13/02/2023, cảnh sát biển Philippines (PCG) tố cáo hải cảnh Trung Quốc đã chiếu một tia “laser quân sự” vào một tàu của họ vùng tranh chấp tại Biển Đông.
Vụ việc xảy ra ngày 6/02, tại một nơi cách rạn san hô Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Philippines đang kiểm soát trái phép) khoảng 20 km.
PCG nói rằng: các thủy thủ tàu BRP Malapascua đã bị “mù tạm thời” trong hơn 10 giây đồng hồ; đồng thời, để ngỏ khả năng nạn nhân có thể bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe.
Chưa hết, phía Philippines cáo buộc: tàu Trung Quốc còn có các hành động nguy hiểm tiếp cận tàu Philippines ở khoảng cách gần, có thể dẫn tới va chạm và gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn; các thủy thủ Trung Quốc còn phát “những lời thách thức bất hợp pháp qua radio”, yêu cầu tàu Philippines rời khỏi khu vực…
Dư luận Philippines lập tức nổi sóng. Nhiều người dân Philippines coi hành xử của phía Trung Quốc ngang ngược, già mồm của “kẻ cắp. “Kẻ cắp” này, ngoài việc để thủy thủ thách thức trực tiếp “chủ nhà” trên thực địa, còn “già mồm” ở tầm cao hơn. Trước phản ứng của Manila, qua người phát ngôn ngoại giao Uông Văn Bân, Bắc Kinh không những tuyên bố “tàu hải cảnh nước này (Trung Quốc) đã “tuân thủ luật pháp” trong sự việc trên, mà còn lên mặt dạy đời, uốn nắn: “Chúng tôi kêu gọi Philippines tránh những động thái tương tự. Thủy thủ đoàn Trung Quốc đã thể hiện sự chuyên nghiệp và kiềm chế”.
Thói ngạo mạn của Bắc Kinh còn khiến Washington cũng tức khí, nhảy bổ vào an ủi ông bạn Đông Nam Á: “Mỹ luôn sát cánh cùng đồng minh Philippines”, đồng thời cáo buộc “Những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, xâm phạm quyền tự do đi lại trên Biển Đông được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế, phá hỏng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” – như lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 13/2.
Trách nhiệm với một đồng minh ư? Có thể, nhưng tin mức độ thôi, bởi nhiều người chưa quên vụ ông đồng minh bên Tây bán cầu đã bỏ mặc Philippines đối phó và cuối cùng, bị mất bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc năm 2012. Nhiều người nghiêng về khả năng: đằng sau sự sốt sắng, chia sẻ và nhiệt tình đó, rất có thể động cơ của Washington chỉ là muốn khai thác “vụ laser” này để co kéo Manila ở lại với mình trước sự giành giật quyết liệt của Trung Quốc. Co kéo để làm gì? Để phục vụ cho những mục tiêu trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương mà Washington đang ráo riết triển khai trước nguy cơ Bắc Kinh ngày một bành trướng, trước mắt là trên Biển Đông.
Một ngày sau đó, Manila đã có công hàm phản đối Trung Quốc, nhấn mạnh rằng: “Những hành động gây hấn này của Trung Quốc thật đáng lo ngại và đáng thất vọng, vì diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. vào đầu tháng 1/2023”.
Chẳng phải bỗng dưng Manila “xâu” vụ laser với sự kiện ngoại giao được chính giới và truyền thông cả Trung Quốc và Philippines làm đình đám. Ngoài việc khẳng định sự coi trọng của ông Marcos Jr thể hiện qua việc chọn Trung Quốc là nước công du đầu tiên ngoài ASEAN trên cương vị tổng thống; khẳng định sự thịnh tình của của ông Tập Cận Bình dành cho người đồng cấp về việc ông này, trong nửa năm đầu nhiệm kỳ đã liên tục dành cho Bắc Kinh những lời cảm kích: Trung Quốc là “đối tác mạnh nhất”, là nguồn cung viện trợ phát triển hạ tầng “đáng tin cậy nhất” của Philippines…, việc làm đình đám còn nhằm khuyếch trương kết quả công du quan trọng của nhà lãnh đạo Philippines, trong đó, một trong những điểm nhấn là hai bên sẽ nói chuyện “sòng phẳng” với nhau về vấn đề Biển Đông.
Kết quả ấy như đã được thực chứng khi hai bên hoan hỷ ra Tuyên bố chung, trong đó có việc Thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ Ngoại giao hai nước ở các cấp khác nhau về các vấn đề trên Biển Đông.
Trong khi nhiều người còn hồ hởi kỳ vọng rằng: cơ chế liên lạc trực tiếp này sẽ giúp xử lý được khối việc căng thẳng, thì vỡ ra ngay “vụ laser”.
“Vỡ” ra rồi mới thấy: với Trung Quốc, ký thì ký, tuyên bố thì tuyên bố, nhưng thực thi, hành xử theo nó, có mà còn đợi tới mùa…quýt!
T.V