Một nhà báo Mỹ cho rằng, Ukraine thất bại trước Nga là điều tất yếu, không loại vũ khí thần kỳ nào của phương Tây có thể cứu được nước này.
Mới đây, nhà báo Mỹ Christopher Roach bày tỏ quan điểm trong bài báo viết cho tờ The American Greatness rằng, Quân đội Ukraine đang trên bờ vực thẳm thất bại và không có loại “vũ khí kỳ diệu” nào của phương Tây có thể cứu được nước này.
Ông Christopher Roach cũng nêu một số nguyên nhân dẫn đến nhận định này, mà đầu tiên là chỉ ra những điểm tương đồng giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay với các sự kiện trong Thế chiến thứ hai, khi Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức.
Theo ông, bất lợi chính của Đức là thiếu dân số và sức mạnh kinh tế so với sức mạnh tổng hợp và quy mô của các đế chế Anh, Mỹ và sự hùng mạnh của Liên bang Xô viết với khẩu hiệu “tất cả huy động cho tiền tuyến” và một nền kinh tế Nhà nước tập trung, kế hoạch hóa.
Theo ý kiến của ông, tình hình ở Ukraine tương tự như tình hình mà Đức từng phải đối mặt trong Thế chiến 2, vào năm 1944.
Khi đó, xe tăng của Đồng minh gồm T-34 của Liên Xô và M4 Sherman của Mỹ, có pháo chính yếu hơn, lớp giáp bảo vệ kém hơn và các đặc tính kỹ thuật thấp hơn so với Tiger và Panther của Đức. Tuy nhiên, sự vượt trội về kỹ thuật đã không cứu chế độ Đức quốc xã khỏi thất bại.
Nói về tình hình hiện tại, Roach lưu ý rằng, nền kinh tế Nga không thể bị sụp đổ bởi các biện pháp trừng phạt ở quy mô chưa từng có, sức mạnh công nghiệp của đất nước này hóa ra cao hơn so với tập thể phương Tây; trong khi đó, nền kinh tế Ukraine gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Đáng ngạc nhiên là Nga không chỉ có thể sản xuất nhiều vũ khí hơn Ukraine, mà ít nhất là ở giai đoạn này, còn có thể sản xuất nhiều vũ khí và đạn dược hơn toàn bộ phương Tây.
Phải thừa nhận sức mạnh ghê gớm của nền công nghiệp quốc phòng Nga, vượt trội so với ngành công nghiệp quân sự phương Tây, vừa không có khả năng cả về tăng tốc độ lẫn khối lượng sản xuất.
Ông cũng chỉ rõ rằng, việc tăng cường sức mạnh cho Ukraine bằng vũ khí phương Tây sẽ không thay đổi cục diện cuộc đối đầu.
Đối với lục quân, các xe tăng hiện đại được hứa hẹn cung cấp rất phức tạp, đòi hỏi phải bảo trì cẩn thận và cũng như công tác huấn luyện lâu dài cho kíp lái.
Hơn nữa, phương Tây cũng chỉ có thể cung cấp một số lượng nhỏ xe tăng khoảng vài trăm chiếc, không đủ xoay chuyển cục diện.
Hiện chưa có nước nào cam kết chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine bởi mỗi chiếc có giá tới vài chục đến hàng trăm triệu USD, chưa kể những phí tổn về tên lửa, đạn dược; công tác huấn luyện đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật; các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng….
Ngay cả khi những vũ khí này đều được cung cấp thì cũng phải tới nửa năm sau và có lẽ lúc đó đã là quá muộn, bởi Nga đã đạt được mục tiêu của mình là đánh chiếm trọn Donetsk, giải phóng toàn bộ Donbass và tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cũng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, bài báo của tác giả Aaron Blake trên tờ The Washington Post (WP) của Mỹ hôm 07/2 tiết lộ rằng, giới chính khách ở Washington cũng không tin vào thắng lợi của Kiev trước Moscow, ngày càng có nhiều ý kiến đòi Ukraine phải ngừng bắn, chấp nhận mất các phần lãnh thổ hiện đang nằm trong tay Nga.
WP dẫn thông tin từ một cuộc thăm dò của Viện Gallup cho biết, số lượng các đảng viên Đảng Cộng hòa Mỹ ủng hộ việc trao một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga để chấm dứt xung đột, đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, có khoảng một nửa số đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ quyết định này.
Tương đồng với đó, hơn một nửa thành viên Đảng Cộng hòa cũng tin rằng Washington đang “làm quá nhiều” cho chính quyền Zelensky và đòi hỏi chính phủ của ông Joe Biden phải ngừng tài trợ cho quân đội Ukraine và rút lui khỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine.
T.P