Tập Cận Bình tuyên truyền về cái gọi là “mô hình hoàn toàn mới của nền văn minh nhân loại”, trong khi Biden cân nhắc về vấn đề “ai sẽ thay thế Tập Cận Bình”. Chuyên gia nhận định giọng điệu từ hai bên đều chỉ ra “dấu hiệu rõ ràng của một cuộc Chiến tranh Lạnh”.
Trong hai bài phát biểu quan trọng trong vòng một ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã tìm cách giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ khi căng thẳng giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới gia tăng trên nhiều mặt, từ hệ tư tưởng đến địa chính trị. Trong một bài phát biểu hiếm hoi và rõ ràng về việc ca ngợi mô hình quản trị của Trung Quốc so với các hệ thống của phương Tây, Tập Cận Bình đã lập luận hôm 7/2 rằng Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm “hiện đại hóa có nghĩa là phương Tây hóa” và ca ngợi mô hình của Trung Quốc là mô hình mà các nước đang phát triển nên noi theo. Phát biểu trước các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quan chức chính phủ tại một buổi học tập nghị quyết Đại hội XX, Tập Cận Bình nhấn mạnh con đường của Trung Quốc “cho thấy một mô hình hiện đại hóa mới và khác biệt với mô hình phương Tây” – cái mà Tập Cận Bình gọi là “mô hình mới của nền văn minh nhân loại”. Một tháng trước phiên họp lập pháp thường niên đưa ra các nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ trong 5 năm tới, Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa trong nhiều thập kỷ mà các nước phương Tây phát triển đã mất hàng trăm năm”.
Vài giờ sau, Biden đã nhắc đến Trung Quốc 5 lần trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang khi ông kêu gọi sự đoàn kết giữa các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Trong phần mở đầu bài nói dài 73 phút – tạo tiền đề cho cuộc đua sắp tới vào Nhà Trắng, Biden nói: “Ngày nay, chúng ta đang ở vị trí mạnh nhất trong nhiều thập kỷ để cạnh tranh với Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác trên thế giới. Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ đoàn kết tất cả chúng ta”. Biden lập luận rằng các nền dân chủ đã mạnh lên và các chế độ chuyên quyền đã suy yếu, từ đó đã yêu cầu mọi người “gọi tên một nhà lãnh đạo thế giới sẽ thay thế vị trí của Tập Cận Bình”.
Trong một ám chỉ gián tiếp về vụ khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn rơi trong không phận Mỹ, Biden cũng cam kết bảo vệ chủ quyền của Mỹ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông nói: “Nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình. Và chúng tôi đã làm điều đó”.
Các bài phát biểu tiếp nối một cách liên tục, với lời lẽ nghiêm khắc của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt trận và rất ít hy vọng về việc quan hệ song phương sẽ sớm cải thiện.
Và căng thẳng đã gia tăng với việc nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến đi đến Trung Quốc, cũng như nhà chức trách Mỹ bắt đầu kiểm tra các mảnh vỡ khinh khí cầu được thu hồi. Trong khi đó, Bắc Kinh đã xem nhẹ việc Blinken trì hoãn chuyến thăm khi nói rằng nước này chưa bao giờ lên tiếng xác nhận về chuyến thăm. Đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc tại Paris cũng tuyên bố chuyến thăm của Blinken sẽ là vô nghĩa vì gần đây Washington đã khiêu khích Bắc Kinh trên nhiều mặt.
Theo các chuyên gia, các cuộc trao đổi gần đây nhất đã nhấn mạnh sự khác biệt sâu xa và rộng lớn giữa hai nước và mong muốn của hai bên trong việc thể hiện ưu thế sức mạnh. Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh Shi Yinhong bình luận: “Sự cạnh tranh về ý thức hệ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Và cả hai bên đang sử dụng những tuyên bố về ưu thế của riêng họ để liên tục làm phong phú thêm sự cạnh tranh như vậy”. Shi Yinhong nhận định nhận xét quan trọng nhất trong bài phát biểu hôm 7/2 của Biden là kêu gọi hai đảng chính trị lớn đoàn kết trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Ông nói, tâm lý phản chiếu của Trung Quốc và Mỹ là kết quả của những đánh giá tương tự về sức mạnh của chính họ: “Cả hai bên đều cho rằng họ có lợi thế hơn bên kia, vậy tại sao phải cạnh tranh gay gắt như vậy? Đó là bởi vì cả hai đều nghĩ rằng họ có một phần lợi thế, nhưng không tự tin vào lợi thế của mình như họ đã tuyên bố trong các nhận xét rất khoa trương”.
Phó giáo sư tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore Alfred Wu đánh giá “sẽ là tưởng tượng” nếu cho rằng Tập Cận Bình đã bị suy yếu trong những tháng gần đây và sẵn sàng nhượng bộ phía Mỹ hơn. Ông nói: “Có một số lập luận cho rằng Tập Cận Bình muốn có một môi trường hòa bình, đặc biệt là khi ông ấy bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba không mấy suôn sẻ vì COVID-19 và nền kinh tế đang không tốt, vì vậy Trung Quốc muốn có sự thỏa hiệp và mềm mỏng. Tuy nhiên, hai bên có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ và không có không gian để thỏa hiệp”.
Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên Pang Zhongying lại cho rằng sự cạnh tranh về ý thức hệ có thể không nhất thiết phải trở nên tồi tệ hơn. Ông bình luận: “Biden đã nói rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, và thực ra mục đích chuyến thăm của Blinken là để kiểm soát mối quan hệ song phương. Nhưng bằng cách nhấn mạnh rằng hệ thống chính trị của họ là tốt nhất trên thế giới, mỗi bên đang lao vào một cuộc cạnh tranh giống như Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng cả hai bên đều đang nói chuyện với dư luận trong nước, và mặc dù cả Trung Quốc và Mỹ đều không thừa nhận rằng đó là một cuộc Chiến tranh Lạnh, song những gì chúng ta đang thấy hiện nay là dấu hiệu rõ ràng của một cuộc chiến như vậy”.
D.T.T