Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông “ổn định”?

Biển Đông “ổn định”?

Dư luận ASEAN và cộng đồng quốc tế đang bất bình trước việc Thông cáo chung Trung Quốc-Campuchia, đè cập vấn đề Biển Đông, đã khẳng định:“Nhờ nỗ lực chung của các nước ASEAN và Trung Quốc, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định”.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 10/02/2023.

Tiếng là “Thông cáo chung”, nhưng thực là, ngôn từ đó đặc Trung Quốc; Campuchia chỉ là bên dễ dãi gật đầu.

Nhiều người còn nhớ, cách đây 2 năm, tại tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN ngày 3/8/2021, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc khi đó, đã phủ dụ các thành viên ASEAN bằng câu nói: “Biển Đông nhìn chung ổn định, trật tự hàng hải và hàng không theo luật quốc tế được đảm bảo”.

Thế nên, thời điểm này, khi cái ngôn từ “nghe quen quen” trên xuất hiện trong Thông cáo chung Trung Quốc – Campuchia nhân chuyến công du 3 ngày (9-11/2) tới Trung Quốc của ông Hun Sen, nhiều người không thể không bực mình. Họ càng khó chịu hơn khi văn bản còn hạ thêm cái ý như răn dạy: “Phải tránh các “mưu toan sử dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại hòa bình, ổn định và lòng tin trong khu vực”.

Trong thực tế, cái gọi là “ổn định” chỉ có ở những ai hoang tưởng.

Biển Đông ổn định mà mới cách đây nhõn 3 ngày, ngày 14/2, Philippines “tố” miệng chưa đủ, còn cả giận đánh công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu một tia “laser quân sự” vào một tàu của Philippines tại vùng tranh chấp ở Biển Đông, khiến các thủy thủy Philippines bị “mù tạm thời” hơn 10 giây?

Biển Đông “ổn định” mà thời suốt thời gian qua, liên tiếp diễn ra các vụ tàu cá các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia hành nghề trên ngư trường truyền thống bị tàu Trung Quốc ngang ngược xua đuổi, xịt vòi rồng, đâm húc?

Biển Đông “ổn định”, vậy thì tại sao có những vụ việc nghiêm trọng như Cỏ Rong, Tư Chính, Ba Đầu… liên tục diễn ra.

Biển Đông “ổn định” thì dư luận đã chẳng “sôi” lên trước việc Trung Quốc cho Giàn khoan Hải dương 981 hạ chân vịt trái phép xuống vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

Biển Đông “ổn định”, vậy thì tại sao những cuộc tập trận thường xuyên diễn ra, trong đó, Trung Quốc là bên khoe khoang cơ bắp nhiều nhất?,v.v…

Có điều, bức xúc hay phẫn nộ, dư luận và cộng đồng quốc tế đều hiểu Campuchia trước nay vẫn thế, chẳng thể làm khác. Nói cách khác, ứng xử của Phnom Penh trong câu chuyện Biển Đông luôn nhất quán – cái nhất quán của một kẻ “tiểu nhân” lấy sự tư lợi làm đầu, bất chấp sự thật, bỏ mặc lợi ích cộng đồng.

Năm 2012 nào phải đã xa. Chưa xa nên nhiều người vẫn nhớ Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN tháng 7/2012 (AMM-45) đã không ra được Thông cáo chung. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử gần nửa thế kỷ hình thành và hoạt động của tổ chức quan trọng nhất Đông Nam Á này. Chính thế, có thể ví nó như một thất bại nghiêm trọng.

Thất bại vì sao? Vì Campuchia! Nước này đã lợi dụng vai trò điều phối của nước chủ nhà để quyết liệt phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào Thông cáo chung, với lý do: vấn đề Biển Đông (khi đó nóng bỏng với sự kiện bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Philippines), chỉ là xung đột song phương giữa một vài quốc gia thành viên ASEAN và một nước láng giềng.

Cái “lý cùn” này của ngoại trưởng Campuchia khi đó là ông Hor Namhong, đã bị đại diện Philippines phản đối mạnh mẽ và chứng minh thuyết một cách phục rằng: kể từ khi các nước ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thì “tranh chấp này không đơn thuần là một xung đột song phương với một hàng xóm phương Bắc mà là một xung đột đa phương, do đó cần được giải quyết theo cách đa phương”.

Bất luận việc ngoài Philippines, các nước khác như Việt Nam, Indonesia cũng phản đối, Campuchia vẫn kiên trì cách hành xử vô trách nhiệm với ASEAN trong AMM-45. Không lâu sau đó, trò “tiểu nhân” của Campuchia đã bị tờ New York Times (một tờ báo Mỹ) vạch trần rằng: AMM-45 không ra được Thông cáo chung bởi “Trung Quốc đã mua ghế, đơn giản là vậy”.

Trong khi có người còn hoài nghi, thì Tân Hoa xã, cùng thời điểm, đăng tải thông tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cảm ơn Campuchia vì ủng hộ “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Một lời cảm ơn dành cho Phnom Penh, nhưng với dư luận, nó như lời thú tội về một cú “đi đêm” của hai kẻ không tử tế.

Lần này, chẳng cần thêm một lời cảm ơn nữa từ Bắc Kinh, dư luận cũng biết, trong hậu trường cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Hun Sen, hai bên đã nói và gật gù với nhau những gì ngoài những điều đã công khai trước báo chí và dư luận.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới