Lãnh đạo NATO cùng Mỹ bày tỏ quan ngại về hoạt động của khí cầu Trung Quốc, cho rằng các thành viên liên minh cần tăng cường cảnh giác.
“Khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ thể hiện mô hình hoạt động của nước này, điều mà chúng ta đã thấy trong những năm qua là họ đầu tư rất lớn vào các năng lực quân sự mới”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 8/2 phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo NATO bày tỏ sự ủng hộ với Mỹ sau khi Lầu Năm Góc ra lệnh bắn hạ “khí cầu do thám” Trung Quốc hoạt động nhiều ngày trên không phận. Các nước châu Âu trước đó phản ứng thận trọng với sự kiện và không lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.
Stoltenberg cho rằng sự kiện khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ cho thấy các thành viên của liên minh “phải tự bảo vệ mình”. “Chúng tôi cũng nhận thấy hoạt động tình báo của Trung Quốc gia tăng tại châu Âu. Họ sử dụng vệ tinh, tác chiến không gian mạng và khí cầu, như những gì đã xảy ra ở Mỹ. Do đó, chúng tôi cần phải cảnh giác”, Tổng thư ký NATO nói.
Ngoại trưởng Blinken cho hay Mỹ đã thu thập, đánh giá những mảnh khí cầu thu thập được trên biển và chia sẻ thông tin với hàng chục quốc gia trên thế giới.
“Chúng tôi làm vậy bởi Mỹ không phải mục tiêu duy nhất của chương trình với quy mô rộng lớn này”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ngày 8/2, đồng thời cáo buộc hoạt động của khí cầu Trung Quốc “vi phạm chủ quyền các quốc gia tại 5 châu lục”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cùng ngày nhận định khí cầu bị bắn hạ là một phần của “phi đội khí cầu” Trung Quốc và cho biết các phương tiện tương tự xuất hiện trên khắp thế giới trong vài năm qua.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin mà các quan chức Mỹ và NATO đưa ra.
Lầu Năm Góc tuần trước thông báo không quân Mỹ theo dõi một khí cầu Trung Quốc trên không phận trong nhiều ngày. Trung Quốc sau đó cho biết đây là khí cầu phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học dân sự khác, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc do phương tiện đi lạc vào không phận Mỹ.
Mỹ ngày 4/2 điều tiêm kích F-22 bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên khu vực bờ biển ngoài khơi bang Nam Carolina, đồng thời thông báo không trả lại mảnh vỡ. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố khí cầu không thuộc về Mỹ, đồng thời cho rằng Washington “đáng lẽ phải xử lý sự việc như vậy một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và ôn hòa, nhưng họ phản ứng thái quá khi khăng khăng dùng vũ lực”.