Năm 2020, một khinh khí cầu lạ đã bay ngay phía trên các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Ngày 17/6/2020 là một ngày đẹp trời ở Sendai, bầu trời trong xanh trải rộng khắp thành phố phía đông bắc Nhật Bản.
Một cư dân nói rằng cô nhớ rất rõ quãng đường đi làm ngày hôm ấy, và còn nghĩ rằng thật bất thường làm sao khi thời tiết tuyệt đẹp lại xuất hiện ngay giữa mùa mưa ảm đạm của Nhật Bản.
Khi đến gần tòa nhà chính quyền tỉnh Miyagi, cô nhìn lên và phát hiện một vật thể bay bí ẩn. Một vật thể hình tròn giống như quả bóng bay màu trắng đang lơ lửng trong không trung.
Nó hẳn là rất lớn, vì người ta vẫn nhìn thấy dù nó ở rất cao. Quả bóng dường như đang từ từ di chuyển từ tây nam sang đông bắc.
“Nó gợi lại những ký ức về UFO mà tôi nhìn thấy khi còn nhỏ và cả nỗi sợ hãi lạnh sống lưng khi đó,” cô nói với Nikkei.
Vụ việc đã không được quan tâm nhiều. Người Nhật khi đó còn bận lo ngại về đại dịch, vốn đang ở giai đoạn đầu, và việc hoãn Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo.
Nhưng gần đây, việc một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ bị phát hiện đã khiến vụ việc năm 2020 được chú ý trở lại.
Miyagi là nơi có nhiều sân bay, bến cảng, và căn cứ được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sử dụng. Liệu người Trung Quốc có do thám những cơ sở vốn là chìa khóa cho an ninh của Nhật Bản hay không?
Quả khí cầu trên bầu trời nước Mỹ đã bị một máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tối tân bắn hạ vào thứ Bảy (4/2/2023) theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.
Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết quả khí cầu có kích thước bằng ba chiếc xe buýt đã bị phá hủy ở vùng trời Đại Tây Dương ngoài khơi Bờ Đông nước này.
Khí cầu Trung Quốc khi rơi xuống biển đã mang theo một vật trông giống như tấm pin mặt trời, có hình tấm ván, treo lủng lẳng dưới đáy quả khí cầu. Nó được cho là có khả năng di chuyển nhờ các cánh quạt đi kèm.
Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ, nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng khí cầu ước tính cao khoảng 60 mét và có tải trọng hơn 900 kg.
Quay trở lại trường hợp vật thể ở Sendai, các bức ảnh chụp từ Đài Quan sát Thiên văn Sendai và quan sát trực tiếp từ máy bay trực thăng đã xác nhận có một vật hình chữ thập và thứ gì đó giống như tấm pin mặt trời treo trên vật thể hình cầu màu trắng. Nó cũng được trang bị hai cánh quạt quay.
Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thông báo cho khoảng 150 người từ khoảng 40 đại sứ quán về hoạt động gián điệp bằng khinh khí cầu của Trung Quốc, The Washington Post đưa tin.
Cũng theo tờ báo, các quan chức Mỹ đã bắt đầu chia sẻ nhiều chi tiết cụ thể với các quan chức của các quốc gia như Nhật Bản, vốn có cơ sở quân sự bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu.
Báo cáo còn lưu ý rằng nỗ lực giám sát bằng khinh khí cầu đã được triển khai từ vài năm nay, thường xuất phát từ ngoại ô tỉnh Hải Nam, ngoài khơi bờ biển phía nam của Trung Quốc.
Vật thể bay được phát hiện tại Sendai đến từ phía tây nam, bay theo các luồng khí phía tây. Nó từ từ bay về phía đông bắc qua Miyagi vào ngày 17/6/2020, sau cùng biến mất trên bầu trời Thái Bình Dương.
Nhiều cơ sở của SDF nằm ngay dưới đường bay của quả khí cầu này. Trụ sở của Tập đoàn quân Đông Bắc thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) nằm cách tòa nhà chính quyền tỉnh Miyagi khoảng 5 km về phía đông.
Căn cứ Tagajo của GSDF nằm cách 15 km về phía đông, và cách đó khoảng 40 km về phía đông bắc là Căn cứ Không quân Matsushima của Lực lượng Phòng vệ Trên không, nơi có đội trình diễn nhào lộn trên không Blue Impulse.
Có lẽ việc sử dụng từ “khinh khí cầu” (balloon) đã vô tình tạo ra cảm giác hòa bình. Vật thể hình cầu dài bằng ba chiếc xe buýt đó khác xa so với những quả khinh khí cầu ngắm cảnh có trong tưởng tượng của mọi người.
Trên thực tế, nó là một tàu bay cỡ nhỏ hoặc vừa. Sau khi xâm phạm không phận Mỹ, nó đã bay qua lãnh thổ nước này suốt nhiều ngày. Việc người dân Mỹ cảm thấy khó chịu là hiển nhiên.
The Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng “Đây là một khí cầu do thám của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” bác bỏ một cách dứt khoát khẳng định của Trung Quốc rằng vật thể này là một khí cầu thời tiết bị thổi bay lệch hướng. “Điều đó là sai,” vị quan chức nói. “Chúng tôi tin chắc rằng họ đang tìm cách giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm.”
Các quan chức an ninh chỉ ra rằng vật thể treo lủng lẳng trên khinh khí cầu là đủ lớn để mang theo các camera chuyên dụng, công cụ liên lạc, và thiết bị đo lường.
Vào thứ Hai, tại một cuộc họp báo thường kỳ, Thống đốc Miyagi Yoshihiro Murai đã được hỏi về sự cố năm 2020. Murai là cựu thành viên của GSDF và từng là phi công trực thăng của Tập đoàn quân Đông Bắc.
Murai cho biết vật thể được nhìn thấy cách đây 3 năm ở Sendai “rất giống” với khinh khí cầu đã bay qua Mỹ.
“Chúng tôi vẫn chưa biết liệu vật thể đó có thuộc về Trung Quốc hay không,” Murai nói về sự cố Sendai. Hồi đó, chính quyền tỉnh đã không liên hệ với chính quyền trung ương để được giúp đỡ trong việc xác định vật thể đó, Murai tiết lộ, nhưng nói thêm rằng nếu một sự cố tương tự xảy ra, ông chắc chắn sẽ liên hệ với trung ương.
Murai rất cẩn trọng với các phát ngôn của mình. Nhưng cả ông và các nhân chứng đều khẳng định rằng vật thể bay được phát hiện ở Nhật Bản 3 năm trước trông giống với vật thể mà Mỹ đã bắn hạ.
Trở lại năm 2020, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã được các phóng viên hỏi về vật thể bay bí ẩn được phát hiện trên bầu trời Sendai. Ông phủ nhận việc nó đến từ một quốc gia thù địch với Nhật Bản, và chỉ đơn giản nói rằng chính phủ đang “tiến hành quy trình cảnh báo và giám sát cần thiết.” Khi nhìn lại, cách tiếp cận này thiếu tính khẩn cấp.
Lời giải thích của chính phủ Trung Quốc – rằng một khí cầu dân sự được sử dụng để nghiên cứu khí tượng đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến – đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Ở Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội, “không có tổ chức nào là hoàn toàn tư nhân trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh, bao gồm hàng không vũ trụ, viễn thông, và quan sát khí tượng,” một cựu nhà ngoại giao Nhật Bản có kinh nghiệm lâu năm ở Trung Quốc cho biết.
Chẳng hạn, về mặt chính thức, Hệ thống Vệ tinh Dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc, tương đương với Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ, không được quản lý và vận hành trực tiếp bởi quân đội. Nhưng không nghi ngờ gì, những ứng dụng quan trọng nhất của Hệ thống Bắc Đẩu là dành cho mục đích quân sự và an ninh, ví dụ như tiến hành liên lạc và dẫn đường cho máy bay quân sự, tàu chiến, và tàu của các cơ quan nhà nước.
Hệ thống này nằm ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu về an ninh và ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục ủng hộ “sự hội nhập quân sự-dân sự,” có nghĩa là phát triển và vận hành các công nghệ quân sự và dân sự một cách tích hợp với nhau.
Dù khí cầu Trung Quốc thực sự bay qua Mỹ chỉ để quan sát khí tượng, thì nhiều khả năng mọi thông tin do nó thu thập cũng sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Việc Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ diễn ra ngay trước chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc. Các nguồn tin của Mỹ cho biết Blinken sẽ gặp Tập nếu chuyến đi diễn ra theo đúng kế hoạch.
Nhưng Blinken đã hủy chuyến đi.
Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Trung Quốc lại thực hiện một động thái khiêu khích và mâu thuẫn về mặt ngoại giao như vậy vào lúc này?
Một nguồn tin quen thuộc với an ninh Trung Quốc lưu ý rằng quân đội nước này và các tổ chức liên quan đến an ninh thường xuyên tiến hành shitan, tức các cuộc diễn tập nhằm kiểm tra phản ứng của kẻ thù. Những thử nghiệm này được tiến hành bất kể Bộ Ngoại giao Trung Quốc có muốn thể hiện giọng điệu hòa giải hay không.
Cách duy nhất để bộ máy an ninh ngăn chặn shitan là một chỉ thị từ cấp cao nhất. Nhưng nhà lãnh đạo cao nhất không thực sự biết hết các hành động được thực hiện bởi các tổ chức liên quan đến an ninh trong nước.
Hiện tại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ sẽ rất khó hạ nhiệt. Tuy nhiên, không phải mọi kết nối giữa hai bên đều đã biến mất.
Nhiều nước trong khu vực đang hy vọng hai bên ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể. Khi nào thì ngày đó sẽ đến? Một lời xin lỗi từ Bắc Kinh và ngừng việc phản đối vụ bắn hạ khí cầu dường như là điều kiện tiên quyết.
T.P