Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ bằng tên lửa?

Lý do Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ bằng tên lửa?

Việc không quân Mỹ điều động tiêm kích tàng hình F-22 và sử dụng tên lửa AIM-9X bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc tạo ra nhiều tranh cãi ở nước này.

Theo Tech ARP, phần lớn dư luận đều không hiểu rõ vì sao phải dùng tên lửa trị giá gần 400.000 USD để bắn hạ một khinh khí cầu giá rẻ. Tuy nhiên, hành động của không quân Mỹ vào thời điểm đó đều có lý do thích đáng.

Trong nhiệm vụ bắn hạ khinh khí cầu bị nghi là phương tiện do thám của Trung Quốc ngoài khơi bang Nam Carolina (4/2), không quân Mỹ đã điều động đến 5 máy bay gồm 2 chiếc tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, 2 chiếc F-15 và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Sau khi xác định tình huống, hai chiếc F-22 mang tên mã “FRANK01” và “FRANK02” nhận được lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, FRANK01 là máy bay đã phóng tên lửa đi.
Các chuyên gia nhận định việc không quân Mỹ lựa chọn F-22 cho nhiệm vụ này xuất phát từ việc khinh khí cầu Trung Quốc đang hoạt động ở độ cao rất cao – khoảng 20.000 m, và tiêm kích tàng hình này có khả năng bay ở độ cao lớn như vậy và vẫn có thể sử dụng tên lửa trong mọi tình huống.

Nhiều máy bay chiến đấu phản lực có trần bay tối đa tương đương nhưng trần bay thực sự của chúng thường thấp hơn nhiều, ngoài ra chúng còn bị giới hạn bởi vũ khí và số nhiên liệu chúng có thể mang theo.

Không mất quá nhiều thời gian, chiếc F-22 Raptor với số hiệu FRANK01 đã đạt được độ cao hơn 17.700 m trước khi bắn tên lửa AIM-9X Sidewinder vào khinh khí cầu Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên F-22 bắn hạ mục tiêu trong một nhiệm vụ không đối không.

Trong khi một số ý kiến chế giễu việc sử dụng loại tên lửa đắt tiền như vậy để bắn hạ khinh khí cầu, thì AIM-9X lại là tên lửa không đối không nhỏ nhất và rẻ nhất trong kho vũ khí của không quân Mỹ.

Mặt khác phi công F-22 cũng không thể sử dụng pháo đa nòng 20 mm M61A2 Vulcan để bắn hạ khinh khí cầu khi máy bay hoạt động ở trần bay thấp hơn so với mục tiêu (cách nhau hơn 2.000 m). Mặt khác, M61A2 Vulcan có tầm bắn hiệu quả chỉ 600 m. Vì vậy, sử dụng tên lửa là phương án phù hợp nhất để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.

Dù vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn hứng chịu chỉ trích về việc sử dụng F-22 để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, ngoài các nhà lập pháp nước này còn cho rằng ông Biden đã xem nhẹ nguy cơ từ khinh khí cầu Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Đáp lại ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Biden trong một cuộc họp báo cho biết khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ không phải là một vụ vi phạm nghiêm trọng.

Ông cũng không hối tiếc về việc đã không ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu sớm hơn bởi quân đội Mỹ lo ngại điều này sẽ khiến các mảnh vỡ của khinh khí cầu rơi xuống khu dân cư.

Tuyên bố của ông Biden đi ngược lại với quan điểm của Hạ viện Mỹ. Với 419 phiếu thuận và không có phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 9/2 đã nhất trí ủng hộ một nghị quyết phản đối việc khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định là khinh khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Trong tuyên bố ngày 5/2 sau khi xảy ra vụ bắn hạ, Bộ trên khẳng định việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn.

Hiện nay, khinh khí cầu thời tiết được sử dụng khá phổ biến, hàng nghìn quả được thả trên không mỗi ngày trên thế giới để thu thập thông tin khí tượng.

Tuy nhiên, khinh khí cầu thời tiết thường không lớn, đường kính của chúng chỉ từ 1,8 m đến 6 m tùy vào độ cao hoạt động. Tải trọng của chúng cũng nhỏ, bao gồm một hộp thiết bị với một vài cảm biến.

Khinh khí cầu của Trung Quốc vừa bị Mỹ bắn hạ không chỉ lớn hơn nhiều về đường kính (khoảng 27 m) mà còn có thể mang theo số lượng lớn thiết bị bao gồm cả pin năng lượng mặt trời và động cơ cánh quạt đề điều hướng.

RELATED ARTICLES

Tin mới