Tên lửa siêu vượt âm mới trên biển, trên không và trên đất liền của Trung Quốc đang được xem là mũi đinh ba đáng gờm chống lại lực lượng Mỹ.
Tên lửa chống hạm siêu vượt âm YJ-21 lần đầu tiên được thấy vào tháng 4-2022 trong vụ phóng thử từ tàu tuần dương Type 055.
Báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin Quân đội Giải phóng nhân dân – Lực lượng Hỗ trợ chiến lược (PLA-SSF) đã đăng bài viết trên mạng xã hội Weibo, trong đó tuyên bố tên lửa YJ-21 có thể di chuyển với tốc độ Mach 10, tương đương 3.400m/s.
PLA-SSF cũng tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ trên bất kỳ con tàu nào cũng không thể đánh chặn tên lửa ở tốc độ đó và ngay cả khi tên lửa không nổ, động năng cực lớn của nó cũng có thể phá hủy mục tiêu.
PLA-SSF nói thêm, sự ra đời của tên lửa YJ-21 đánh dấu sự phát triển đáng kể trong khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc.
Theo báo Asia Times, việc PLA-SSF tiết lộ thông tin về YJ-21 có thể là lời cảnh báo có chủ ý đối với Mỹ và các đồng minh Mỹ sau chuyến thăm đầy tranh cãi tới Đài Loan của cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào tháng 8-2022.Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến Đài Loan
Việc ra mắt phiên bản xuất khẩu của YJ-21 tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm ngoái, có tên YJ-21E, cho thấy phiên bản nội địa YJ-21 không còn là mẫu tiên tiến nhất mà nước này sở hữu và Bắc Kinh có thể có nhiều tên lửa tối tân hơn.
Bài báo của SCMP lưu ý rằng việc PLA-SSF công bố thông tin YJ-21 dựa vào hướng dẫn từ vệ tinh do PLA-SSF cung cấp để bắn trúng mục tiêu có ngụ ý rằng YJ-21 là vũ khí chiến lược chống lại các tàu sân bay Mỹ. Tàu sân bay là khí tài quan trọng trong việc triển khai lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong khi đó, việc tích hợp YJ-21 trên tàu tuần dương Type 055 khiến con tàu trở thành một trong những tàu chiến được trang bị vũ khí mạnh nhất trên thế giới.
Theo sĩ quan Mỹ Brent East Wood, tàu tuần dương Type 055, tàu khu trục Type 052D và tàu khu trục thế hệ tiếp theo sẽ sớm triển khai cùng các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc, hoạt động ở biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Ở cấp độ chiến lược, vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc phù hợp với khái niệm răn đe bằng vũ khí thông thường mà nước này đang chú trọng, nhằm ngăn Mỹ và đồng minh can thiệp vào Đài Loan.
Trong sách Các khái niệm răn đe chiến lược của Trung Quốc phát hành năm 2016, hai tác giả Michael Chase và Arthur Chan cho rằng Bắc Kinh coi vũ khí thông thường có thể áp dụng linh hoạt hơn vũ khí hạt nhân và không chịu sự ràng buộc chính trị.
Kịch bản ở Đài Loan
Trong bài báo đăng tháng 1-2022 trên tờ China-US Focus, tác giả Richard Weitz vạch ra 5 kịch bản ở Đài Loan, gồm 4 kịch bản dùng vũ lực và kịch bản cuối cùng là tránh xung đột hoàn toàn thông qua minh bạch và xây dựng lòng tin.
Trong 4 kịch bản dùng vũ lực, các loại vũ khí thông thường như vũ khí siêu vượt âm sẽ đóng vai trò quan trọng, từ việc chiếm Đài Loan hoàn toàn cho đến truyền đạt thông điệp đe dọa để ngăn Mỹ can thiệp.
Bên cạnh việc trang bị YJ-21 trên các tàu tuần dương Type 055, các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc có thể mang biến thể khác của loại tên lửa này.
Nhà phân tích quốc phòng H I Sutton trước đây đã ghi nhận biến thể của YJ-21 được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6 của quân đội Trung Quốc.
Lầu Năm Góc bị chê vì sản xuất vũ khí siêu vượt âm quá chậm, thua xa Nga, Trung Quốc
Theo báo Asia Times, tên lửa chống hạm siêu vượt âm YJ-21 có phiên bản phóng từ trên không, sẽ giúp cải thiện khả năng tấn công của Trung Quốc nhằm vào các căn cứ và tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu tên lửa DF-17, được đưa vào biên chế năm 2019. DF-17 có tầm bắn từ 1.800 – 2.500km, có khả năng cơ động cực cao và có thể đạt tốc độ Mach 5.
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đưa tin rằng DF-17 nằm trong số các tên lửa mà Trung Quốc đã bắn nhằm phô trương lực lượng để phản đối chuyến thăm của bà Pelosi vào năm ngoái.
Những vụ phóng như vậy được cho là nhằm chứng tỏ Trung Quốc có thể “bao vây” Đài Loan một cách hiệu quả bằng các cuộc tấn công tầm xa chính xác, cùng với việc dùng tàu chiến và tàu ngầm phong tỏa khu vực.