Tờ Yi Cai của Trung Quốc gần đây đã tóm tắt báo cáo thực hiện ngân sách năm 2022 và kế hoạch ngân sách năm 2023 do 31 tỉnh (thành phố) công bố, phát hiện rằng tất cả các tỉnh và thành phố đều nhấn mạnh việc túng thiếu (tài chính). Người Trung Quốc nói rằng, ngoài việc nhiệt tình với các khoản tiền phạt, các quan chức cấp dưới không muốn làm gì cả.
Theo “Báo cáo chỉ số phát triển tài chính các khu vực của Trung Quốc năm 2022” của Viện Tài chính và Thuế vụ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, tỷ lệ chi tiêu quản lý hành chính của Trung Quốc trong tổng chi ngân sách công đã giảm đáng kể kể từ năm 2008, từ 15,25% năm 2008 xuống còn khoảng 8% vào năm 2021.
Trong ba năm phong tỏa do dịch bệnh ở Trung Quốc, ngành sản xuất, ăn uống, du lịch và các ngành dịch vụ khác đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành bất động sản sa sút, dẫn đến doanh thu từ thuế của chính quyền địa phương và doanh thu chuyển nhượng đất giảm mạnh. Công nhân viên chức đa số bị cắt giảm một phần ba tiền lương so với trước đây.
Triệu Mai (bút danh), một cư dân Bắc Kinh, nói với Sound of Hope vào ngày 10/2: “tôi cảm thấy điều sâu sắc nhất là những nhân viên cấp dưới không làm việc, họ không có sự nhiệt tình nào ngoại trừ việc đi phạt tiền người khác. Bạn bảo chúng tôi phải như thế này thế nọ, nhưng không ai lắng nghe bạn nói. Vấn đề nằm ườn mang tính tập thể, không phải trường hợp cá biệt. Về cơ bản, ai có thể nằm ườn thì đều nằm ườn.”
Hiện nay, trước áp lực tài chính, một số chính quyền địa phương đã phải thu hẹp quy mô của các tổ chức công và sa thải công chức.
Tờ Paper đưa tin rằng thành phố Y Xuân (Yichun), tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang), đã thi hành chính sách “triệt nhai thiết trấn” nghĩa là phá khu phố lớn để thành lập thị trấn nhỏ. Trong khi tờ Caijing đưa tin rằng, huyện Hà Khúc (Hequ) ở Sơn Tây (Shanxi) đã hợp nhất 186 cơ quan xí nghiệp thành 40 cơ quan, giảm số lượng biên chế sự nghiệp từ 1964 xuống còn 659, giảm hơn 50%. Hiển nhiên, lý do chính là chính phủ thiếu tiền.
Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu phó giáo sư của Đại học Sư phạm Thủ đô, cho biết: Hệ thống quan liêu của chính quyền Trung Quốc đã hình thành một thói quen xấu, đó là nhận lương công chức, nhưng một số người không hoàn thành chức trách. Số lượng quan chức tham nhũng trong hệ thống nhà nước là rất lớn, và tỷ lệ giữa quan chức và dân thường lớn hơn nhiều so với một xã hội quốc tế thông thường. Chỉ khi nào có cơ hội lấy việc công làm việc tư, ức hiếp người dân, thì những người này họ sẽ hăng hái tham gia. Nhưng nếu khi không có tiền, bạn bảo họ làm việc, họ cũng không làm, việc chính đáng cũng chẳng làm. Bản thân họ cảm thấy bất an, họ biết nếu không có ngân sách, thì những quan chức cấp thấp như họ sẽ là người đầu tiên bị chính quyền Trung Quốc gạt sang một bên.
Một cư dân mạng tweet rằng, càng nhiều công chức thì người dân gánh gồng càng nặng. Tỷ lệ 1,4 tỷ (dân chúng) so với 80 triệu (công chức) tương đương 13 người dân đóng thuế nuôi dưỡng một công chức.
T.P