Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, không gian cạnh tranh không còn giới hạn trên bộ, trên biển và không gian tầm thấp mà là không gian cận vũ trụ. Không gian cận vũ trụ nằm cao hơn đường bay của hầu hết máy bay thương mại và quân sự nhưng thấp hơn vệ tinh. Đây là không gian hoạt động của các vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo bay qua, đây cũng là vùng hoạt động của các khí cầu.
Các khí cầu nhẹ hơn không khí bay ở vùng cận vũ trụ có thể giám sát, chụp những bức ảnh và quay video có độ phân giải cao với chi phí thấp hơn nhiều so với vệ tinh. Khí cầu đã được sử dụng cho mục đích quân sự từ cuối thế kỷ 18, khi quân đội Pháp vận hành một quân đoàn kinh khí cầu.
Các nước có trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến từ rất sớm đã chú ý nghiên cứu phát triển và sử dụng kinh khí cầu, đứng đầu là Mỹ, Nga và Israel. Năm 2021, Bộ quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với một số hãng công nghệ vũ trụ để sử dụng khí cầu bình lưu của họ để nhằm hoàn thiện hơn và áp dụng cho chiến trường. Rõ ràng Mỹ và một số nước đã không chỉ dùng khí cầu cho mục đích dân sự mà cho cả mục đích trinh sát quân sự.
Từ những năm 70 của thế kỷ XX dù kinh tế và khoa học-công nghệ còn hạn chế nhưng Trung Quốc đã rất quan tâm nghiên cứu, phát triển vùng cận vũ trụ và khí cầu. Trung Quốc cho rằng vùng cận vũ trụ đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại, phương tiện bay cận vũ trụ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tác chiến phối hợp, tích hợp không gian ngoài vũ trụ với khí quyển trái đất.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo không quân Trung Quốc cần “tăng tốc tích hợp năng lực không quân và vũ trụ, mài giũa năng lực phòng thủ và tấn công. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc xác định vùng cận vũ trụ là mắt xích quan trọng cho sự tích hợp này.
Trung Quốc đã đạt được bước đột phá trong lĩnh vực này là chuyến bay của khí cầu không người lái dài 100m mang tên “Người săn mây”, đã bay qua Châu Á, Châu Phi và Bắc Mỹ trong chuyến bay vòng quanh trái đất ở độ cao 20km so với mặt biển vào năm 2019.
Trung Quốc cũng đã lập một trung tâm nghiên cứu để thiết kế và phát triển khí cầu tầm cao và khí cầu bình lưu, còn gọi là khí cầu điều khiển được. Mặc dù Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới vệ tinh rộng khắp để tạo nên hệ thống giám sát tầm xa phức tạp, nhưng các chuyên gia quân sự Trung Quốc đặc biệt đánh gia cao những lợi ích của phương khí cầu.
Rõ ràng Trung Quốc đã rất quan tâm phát triển khí cầu, không chỉ nhằm mục đích dân sự mà cả mục đích quân sự.
H.B