắn, ông Marcos đã biết kiềm chế để không có các hành động thiển cận kiểu như “hoãn” chuyến công du tới Bắc Kinh như cách hành xử đầy manh động của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay “lạc” vào không phận Mỹ vừa qua.
Ngược lại, cùng với cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông Marcos khẳng định không để vấn đề hàng hải làm ảnh hưởng tới toàn bộ quan hệ với Trung Quốc, vẫn tới Bắc Kinh trong một tâm thế hồ hởi, hào hứng hết mực với kết quả đàm phán thống nhất lập kênh liên lạc ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc… – một thái độ khiến Trung Quốc như cảm thấy mình có được “niềm tin chính trị” từ Manila.
Đúng một tháng sau, vào ngày 3/2 vừa qua, tin tức rò ra từ một thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Trong chuyến thăm Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez “đồng ý nối lại hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông để xử lý những thách thức an ninh”. Đồng thời, thông cáo cũng cho biết: Philippines cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở “các vị trí chiến lược” của nước này.
Thực tế phũ phàng trên cho thấy, hóa ra, Trung Quốc mừng vội. Hay nói cách khác, sự hăm hở và thịnh tình dành cho Bắc Kinh chỉ là “thuật toán” của Manila trong bài toán ngoại giao chiến lược. Còn trong thực tế, họ vẫn đề phòng “những thách thức an ninh” – một cách nói tránh đi những đe dọa chủ quyền Trung Quốc gây ra.
Cũng phải thôi, những gì trải nghiệm đã dạy cho Philippines rằng: làm bạn với Trung Quốc ví như chơi dao. Không cẩn thận và đề phòng, có ngày chảy máu.
T.V